Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG - XÃ HỘI

Cam Bốt : Ngay cả công viên quốc gia cũng bị nhà thầu Trung Quốc phá hoại

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư vào Cam Bốt. Riêng trong năm 2011 vừa qua, đầu tư của Trung Quốc vào Cam Bốt lên gần 1,2 tỷ đô la, tăng 71% so với 2010. Địa ốc là một trong các lãnh vực rất được ưa chuộng. nhất là từ phía các tập đoàn tư nhân Trung Quốc, nhưng đã gây ra những tổn hại đáng kể về môi trường, gây bất bình không ít nơi người Cam Bốt.

Cửa sông Koh Kong tại Cam Bốt
Cửa sông Koh Kong tại Cam Bốt (Jérôme Boruszewski)
Quảng cáo

08:44

Thông Tín Viên Phạm Phan từ Phnom Penh

Mới đây, báo chí phương tây đã nêu bật sự kiện là một nhà thầu Trung Quốc đầy thế lực đang tàn phá cả một công viên quốc gia ở phía Tây Nam Cam Bốt để biến nơi này thành một quần thể khách sạn giải trí. Từ Phom Penh, Thông tín viên Phạm Phan tường trình về vụ Công viên Quốc gia Botum Sakor ở tỉnh Koh Kong bị một nhà thầu Trung Quốc tàn hại.

 

"Vùng rừng núi phía Tây Nam, phần lớn thuộc địa phận tỉnh Koh Kong, một thời yên lặng với môi trường xanh đẹp, nay đang bị tàn phá khi người Trung Quốc đặt chân đến đây với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền. Công viên quốc gia Botum Sakor trước đây là không gian thanh bình của nhiều loài động vật như cọp, voi, gấu, vượn nhưng giờ đây thành phần bài bạc, ăn chơi mang quốc tịch Trung Quốc kéo đến đầy đàn tranh giành cả chỗ sinh sống của đám thú rừng. Ông Chut Wutty, Giám Đốc Tổ Chức Bảo Vệ Tài Nguyên Thiên Nhiên có văn phòng tại Phnom Penh, đứng tại Botum Sakor chỉ cho báo chí thấy khu vực trước đây toàn là rừng xanh nay hầu như không còn cây sống. Ông nói chính Tập Đoàn Phát Triển Liên Hiệp Tianjin hay Thiên Sư của Trung Quốc là tác nhân làm biến đổi môi trường ở công viên quốc gia Botum Sakor.

Tập Đoàn Phát Triển Liên Hiệp là một công ty kinh doanh bất động sản ở vùng Hoa Bắc, họ đã sở hữu được một diện tích rộng đến 340 km vuông trong công viên quốc gia Botum Sakor và biến nó thành khu vui chơi giải trí, một địa điểm truy hoan lố bịch một cách thái quá, có kích thước lớn như một thành phố.

Tại đây, một xa lộ dài 64 cây số với 4 làn đường, hầu như đã hoàn tất, tạo thành trục lộ lớn hiện đại chạy xuyên ngang khu vực lâm viên khiến phá vỡ môi trường trong lành và nét hoang sơ của thiên nhiên.

Xét về luật đất đai của Cam Bốt ban hành năm 2001 thì chính quyền có bổn phận ngăn cấm ký kết bất cứ thỏa thuận nào về nhượng quyền đất kinh tế có diện tích lên đến 10.000 mẫu. Thế nhưng Tập Đoàn Liên Hiệp Phát Triển đã được dành cho hợp đồng kéo dài 99 năm với tổng diện tích lên tới 36.000 mẫu đất, một vùng đất lớn được tách ra từ công viên quốc gia Botum Sakor, và sau đó định lại ranh giới mới do Tập Đoàn Liên Hiệp Phát Triển làm chủ. Đó là nhờ Sắc Luật Hoàng Gia năm 2008, và không ai biết, nhân vật nào đứng sau cuộc vận động để Hoàng Gia ban hành sắc luật này nhằm biệt đãi cho công ty của Trung Quốc.

Cũng trong năm 2008, ông Mok Mareth, Bộ Trưởng Môi Trường cùng người đứng đầu Ủy Ban Giám Đốc Tập Đoàn Liên Hiệp Phát Triển là ông Li Zhi Xuan hay Lý Đại Nguyên. Theo nội dung bản hợp đồng, mà năm rồi đã được thực thi, thì Tập Đoàn Liên Hiệp được dành cho thêm 9.100 mẫu đất ở bên cạnh khu đất rộng 36.000 mẫu để xây dựng một nhà máy thủy điện.

Tham vọng của Tập Đoàn Liên Hiệp Phát Triển khi bước chân đến công viên quốc gia Botum Sakor là biến đổi khu vực này thành khu nghỉ dưỡng cao cấp bao gồm hệ thống đường chạy ngang dọc, một phi cảng quốc tế, một cảng biển dành cho các du thuyền lớn, hai hồ dự trữ nước, nhiều khách sạn, bịnh viện, những khu gia cư sang trọng, sân golf, và đặc biệt là một casino có tên gọi “Đền Angkor trên biển”.

Để thực hiện điều này, Tập Đoàn bỏ ra trên 3,8 tỷ Mỹ Kim, và vùng đất mà họ đầu tư lớn bằng nửa diện tích của đảo quốc Singapour, người dân địa phương gọi khu vui chơi giải trí này là “Con rồng bảy đầu” hay “Hồng Kông 2”.

