Vào nội dung chính
CAM BỐT

Giới bảo vệ nhân quyền Cam Bốt phẫn nộ về phiên xử vụ sát hại Chea Vichea

Hôm qua, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền ở Cam Bốt đã chỉ trích việc tòa kết án 20 năm tù đối với người bị xem là tác giả vụ sát hại lãnh đạo công đoàn nổi tiếng Chea Vichea vào năm 2004.

Các bị cáo Sok Sam Oeun ( ở giữa, phía trước) và Born Samnang (giữa, phía sau) bị cảnh sát áp giải đến tòa án ở Phnom Penh ngày 27/12/2012.
Các bị cáo Sok Sam Oeun ( ở giữa, phía trước) và Born Samnang (giữa, phía sau) bị cảnh sát áp giải đến tòa án ở Phnom Penh ngày 27/12/2012. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

07:40

Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh

Cái chết của người lãnh đạo nghiệp đoàn Cam Bốt

Vào năm 2004, giữa lúc phố phường đang đông người qua lại, thì một vụ ám sát ghê rợn đã xảy ra, nạn nhân là ông Chea Vichea, lãnh đạo nghiệp đoàn Cam Bốt nổi tiếng. Ông Chea Vichea bị bắn gục chết ngay sạp báo bên hông ngôi chùa đồ sộ, nơi các ông lớn bà lớn, những nhân vật quyền thế của xã hội Chùa Tháp thường tụ tập cúng vái khi đi làm phước theo tập tục người Khmer.

Ngay chỗ ông Chea Vichea bị bắn chết, một thời gian ngắn sau, người dân thường đến cúng bái một cách tự động. Việc cúng bái này rơi vào mắt chính quyền, thế là sau đó, mấy cái nhà vệ sinh công cộng được dựng lên nhanh chóng. Chính quyền muốn xóa bỏ ký ức của người dân về cái chết của một lãnh đạo nghiệp đoàn trẻ nhiệt huyết đấu tranh cho quyền lợi công nhân, mà vào lúc đó thường bị giới chủ nhân đàn áp hay bóc lột công sức lao động.

Thế nhưng hành động xúc phạm người đã chết được công chúng mến mộ này đã dừng lại, khi mấy cái nhà vệ sinh được dẹp bỏ.

Vài ngay sau vụ giết ông Chea Vichea, hai người đàn ông quê mùa dưới 40 tuổi ở các tỉnh lẻ bị bắt và nhà nước kết tội họ là ra tay ám sát ông Chea Vichea. Công luận rất ngạc nhiên về tung tích thủ phạm, và chính hai thủ phạm cũng không biết tại sao mình bị chính quyền bắt giữ.

Hai thủ phạm đó là Born Samnang và Sok Sam Oeun bị giải ra tòa xử và bị kết án 20 năm tù giam vì tội giết người. Các tổ chức nhân quyền lúc đó đã phê phán chính quyền là bắt người không đúng chứng cứ.

Sự việc kéo dài đến năm 2008, Tòa Tối cao Cam Bốt xét lại vụ án và tạm thời phóng thích hai bị cáo rồi ra lịnh chờ ngày xử lại.

Xử không đúng người đúng tội nhằm che giấu hung thủ

Ngày 27/12/2012, Tòa Phúc thẩm xem xét lại vụ án giết ông Chea Vichea, và ra phán quyết đã có đủ bằng chứng kết tội hai ông Born Samnang và Sok Sam Oeun thực hiện vụ mưu sát nhằm kiếm tiền xài, do vậy họ phải chịu bản án 20 năm tù giam, giữ nguyên phán quyết năm 2004.

Ông Am Sam Ath đang làm việc cho tổ chức nhân quyền địa phương là Licadho nói rằng, hai ông Born Samnang và Sok Sam Oeun là con dê tế thần, thực tế họ vô tội. Như thế, hung thủ thật sự còn lẩn tránh và chưa biết đó là người của ai được sai phái đi giết ông Chea Vichea. Vào thời điểm đó năm 2004, các cuộc biểu tình của công nhân bùng lên mạnh mẽ, và ông Chea Vichea là cái gai trước cặp mắt của nhà cầm quyền.

