Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NHẬT BẢN

Tokyo cực lực phản đối vụ Tổng thống Hàn Quốc đi thăm quần đảo tranh chấp

Hôm nay 10/08/2012, Nhật Bản đã triệu tập đại sứ Hàn Quốc ở Tokyo và triệu hồi đại sứ Nhật ở Seoul về nước, sau khi có thông báo về việc Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak trong cùng ngày đã đến thăm quần đảo Dokdo/ Takeshima đang được Nhật đòi hỏi chủ quyền. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Hàn Quốc đến thăm quần đảo mà hai nước cùng tranh chấp từ nhiều thập kỷ.

Tổng thống  Hàn Quốc Lee Myung-bak  đến quần đảo tranh chấp  Dokdo/Takeshima ngày 10/08/ 2012.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima ngày 10/08/ 2012. REUTERS/Korea Pool/Yonhap
Quảng cáo

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Koichiro Gemba khẳng định, chuyến đi của Tổng thống Hàn Quốc sẽ gây « một tác động lớn đến quan hệ song phương », và tuyên bố Tokyo sẽ đáp trả « mạnh mẽ ». Thủ tướng Yoshihiko Noda cấp tốc họp báo để tố cáo một chuyến đi "vô cùng đáng tiếc".

Theo hãng thông tấn Nhật Jiji, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak hôm nay đã đến quần đảo tại biển Nhật Bản, mà Seoul gọi là Dokdo còn Tokyo gọi là Takeshima. Quần đảo này gồm hai đảo nhỏ và khoảng 35 đảo đá ngầm, với tổng diện tích 18,7 hecta. Dân cư trên đảo chỉ có một cặp vợ chồng già. Tuy vậy Seoul cũng duy trì một đội tuần duyên nhỏ tại đây từ năm 1954.

Chuyến thăm quần đảo tranh chấp của ông Lee Myung Bak diễn ra trong lúc chỉ còn vài ngày nữa là đến dịp kỷ niệm ngày Nhật đầu hàng đồng minh, 15/08/1945, chấm dứt 35 năm chiếm đóng Triều Tiên. Truyền hình Hàn Quốc chiếu cảnh ông Lee Myung Bak khích lệ đội tuần duyên, và chụp hình kỷ niệm trước một đảo đá có sơn chữ "Lãnh thổ của Cộng hòa Triều Tiên" (tên chính thức của Hàn Quốc).

Hồi tháng Năm, lẽ ra Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin  đến Tokyo để ký kết hiệp định hợp tác quân sự đầu tiên với Nhật Bản, nhưng rốt cuộc Seoul đã hoãn lại. Một nhân vật có trách nhiệm trong quân đội cho biết đó là do « ý kiến của công chúng ».

Cho dù Nhật Bản và Hàn Quốc có liên hệ chặt chẽ về kinh tế, nhưng quan hệ hai nước vẫn bị quá khứ của thời kỳ đô hộ trước đây làm ảnh hưởng. Chẳng hạn Tokyo luôn từ chối đền bù cho các phụ nữ Hàn Quốc bị buộc phải phục vụ tình dục trong thời kỳ đệ nhị thế chiến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.