Vào nội dung chính
ĐÀI LOAN - BIỂN ĐÔNG

Các dân biểu Đài Loan đi thăm quần đảo tranh chấp Trường Sa

Ba dân biểu và nhiều sĩ quan quân đội cao cấp của Đài Loan hôm thứ Hai 30/4 đã đến quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, nhằm tái khẳng định yêu sách chủ quyền tại đây, trong lúc tình hình hiện đang căng thẳng tại Biển Đông.

Hòn đảo Itu Aba (Thái Bình theo tên gọi Đài Loan, Ba Bình theo Việt Nam) do Đài Loan đóng giữ trong quần đảo Trường Sa - nơi tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia (DR)
Hòn đảo Itu Aba (Thái Bình theo tên gọi Đài Loan, Ba Bình theo Việt Nam) do Đài Loan đóng giữ trong quần đảo Trường Sa - nơi tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia (DR)
Quảng cáo

Cả ba dân biểu này đều thuộc Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đài Loan, đi trên máy bay vận tải C-130 của không quân, đã đáp xuống đảo Itu Aba (Đài Loan gọi là đảo Thái Bình, Việt Nam gọi là đảo Ba Bình), đảo lớn nhất tại vùng biển tranh chấp này. Đài Loan đã xây dựng một đường băng dài 1.150 mét trên đảo vào giữa năm 2006, bất chấp sự phản đối của các quốc gia khác cũng đang đòi hỏi chủ quyền tại Trường Sa.

Các dân biểu đã phát biểu ngắn gọn với các sĩ quan về những biện pháp phòng chống và đẩy lùi các lực lượng xâm nhập. Sau chuyến đi, dân biểu Lâm Úc Phương nói với các nhà báo là : « Chuyến viếng thăm nhằm mục đích nhắc lại yêu sách chủ quyền của Đài Loan tại quần đảo Trường Sa ».

Hành động này diễn ra vào lúc căng thẳng tại Biển Đông đang tăng cao, với bế tắc trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Scarborough. Tình hình bắt đầu căng từ khi các tàu hải quân Trung Quốc cản trở chiến hạm Philippines, không cho bắt giữ các ngư dân trên 8 chiếc tàu đánh cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển gần Scarborough.

Đài Loan, Việt Nam, Brunei, Trung Quốc, Malaysia và Philippines đang đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa giàu tiềm năng dầu khí. Tất cả các quốc gia này, trừ Brunei, đều có lực lượng đóng tại quần đảo gồm hơn 100 đảo nhỏ, đá ngầm và đảo san hô này, trong đó tổng diện tích mặt đất chưa đến 5 km2.

Một phần ba lượng hàng hóa trao đổi trên thế giới được vận chuyển bằng đường hàng hải phải đi ngang qua Biển Đông, vùng biển được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.