Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC - BIỂU TÌNH

Hơn 2.000 người biểu tình tại Paris phản đối chuyến thăm Pháp của Tập Cận Bình

Chiều qua, 05/05/2024, khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Paris, trên đường phố thủ đô Pháp, khoảng 2000 người, chủ yếu thuộc cộng đồng Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ ở Pháp, đã tập trung biểu tình, bày tỏ phẫn nộ, lên án chuyến thăm của « nhà độc tài » Tập Cận Bình tại Pháp.

Biểu ngữ do các nhà hoạt động ủng hộ Tây Tạng dựng lên để phản đối chuyến thăm Pháp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cạnh Khải Hoàn Môn, Paris, Pháp, ngày 04/05/2024.
Biểu ngữ do các nhà hoạt động ủng hộ Tây Tạng dựng lên để phản đối chuyến thăm Pháp của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cạnh Khải Hoàn Môn, Paris, Pháp, ngày 04/05/2024. © AP - Michel Euler
Quảng cáo

Hàng trăm người mang cờ Tây Tạng đã tập trung tại quảng trường République, một địa điểm biểu tình truyền thống ở thủ đô của Pháp. Họ thể hiện sự phản đối qua những biểu ngữ như « Kẻ độc tài Tập Cận Bình, thời gian của ông đã hết », « Nói không với chủ nghĩa toàn trị Trung Quốc », hay « Hãy ngừng đe dọa Đài Loan, hãy chấm dứt đàn áp Hồng Kông ».

Trả lời AFP, Karma Thinlay, chủ tịch cộng đồng người Tây Tạng ở Pháp, nhận định « ở Trung Quốc không có tự do ngôn luận, không có bất cứ tự do nào, thế mà Pháp, đất nước của nhân quyền và tự do », lại tiếp đón « một kẻ độc tài ».

Cộng đồng người Tây Tạng biểu tình, phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Pháp

Qua hàng thập kỷ, Tây Tạng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm : giành được độc lập, rồi bị Trung Quốc kiểm soát, và bị Bắc Kinh can thiệp quân sự, đàn áp đẫm máu vào năm 1950. Lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma, hiện sống lưu vong tại Ấn Độ, vẫn không thừa nhận Tây Tạng là thuộc lãnh thổ của Hoa Lục và vẫn từ chối đối thoại với Bắc Kinh từ năm 2010.

Hôm qua, cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Pháp cũng tổ chức một cuộc biểu tình tại quận 8 ở Paris. Trả lời RFI Pháp Ngữ, chủ tịch Viện Duy Ngô Nhĩ ở Châu Âu, Dilnur Reyhan, lên án chuyến thăm của Tập Cận Bình : « Trong bối cảnh Macron cấm Putin (đến Pháp dự lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie), tại sao ông ấy lại có thể tiếp đón Tập Cận Bình, người phải chịu trách nhiệm cho cuộc diệt chủng một dân tộc ? Mạng sống của một người Duy Ngô Nhĩ không hề đáng giá trong mắt của tổng thống…»

Theo nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế, hơn một triệu người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã bị đưa vào các trại cải tạo kể từ năm 2017.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.