Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - PHÁP

Bầu cử tổng thống Pháp: Dường như Trung Quốc muốn ông Sarkozy tái đắc cử.

Mong muốn có quan hệ ổn định và tiếp tục với Pháp, đảng cộng sản Trung Quốc dường như nghiêng về phía ứng viên cánh hữu đảng UMP Nicolas Sarkozy hơn là ứng viên cánh tả đảng Xã hội François Hollande, trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (T) cùng phu nhân (P) đón tiếp trọng thị chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Paris, 28/04/2010
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (T) cùng phu nhân (P) đón tiếp trọng thị chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Paris, 28/04/2010 ©Reuters
Quảng cáo

Chủ nhật, 22/04, cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu vòng một cuộc bầu cử tổng thống. Qua theo dõi báo chí Trung Quốc, giới quan sát cho rằng, mặc dù trong thời kỳ đầu nhiệm kỳ tổng thống Pháp, quan hệ giữa giới lãnh đạo Bắc Kinh và ông Nicolas Sarkozy có những căng thẳng, lên xuống, nhưng dường như giờ đây, ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc có phần mong muốn ông Sarkozy tái đắc cử, hơn là việc ông François Hollande, ứng viên của đảng Xã hội, sẽ lên cầm quyền.

Về mặt chính thức, Bắc Kinh không có một bình luận nào về cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ có một tuyên bố rất bài bản: « Không một thay đổi chính trị nào tại Pháp sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - Pháp ».

Thế nhưng, một nhà phân tích chính trị Pháp, được AFP trích dẫn, nhận định, chế độ Cộng sản ở Bắc Kinh « chắc chắn ủng hộ ông Sarkozy ».

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc, có khoảng bốn chục nhà báo tác nghiệp tại Pháp, lại rất ít đưa tin về cuộc bầu cử diễn ra tại một đất nước xa xôi, vào lúc Trung Quốc đang trong quá trình chuẩn bị chuyển giao quyền lãnh đạo cho thế hệ thứ năm, nhân Đại hội đảng Cộng sản, sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm nay.

Ông Lưu Kiến Sanh, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc – CIIS, cho rằng « Pháp không phải là một nước lớn và không phải là Hoa Kỳ, quốc gia có thể có ảnh hưởng lớn đối với Trung Quốc ». Mặc dù vậy, báo chí Trung Quốc dường như vẫn tin vào khả năng ông Sarkozy tái đắc cử. Một số chuyên gia Pháp rất ngạc nhiên là tất cả các nhà báo Trung Quốc đều tin rằng ông Sarkozy, cánh hữu, sẽ giành thắng lợi. Họ xem các cuộc thăm dò liên quan đến vòng một nhưng lại không nhìn tới các cuộc thăm dò cho vòng hai cuộc bầu cử.

Hôm qua, Hoàn cầu Thời báo nhận định là ông François Hollande, có thể thắng cử, nhưng nhiệm kỳ của ông sẽ gặp nhiều khó khăn bởi vì cánh tả tại Pháp chưa bao giờ đoàn kết cả. Vẫn theo tờ báo này, thì thắng lợi của đảng Xã hội chủ yếu là nhờ vào một yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát: Đó là sự chán ngán của dân Pháp đối với ông Sarkozy.

Nhưng, tình cảm của giới lãnh đạo Bắc Kinh đối với ông tổng thống mãn nhiệm Pháp thì lại khác. Cùng với thời gian, càng quan hệ nhiều, Trung Quốc lại càng đánh giá cao ông Sarkyozy.

Bà Valérie Niquet, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược, có trụ sở tại Paris giải thích: Quan hệ giữa Trung Quốc và « tổng thống Sarkozy gặp nhiều khó khăn trong một thời gian dài, do lập trường của Pháp trong một số hồ sơ như Tây Tạng, cho dù mối quan hệ này phần nào được bình thường hóa vào cuối nhiệm kỳ 5 năm ».

Ngoài những chủ đề nhậy cảm, gây bất đồng song phương, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh trước đây còn khó chịu, bực bội về thái độ được cho là thiếu tôn trọng nhau – ví dụ việc ông Sarkozy đến muộn trong các nghi lễ chính thức, buộc chủ tịch Hồ Cẩm Đào phải chờ đợi, hoặc tính cách thất thường, không thể đoán trước được của ông Sarkozy làm cho giới lãnh đạo Trung Quốc bị bối rối, trong lúc Bắc Kinh tối kỵ mọi ngẫu hứng.

Thế rồi, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, chuyến công du cấp Nhà nước của chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Pháp, năm 2010, mà Paris đã đón tiếp một cách trọng thị, các cuộc họp Thượng đỉnh, các chuyến công du con thoi Paris – Bắc Kinh của cựu thủ tướng cánh hữu Jean Pierre Raffarin đã giúp cải thiện tình hình. Giới phân tích Pháp nhận xét là cuối cùng thì chủ tịch Hồ Cẩm Đào và tổng thống Sarkozy cũng hợp nhau và có thể làm việc được với nhau. Trong mọi trường hợp, Trung Quốc ưu thích sự ổn định và tiếp tục.

Theo AFP, tổng thống Pháp mãn nhiệm cũng rất chú ý chăm chút cho quan hệ với Trung Quốc. Trong 5 năm qua, ông Sarkozy đã 6 lần tới nước này. Các bộ trưởng Pháp thay nhau tới Bắc Kinh: Chỉ riêng trong năm ngoái, đã có tới 19 cuộc viếng thăm. Năm 2007, ông Sarkozy bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, qua việc ký kết với Trung Quốc một loạt hợp đồng trị giá 20 tỷ euro, chủ yếu liên quan đến các dự án điện hạt nhân và máy bay Airbus. Tuy vậy, trong 5 năm qua, cơ cấu trao đổi kinh tế giữa hai nước không thay đổi, thị phần của Pháp tại Trung Quốc cũng không tăng, chỉ dừng lại ở mức 1,5%.

Khác với tổng thống mãn nhiệm Pháp, ứng viên đảng Xã hội François Hollande chưa bao giờ tới Trung Quốc. Dân Trung Quốc cũng không biết ông. Thậm chí, hồi tháng Hai vừa qua, ông Laurent Fabus, cựu thủ tướng cánh tả Pháp, được ông Hollande cử sang Trung Quốc, còn không có được một cuộc gặp nào với các lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Về đối ngoại, đảng Xã hội và ứng viên Hollande nói nhiều đến châu Âu, Hoa Kỳ, nhưng hầu như không đề cập đến chính sách với châu Á.

Theo chuyên gia Valerie Niquet, « không chắc là giới lãnh đạo Trung Quốc vui mừng về khả năng lên cầm quyền của một tổng thống thuộc đảng Xã hội, người có thể tỏ ra nghiêm khắc trong hồ sơ Nhân quyền và có những đòi hỏi trong các vấn đề kinh tế ». Bắc Kinh có thể lo ngại là Paris có thái độ cứng rắn trong các hồ sơ xã hội, chi phí lao động, môi trường…

Về phần mình, nhà nghiên cứu Trung Quốc Lưu Kiến Sanh nghĩ rằng ông Hollande, nếu trở thành tổng thống Pháp, có thể gây ra những căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Tây Tạng, bởi vì, một chính trị gia khác của đảng Xã hội là thị trưởng thủ đô Pháp, Bertrand Delanoe, đã tặng cho Đức Đạt Lai Lạt Ma danh hiệu « Công dân danh dự » Paris.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.