Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Từ Nhật sang Pháp, trường hợp thanh thiếu niên sống tách biệt với xã hội

Suốt ngày chỉ ở trong nhà, không thích đi học hay đi làm. Ngày ngủ, đêm lướt web hay chơi game video điện tử… và hiện tượng này kéo dài trên 6 tháng, đó là những triệu chứng của căn bệnh « Hikikomori », tên gọi bằng tiếng Nhật của căn bệnh « sống tách biệt với xã hội ». Theo báo Le Monde, triệu chứng tâm lý này, nay không chỉ phổ biến tại Nhật mà đang có mặt ở nhiều nước tiên tiến khác trên thế giới trong đó có Pháp.

Nhật Bản hiện có khoảng 264 ngàn trường hợp « hikikomori » (DR)
Nhật Bản hiện có khoảng 264 ngàn trường hợp « hikikomori » (DR)
Quảng cáo

Theo Le Monde, một điều tra mới nhất tại Nhật Bản cho biết trên tổng số dân 127 triệu người, có 264 ngàn trường hợp mắc bệnh « hikikomori ». Các chuyên gia về tâm thần học trẻ em còn đưa ra dự đoán rằng « trong tương lai không xa, số bệnh nhân này có thể tăng lên đến một triệu người. Và hiện tượng này sẽ có một tác động kinh tế - xã hội cho đất nước ».

Hơn nữa, nhiều chuyên gia đã không ngần ngại xem đấy như là một hiện tượng bệnh dịch. Tình trạng này lại càng trở nên tồi tệ hơn do lẽ nếu tính trên cả xứ sở Mặt Trời mọc hơn 100 triệu dân này chỉ có khoảng độ gần 170 bác sĩ thâm thần học trẻ em. Trong khi mà, có nhiều biểu hiện bệnh lý đầu tiên đôi khi có thể được phát hiện sớm ngay ở độ tuổi 12-13 như bỏ học hay sống cô lập.

Mặt khác, cảm giác mặc cảm vì có con mắc phải chứng bệnh này hay như chiều theo ý con không muốn đi khám nghiệm y khoa cũng làm trì hoãn việc điều trị.

Theo các chuyên gia tâm thần học, những người mắc chứng bệnh “hikikomori” thường kèm theo các bệnh lý tâm thần được biểu hiện qua hình thức sống tách biệt hoàn toàn. Nhất là, hiện tượng này không có chút gì liên quan đến triệu chứng gọi là « nghiện » Web hay trò chơi điện tử. Nhưng cả hai lãnh vực này cũng đóng góp phần làm giảm nhu cầu giao tiếp mặt đối mặt với những người xung quanh, theo như ghi nhận của giáo sư Takahiro Kato, thuộc khoa Thần kinh – tâm thần học trẻ em, trường Đại học Kyushu - Nhật Bản.

Giải thích cho hiện tượng bệnh lý khá phổ biến tại Nhật này, ông Kato cho rằng chính việc việc thay đổi lối sống trong xã hội Nhật Bản là tác nhân gây bệnh. Theo ông « Trước đây, gia đình truyền thống Nhật Bản thường đông con và nhiều thế hệ sống chung một mái nhà. Ngày nay, lối sống đó đã nhường chỗ cho một tổ chức gia đình nhỏ, ở đó cha mẹ phải làm việc, con cái cũng ít hơn và ít nhận sự hỗ trợ từ người thân cũng như láng giềng ».

Bên cạnh đó, áp lực học đường và việc chịu đựng các trò bắt nạt lẫn nhau giữa các học trò cũng giải thích phần nào nguyên nhân gây bệnh.

Về điểm này, ông Serge Tisseron, nhà tâm thần học và phân tích tâm lý học người Pháp, có đưa ra một giả thuyết cho rằng : « Ở độ tuổi vị thành niên, một người mắc chứng bệnh « hikikomori » có thể biểu hiện một thái độ thu mình lại. Một cách vô tình, biểu hiện này cho phép điều chỉnh các cảm xúc, những xung đột, những lo âu liên quan đến tương lai. Thế nhưng, đây cũng chưa phải là triệu chứng của các bệnh tâm thần như suy nhược thần kinh hay sự phát triển của chứng lo sợ ».

