Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Senkaku/Điếu Ngư : Số du khách Trung Quốc đến Nhật giảm phân nửa

Hôm nay 25/12/2012, AFP dẫn tin của Cơ quan du lịch Nhật Bản, theo đó số khách du lịch Trung Quốc tới Nhật Bản trong tháng 11 giảm 44% so với cùng kỳ năm 2011, do tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đây là quần đảo do Tokyo kiểm soát, nhưng trong thời gian gần đây, Bắc Kinh gia tăng các biện pháp cứng rắn để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.

Dân Osaka biểu tình đòi chính phủ Nhật phải dứt khoát trene vấn đề Senkaku / Điếu Ngư  (Christophe Paget / RFI)
Dân Osaka biểu tình đòi chính phủ Nhật phải dứt khoát trene vấn đề Senkaku / Điếu Ngư (Christophe Paget / RFI)
Quảng cáo

Theo Cơ quan du lịch Nhật Bản, chỉ có 52.000 du khách Trung Quốc tới đất nước Mặt trời mọc vào tháng trước, so với 92.154 người vào tháng 11/2011.

Khách du lịch vào Nhật có xu hướng tăng trở lại, gần hai năm sau trận động đất – sóng thần và thảm họa hạt nhân tại Fukushima 11/03/2011. Tháng 11 vừa qua Nhật Bản đón nhiều du khách hơn năm ngoái, với mức tăng 17,6%. Riêng trong tháng 11/2012, Nhật Bản đón 648.600 du khách. Lượng du khách thuộc các nước khác đều tăng, chỉ riêng khách du lịch đến từ Trung Quốc giảm.

Nguyên nhân hủy bỏ chuyến đi Nhật của các nhóm du khách Trung Quốc một phần là do quan hệ Nhật – Trung xấu đi. Căng thẳng dâng lên sau cho Tokyo quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku vào tháng 9/2012. Kể từ đó, Trung Quốc liên tục đưa tàu đến xung quanh khu vực quần đảo không có người ở này.

Căng thẳng liên quan đến chủ quyền quần đảo kể trên đã tác động xấu đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung – Nhật. Một bộ phận khách hàng Trung Quốc đã tẩy chay hàng Nhật hay không mua xe hơi Nhật, vì sợ rằng xe Nhật có thể bị các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan đập phá.

Một công ty luyện kim Nhật hủy bỏ dự án chung với đối tác Trung Quốc

Cũng về quan hệ Trung – Nhật, hôm nay, công ty luyện kim Nhật Kobe Steel tuyên bố hủy bỏ một dự án xây dựng nhà máy chung với một đối tác Trung Quốc. Theo báo chí Nhật, nguyên nhân gián tiếp của quyết định này là tranh chấp chủ quyền Điếu Ngư/Senkaku. Theo nhật báo Nikkei, việc Kobe Steel từ bỏ dự định hợp tác với Trung Quốc là vì lo ngại các căng thẳng song phương có thể gây tác hại đến kinh doanh. Trong tương lai, nhu cầu về nhôm tấm ở Trung Quốc có thể thấp hơn so với dự kiến, vì số lượng xe hơi Nhật tiêu thụ tại Trung Quốc giảm xuống.

Tháng 12/2011, Kobe Steel đã ký thỏa thuận với Jiangsu Alcha Aluminium, đầu tư 40 tỷ yen (tương đương 360 triệu euro) để xây dựng một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các tấm nhôm, với sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm. Nhà máy dự định sẽ được đặt tại Mông Cổ và Kobe Steel sở hữu 80%.

Về phần mình, công ty luyện kim Kobe Steel bác bỏ tin tức kể trên và khẳng định sẽ tiếp tục xem xét xây dựng một cơ sở cung cấp nhôm khác tại Trung Quốc, để phục vụ việc chế tạo xe hơi và vỏ đồ uống.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.