Tất nhiên để thực hiện tham vọng này, ngoài tiền, Tập Đoàn còn phải cương quyết dập tắt các chống đối, mặc dù đã được chính quyền ủng hộ. Srey Khmao, một cư dân 68 tuổi, nói đất và vùng khai thác cá của họ đã được thế hệ cha ông truyền lại, tuy nhiên cuộc sống ổn định của họ đã bị phá hủy khi người Trung Quốc kéo đến tỉnh Koh Kong, họ sử dụng biện pháp mạnh tay trục đuổi đối với dân địa phương, hăm dọa bất cứ người dân nào còn luyến tiếc nơi trú ngụ của họ. Hậu quả dân nghèo là kẻ thua trận.

 

RFI : Các hiệp hội bảo vệ môi trường phản ứng như thế nào ?

 

Phạm Phan : Ông Chut Wutty, một người hoạt động trong tổ chức bảo vệ môi trường cùng nhiều nhà hoạt động môi sinh khác đã bày tỏ nỗi bất bình về hoạt động của Tập Đoàn Liên Hiệp Phát Triển. Họ nói các công viên quốc gia và khu vực dành để bảo tồn nhiều loại thú hoang dã quý hiếm lần lượt bị bán cho các công ty nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc. Các nhà hoạt động môi trường Cam Bốt cũng nói những thỏa thuận nhường quyền khai thác đất kinh tế có khuynh hướng mở rộng quyền lợi kinh tế của Trung Quốc tại Cam Bốt khi tham vọng bành trướng lãnh hải của họ đang lộ rõ ở Biển Đông.

Tổ chức Phát Triển và Nhân Quyền Cam Bốt đưa ra con số chỉ rõ là hồi năm rồi chính quyền Cam Bốt dành nhiều hợp đồng kinh tế cho hàng chục công ty, số diện tích mà các công ty nắm được trong tay lên đến 7.631 km vuông, hầu hết đây là đất thuộc công viên quốc gia và khu vực bảo tồn thú quý hiếm. Số đất dành cho hợp đồng kinh tế như nói trên đã tăng gấp 6 lần trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2011.

Trung Tâm Nhân Quyền Cam Bốt cho biết nhiều công ty Cam Bốt, Việt Nam, và các nước khác cũng đã nhanh chân bước vào cuộc để khai thác những vùng đất bị bán tống bán tháo, nhưng phần lớn các công ty này chỉ kinh doanh trong lĩnh vực cao su. Còn những dự án sinh lợi khác như mỏ vàng, các khoáng sản khác thì lọt vào tay công ty Trung Quốc, vì túi tiền họ lớn và sâu hơn.

Riêng về các tổ chức bảo vệ môi sinh ngoại quốc đang hoạt động tại Cam Bốt thì không hé miệng vì lo sợ mối quan hệ với chính quyền bị rạn nứt rồi dẫn tới đổ vỡ. Những tổ chức này vẫn còn nhớ đến vụ Global Witness năm 2005, đây là tổ chức bảo vệ môi trường do vì trách nhiệm nên thẳng thắn lên tiếng phê bình chính quyền để rồi sau đó lãnh hậu quả phải đóng cửa văn phòng tại Phnom Penh vì chính quyền ra lịnh trục đuổi. Nhân vật quyền thế tại đây chỉ thích nghe lời dịu ngọt.

Một nhà hoạt động bảo vệ môi trường xin giấu tên nói thời kỳ Cam Bốt tùy thuộc vào các nước cấp viện đã qua rồi, giờ đây nguồn đầu tư trực tiếp dồi dào của Trung Quốc đang chảy vào xứ Chùa Tháp, vì thế cách hành xử theo phương pháp cây gậy và củ cà rốt của các quốc gia Phương Tây vào thời điểm 10 năm trước đây, nay không còn hiệu quả nữa.

 

RFI : Sự hiện diện của Trung Quốc tại Cam Bốt ngày càng manh mẽ. Phản ứng của người dân ra sao ?

 

Phạm Phan : Dân Trung Quốc kéo nhau tới Cam Bốt nhập cư hay làm ăn buôn bán, nếu đánh giá tổng thể, họ cũng là người nghèo khi so sánh với dân Mỹ hay Châu Âu, nói gần hơn là so sánh họ với dân Singapore, Đài Loan hay Hồng Kông. Tuy thế, những công ty Trung Quốc đầu tư vào Cam Bốt thì có nhiều vốn liếng và được chính quyền trọng nể.

Chỉ riêng tại khu vực xây dựng bên trong công viên quốc gia Botum Sakor, nơi làm việc của kỹ sư Trung Quốc được lính Cam Bốt gìn giữ an ninh. Theo sự tường thuật của nhà báo thuộc hãng tin Reuters thì lính canh đã không cho nhà báo đi vào khu vực nghỉ dưỡng của Tập Đoàn Liên Hiệp Phát Triển, vì đây, theo lời của lính canh, là đất của Trung Quốc.

Một cư dân địa phương tên Nhorn Saroen bộc lộ tình cảm của riêng ông rằng, dù có ghét người Trung Quốc, ông cũng không làm gì được. Không phải riêng gì ở vùng đất công viên quốc gia Botum Sakor, ở nhiều nơi khác trên đất Cam Bốt, người dân có phản kháng như tại hồ Boeung Kak ở ngay thủ đô Phnom Penh, cũng do công ty Trung Quốc đầu tư, thì sau cùng cũng phải thua cuộc.

Dân nghèo mất đất, mất tài sản, và cô thế thì phải làm gì đối với các nhà đầu tư Trung Quốc? Thù ghét, oán hận, chỉ để trong lòng hay bày tỏ bất bình trong chỗ thân thuộc. Báo chí Cam Bốt chưa ghi nhận vụ phản kháng mạnh tay nào do dân địa phương tổ chức nhắm vào cơ sở kinh tế của người Trung Quốc đặt trên lãnh thổ xứ Chùa Tháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.