Nếu như hiện tượng này vốn được thấy nhiều tại Nhật Bản, thì nay « hikikomori » không đơn thuần chỉ liên quan đến nền văn hóa xứ Hoa Anh Đào nữa. Nhiều ca bệnh đã được phát hiện tại nhiều nước tiên tiến khác như Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc và thời gian gần đây nhất là tại Pháp.

Trung Quốc  thúc đẩy trở lại nền kinh tế

Liên quan đến tình hình kinh tế thế giới, báo Le Monde cho biết « Bị suy yếu do khủng hoảng đồng euro, Trung Quốc tái thúc đẩy nền kinh tế » - đây cũng chính là tít lớn trên trang nhất tờ báo. Lần đầu tiên kể từ sau lần tái thúc đẩy tăng trưởng năm 2008, ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất chỉ đạo. Đồng thời, chính phủ cũng đưa ra chương trình thả lỏng các điều kiện vay tại các ngân hàng trong nước.

Còn trong bài viết « Bắc Kinh muốn làm mọi cách để duy trì sự tăng trưởng » trên trang kinh tế, tờ báo cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc chỉ tăng có 8,1% trong quý I năm nay – mức tăng thấp nhất kể từ gần 3 năm nay. Sản xuất chế biến bị thu hẹp lại cho tháng thứ 7 liên tiếp. Trong khi đó, mức bán lẻ tăng chỉ có 14,1% trên một năm vào tháng 4, so với mức 15,2% của tháng 3.

Theo dự đoán của Ngân hàng thế giới « xác suất hiện tượng suy giảm sản xuất từ từ là cao ». Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này cần phải duy trì tăng trưởng ở mức 8% hay 9%. Bởi vì, « nếu tuột xuống dưới mức 8% sẽ làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp và bất ổn xã hội », theo như nhận định của chuyên gia kinh tế Sun Junwei, thuộc ngân hàng HSBC.

Tuy nhiên, ngân hàng Thế giới cho rằng, Trung Quốc có đủ khả năng để giải quyết nguy cơ này.

Thứ nhất, là thông qua chính sách tiền tệ. Lãi suất chỉ đạo sẽ giảm xuống 0,25% kể từ ngày hôm qua, thứ sáu 08/6/2012. Giải pháp « tiền tệ » này đặc biệt chỉ có thể sử dụng được vào lúc mà Bắc Kinh đã kiểm soát được lạm phát. Giá tiêu thụ chỉ tăng có 3,4% trên một năm vào cuối tháng tư này, so với mức 3,6% vào cuối tháng ba.

Song song đó, chính quyền Trung Quốc cũng cho nối lại kế hoạch tái thúc đẩy tăng trưởng. Vào năm 2008, không ai có thể dám nghĩ rằng Bắc Kinh đưa ra gói hỗ trợ 4000 tỷ nhân dân tệ, đầu tư chủ yếu trong việc phát triển mạng lưới đường sắt tàu siêu tốc – hệ thống đường sắt lớn nhất thế giới và trong lãnh vực cầu đường với những đường ô tô ngút tầm mắt.

Lần này, số tiền hỗ trợ có lẽ sẽ chưa tới 1/3 của năm 2008. Hơn 868 dự án đã được thông qua, so với con số 363 của cùng kỳ năm rồi.

Mặt khác, để kích thích tiêu dùng, Bắc Kinh đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ như hỗ trợ 400 tệ khi mua một máy điều hòa hay một màn hình phẳng.

Cuối cùng, chính quyền Trung Quốc cũng muốn tận dụng cơ hội lần này để đẩy thúc đẩy tiến trình thả lỏng lãi suất rất được mong đợi nhằm góp phần tái cân bằng lại nền kinh tế theo hướng tiêu thụ nội địa. Biện pháp này dường này đã được triển khai từ hồi tháng 3. Ông Chu Tiểu Xuyên, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng đã « gần như hội đủ » các điều kiện cho kế hoạch này.

Pháp tự xóa dần hình ảnh của mình trên thương trường quốc tế ?

