Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HẠT NHÂN

Bình Nhưỡng mời Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế trở lại Bắc Triều Tiên

Ba năm sau ngày trục xuất thanh tra quốc tế, Bắc Triều Tiên mời Cơ quan AIEA trở lại theo dõi việc thi hành thỏa ước đình hoãn chương trình hạt nhân. Trong khi đó thì Bình Nhưỡng loan báo sắp phóng vệ tinh vào tháng tới, một đề án bị tố cáo là thử tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Ri Yong-ho (giữa) trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Ri Yong-ho (giữa) trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Bắc Triều Tiên. REUTERS/Kim Hyun-tae/Yonhap
Quảng cáo

Theo hình ảnh của đài truyền hình Hàn Quốc KBS thì từ Bắc Kinh, trưởng đoàn thương thuyết Bắc Triều Tiên về hồ sơ hạt nhân, Ri Yong Ho đã tuyên bố là chính phủ Bình Nhưỡng đã « gởi thư mời Cơ quan Năng lượng quốc tế AIEA trở lại thanh tra Bắc Triều Tiên ».

Theo giải thích của phía Bình Nhưỡng, thỏa thuận đạt được với Mỹ, công bố ngày 29/02/2012 vừa qua, trong số những nhượng bộ của Bắc Triều Tiên để đổi lấy viện trợ lương thực cứu đói, có cả việc đình chỉ chương trình hạt nhân.

Theo nhận định của trưởng đoàn thương thuyết Bắc Triều Tiên, chuyện phóng vệ tinh là một vấn đề khác, không liên quan gì đến hạt nhân.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các đồng minh khác đã lên án Bắc Triều Tiên che giấu âm mưu thử nghiệm tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân qua dự án phóng vệ tinh vào trung tuần tháng 4.

Theo AFP, trong thỏa thuận 29/02/2012 giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên có ghi rõ là Bình Nhưỡng cam kết ngưng thử nghiệm hạt nhân và tinh lọc Uranium , ngưng phóng tên lửa tầm xa, để đổi lấy 240.000 tấn lương thực viện trợ. Những hành động thử tên lửa vi phạm nghị quyết 1784 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua năm 2009.

Ngay cả Trung Quốc, đồng minh thân thiết của Bắc Triều Tiên, vào hôm nay, cũng không che giấu thái độ bất bình.

Theo bộ ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc thảo luận giữa trưởng đoàn thương thuyết hạt nhân Bắc Triều Tiên, Ri Yong Ho và trưởng đoàn Trung Quốc Vũ Đại Vĩ tại Bắc Kinh, hai bên đã trao đổi một cách « thẳng thắn » về « phương án bảo vệ hòa bình và ổn định tại bán đảo Triều Tiên ».

Thuật ngữ ngoại giao này cho thấy Trung Quốc phản đối thái độ Bắc Triều Tiên có thể sẽ gây ra tình trạng bất ổn trong khu vực, điều mà Bắc Kinh không muốn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.