Vào nội dung chính
ĐÔNG BẮC Á

Trung – Nhật – Hàn thảo luận về việc Bắc Triều Tiên phóng vệ tinh

Hôm nay, 08/04/2012, Ngoại trưởng ba nước, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc gặp nhau tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, vài ngày trước khi Bắc Triều Tiên phóng vệ tinh lên quỹ đạo. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì ( giữa), ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba (phải) và đồng sự Hàn Quốc Kim Sung-hwan, trước cuộc gặp tại Chiết Giang ngày 8/4/2012.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì ( giữa), ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba (phải) và đồng sự Hàn Quốc Kim Sung-hwan, trước cuộc gặp tại Chiết Giang ngày 8/4/2012. REUTERS/China Daily
Quảng cáo

Theo AFP, lãnh đạo ngành ngoại giao ba nước Đông Bắc Á đã chụp ảnh chung với nhau trước khi tiến hành các cuộc thảo luận.

Ngày hôm qua, Tân Hoa Xã đã trích đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bày tỏ « lo ngại trước các diễn tiến gần đây trên bán đảo Triều Tiên » và cho rằng, « tất cả các bên đều có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng hòa bình lâu dài, ổn định tại Đông Bắc Á ». Như thông lệ, Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan hãy giữ « bình tĩnh và kiềm chế ».

Cộng đồng quốc tế đã có phản ứng mạnh mẽ trước việc Bắc Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng vệ tinh lên quỹ đạo trong khoảng thời gian từ 12 đến 16/04, trùng với thời điểm có nhiều sự kiện quan trọng đối với chế độ Bình Nhưỡng: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, họp Đại hội đảng Lao động Triều Tiên, khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội.

Theo giới phân tích, các động thái này có thể báo hiệu việc Kim Jong Un được chỉ định giữ các chức vụ tối cao, như tổng bí thư Đảng, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, giống như người cha Kim Jong Il trước đây.

Phương Tây tố cáo Bắc Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa trá hình, vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Washington đã đình chỉ viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng. Hàn Quốc và Nhật Bản tuyên bố sẵn sàng bắn hạ tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên nếu an ninh của các nước này bị đe dọa.

Thế nhưng, các nhà phân tích cho rằng, trước thái độ khiêu khích của Bình Nhưỡng, phương Tây có ít phương tiện để trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Sau khi từ chối lời mời của Bắc Triều Tiên cử người đến quan sát vụ phóng vệ tinh, Nhật Bản đã cho triển khai hệ thống tên lửa phòng không ở vùng Tokyo và điều khu trục hạm có hỏa tiễn bắn chặn tên lửa đến vùng biển Hoa Đông.

Hôm qua, các bệ phóng tên lửa Patriot đã được lắp đặt xung quanh trụ sở bộ Quốc phòng ở trung tâm thủ đô Nhật Bản. Hai bệ phóng khác cũng được đặt ở ngoại ô để bảo vệ vùng Tokyo.

Đồng thời ba khu trục hạm được trang bị hệ thống phòng không Aegis có khả năng bắn chặn tên lửa đã được điều tới vùng biển Hoa Đông. Trong khi đó, các bệ phóng tên lửa Patriot cũng đã được đặt ở phía nam quần đảo Okinawa, nơi được dự báo là tên lửa phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên sẽ bay qua.

Ông Masao Okonogi, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, được AFP trích dẫn, nhận định, việc triển khai các hệ thống phòng không là cần thiết về mặt chính trị để trấn an dân chúng. Tokyo muốn chứng tỏ với người dân là Nhật Bản sẵn sàng đối phó với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nguy cơ Bình Nhưỡng tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân nữa, nhằm đáp trả các phản ứng của cộng đồng quốc tế về vụ phóng vệ tinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.