Nhìn sang Pháp, Le Monde cho biết tình hình kinh tế cũng không mấy sáng sủa. Riêng trong tháng tư, thâm hụt mậu dịch đã đạt đến mức 5,8 tỷ euro. Trong khi đó, nước Đức lại ghi nhận thặng dư mậu dịch đạt 14,4 tỷ. Le Monde đặt câu hỏi « Pháp tự xóa dần hình ảnh của mình trên thương trường quốc tế như thế nào ? »

Từ 10 năm nay, cán cân mậu dịch Pháp luôn trong tình trạng báo động. Mỗi năm mỗi tệ hơn : 231 triệu euro trong năm 2003, nhưng đến 2005 là 24 tỷ và 2011 là 70 tỷ euro. Nếu như lãnh vực hàng không, hàng xa xỉ phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm vẫn còn trụ được, thì tất cả các lãnh vực khác đều xuống cấp trầm trọng.

Le Monde cho rằng, giá năng lượng tăng chưa hẳn là nguyên nhân chính của tình trạng thâm hụt thương mại năm 2011, bởi vì Berlin đã thành công trong việc bù đắp lại điểm thua thiệt này.

Theo tác giả bài viết, vào thời điểm mà Trung Quốc cũng như nhiều nước mới trỗi dậy khác, bắt đầu tham gia vào thị trường thế giới, xuất khẩu chỉ đạt có 1,5%, thì nay con số này đã lên đến 13%.

Hầu hết các nước phương Tây đều phải chịu đựng sự cạnh tranh không lành mạnh này. Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng, Pháp đã không thể, hay không biết đối phó lại. Bởi lẽ, kể từ bây giờ Paris không được phép giảm giá đồng tiền như thời kỳ vàng son. Đồng euro không ngừng tăng giá cho đến khi đạt đến đỉnh một euro đổi lấy 1,60 đô-la vào tháng 4/2008. Một thảm họa cho các nhà xuất khẩu.

Mặt khác, đồng euro cao giá cũng lộ rõ cho thấy điểm yếu của nền sản xuất Pháp. Theo chuyên gia kinh tế Michel Didier tại Coe-rexecode, chính sách lao động 35 giờ/ tuần và sự trượt giá lao động là những nguyên nhân chính gây thiệt hại cho tính cạnh tranh của nền sản xuất.

Ngược lại, người Đức lại chọn việc điều chỉnh mức lương, qua việc thực hiện các cải cách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế đất nước bị suy yếu do việc tái thống nhất đất nước. Từ đó, các doanh nghiệp Đức đã có thể hồi phục lại lợi nhuận và đầu tư để hiện đại nền sản xuất. Vì vậy, nền công nghiệp Đức đã khẳng định được vị trí của mình trong thứ hạng « cao cấp ».

Theo ông Patrick Arthus, kinh tế gia trưởng tại Natixis và là giáo sư trường Ecole Polytechnique, trách nhiệm không chỉ ở giá thành sản xuất mà còn ở chính sự bất lực của các tập đoàn trong việc ấn định giá cả và bảo vệ lợi nhuận của mình. Nhất là, các dòng sản phẩm trung bình của Pháp - vốn là những đặc sản của quốc gia, lại quá nhạy cảm với việc tăng giá đồng euro. Mỗi khi đồng euro tăng 10%, sản lượng bán ra lại giảm đến 9%, trong khi tại Đức lại tăng thêm 2%. Hay như, chất lượng sản phẩm hay dịch vụ hậu mãi của Đức luôn tốt hơn của Pháp.

Hơn nữa, nước Pháp hiện diện rất ít tại các nước mới trỗi dậy, vốn được cho là thiên đường của các nhà xuất khẩu. Trong khi đó, nước Đức lại làm điều ngược lại.

Ông Michel Didier nhận xét rằng Pháp đã mất dần tính cạnh trạnh so với nước láng giềng. Hầu như những thị phần nào Pháp bị đánh mất đều rơi lại vào tay nước Đức, nhất là tại châu Âu.

Thế nhưng, bài viết cũng lưu ý rằng bản tổng kết chỉ nêu lên được bề nổi của vấn đề. Bởi vì, thặng dư xuất khẩu còn bao hàm không chỉ các dòng sản phẩm được sản xuất trong nước mà còn tại các nước đối tác Đông Âu khác. Ví dụ như trường hợp chiếc xe hiệu Porsch Cayenne. 85% các linh kiện rời được sản xuất tại Slovakia, trước khi được lắp ráp tại Đức để rồi được dán lên đó phù hiệu Porsch.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.