Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NHẬT BẢN

Tokyo đề nghị Seoul đưa tranh chấp lãnh thổ ra Tòa án Công lý Quốc tế

Hôm nay, 17/08/2012, đại diện chính quyền Tokyo đề nghị Seoul đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Takeshima/Dokdo lên Tòa án Công lý Quốc tế. 

Quần đảo Dokdo/Takeshima
Quần đảo Dokdo/Takeshima REUTERS/Korea Pool
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo tại Tokyo, ông Osamu Fujimura, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản tuyên bố : « Để giải quyết vấn đề này một cách điềm tĩnh, công bằng và ôn hòa, chúng tôi đề nghị, cùng với Seoul, đưa vấn đề này ra trước Tòa án Công lý Quốc tế -CIJ » và « nếu Hàn Quốc nghĩ rằng đòi hỏi của mình đối với quần đảo Takeshima (mà Hàn Quốc gọi là Dokdo) là có cơ sở, chúng tôi hy vọng họ sẽ chấp nhận đề nghị của chúng tôi ».

Tòa án Công lý Quốc tế - CIJ đặt tại La Haye, Hà Lan, là định chế tư pháp của Liên Hiệp Quốc, được thành lập từ năm 1945, thay thế cho Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế. CIJ có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và giải quyết tranh chấp giữa các Nhà nước, bất kể có phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc hay không.

Trong những ngày qua, quan hệ song phương đã căng thẳng lên sau khi tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak tới thăm quần đảo Dokdo/Takeshima vào tuần trước. Đây là nơi mà cả hai bên đều khẳng định có chủ quyền.

Tuy nhiên, đề nghị của Tokyo đã bị Seoul bác bỏ ngay lập tức. Một quan chức Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, nói : « Chúng tôi không để cho tòa án quốc tế quyết định quyền sở hữu phần lãnh thổ đã là của chúng tôi ».

Trước đây, trong các năm 1945 và 1962, Hàn Quốc cũng đã bác bỏ đề nghị tương tự của Nhật Bản.

Trong bối cảnh này, bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi thông báo hoãn chuyến công du Hàn Quốc, được dự kiến vào tuần tới, vì cho rằng lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp. Theo lãnh đạo ngành tài chính Nhật Bản, khó mà tách bạch các vấn đề chính trị và hợp tác song phuơng, bất đồng trong hồ sơ chủ quyền cũng như các tranh cãi khác giữa hai nước sẽ gây ra những hậu quả về kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản còn cho biết là Tokyo xem xét lại cơ chế trao đổi ngoại tệ, được thành lập năm 2001, nhằm giúp Hàn Quốc tránh được những khó khăn mà Seoul đã từng phải đối mặt trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á, cuối những năm 1990.

Theo thỏa thuận nói trên, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Nhật Bản có thể trao đổi với nhau bằng won, yên và đô la, một khối lượng tiền tương đương 70 tỷ đô la.

Bộ trưởng Azumi cảnh báo : Tất cả mọi khả năng, kể cả việc ngừng cơ chế trao đổi ngoại tệ, đều được xem xét.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.