Khi bị áp giải từ tòa án về nhà tù, hai ông Born Samnang và Sok Sam Oeun vẫn cho rằng bản án này không công bằng và còn gởi thỉnh cầu đến Thủ tướng Hun Sen xin được tha tội. Họ cũng đã chuyển kiến nghị đến Quốc vương Sihamoni xin được ân xá. Bà Neang Heng, vợ ông Sok Sam Oeun nói với báo chí là chồng bà rất hy vọng được phóng thích trong nay mai.

Sự kiện này khiến người ta liên tưởng đến các vụ đuổi nhà gần đây, dân cứ cầm hình nhị vị Thủ tướng và phu nhân để cảnh sát không dám đụng chạm tới họ. Hậu quả, nhà họ vẫn bị ủi sập, bởi vì các công ty lấy đất dân xây khu đô thị mới hầu như được chính quyền cấp giấy phép.

Các tổ chức nhân quyền địa phương khác như Trung tâm Nhân quyền Cam Bốt cũng lên tiếng đòi hỏi phải thả ra ngay hai người bị kết tội không đúng và rằng qua sự kiện này chứng tỏ hệ thống tư pháp Cam Bốt không độc lập khi xét xử. Nếu không muốn nói họ bị chính quyền sai khiến, theo quan điểm của ông Ou Virak, người đang điều hành Trung tâm Nhân quyền Cam Bốt.

Nguồn tin cảnh sát thì nói hai ông Born Samnang và Sok Sam Oeun được người chủ mưu hứa hẹn trả cho số tiền là 5.000 Mỹ Kim sau khi giết chết ông Chea Vichea.

Trong khi đó nhân vật khét tiếng một thời tại Phnom Penh vì điều hành ngành cảnh sát trung thành với chế độ ông Hun Sen là ông Heng Pov, hiện nay đang bị giam cầm trong tù, thì lại nói hai ông Born Samnang và Sok Sam Oeun không phải là sát nhân. Chính ông Heng Pov khi còn cầm đầu ngành cảnh sát tại thủ đô Phnom Penh đã đứng ra điều tra vụ án giết chết ông Chea Vichea. Ông Heng Pov thất sủng và bị giam gần hết cuộc đời trong nhà tù Prey Sar vì bị cho đã phản ông Hun Sen, khi cung cấp nhiều bí mật an ninh nhà nước cho các tổ chức nhân quyền bên ngoài.

Hoạt động dưới chủ trương dân chủ « giới hạn »

Theo kết luận của các tổ chức nhân quyền quốc tế như HRW và Ân xá Quốc tế cũng như của các tổ chức nhân quyền địa phương sau gần một thập niên bỏ công quan sát và theo dõi với nhiều chứng cứ thì các nhân vật đối lập, các tổ chức chính trị đối lập, những người hoạt động nhân quyền, những người tranh đấu cho quyền lợi công nhân nghèo thì khó sống yên dưới chủ trương kiểm soát dân chủ của chính quyền.

Trường hợp mới nhất xảy ra ngày 24 tháng 12 vào thời điểm Giáng Sinh, ông Chan Soveth, người hoạt động lâu năm cho tổ chức nhân quyền Adhoc đã bị kêu ra tòa thẩm vấn vì luật Cam Bốt cho rằng ông tiếp tay các phần tử bị gọi là ly khai tại tỉnh Kratie hồi tháng 5.

Vụ người dân dám cầm vũ khí như gậy, ná cao su, cuốc, rựa, sỏi đá, đánh lại cảnh sát và lực lượng an ninh tại Kratie đã làm chính quyền rất bận tâm. Họ cho rằng nhiều người hoạt động vì dân chủ đã đứng đàng sau giựt dây vụ bạo động này. Hậu quả là ông Mam Sonando, giám đốc đài phát thanh độc lập bị kết án 20 năm tù giam, dù ông đã 70 tuổi. Khi Tổng thống Obama đến Phnom Penh dự Thượng đỉnh Đông Á mới đây, có yêu cầu ông Hun Sen thả ông Mam Sonando ra, thế nhưng lời kêu gọi này như gió vào nhà trống.

Riêng trường hợp ông Chan Soveth, dù được tạm thời thả ra, ông phải bị kiểm soát nghiêm ngặt đường đi nước bước và các hoạt động nhân quyền của ông. Tương lai chưa biết ông sẽ phải bị hình phạt như thế nào vì khi ngành tư pháp tại đây đã lưu ý đến thì có thể bị nguy hiểm.

Đám đông dân chúng ở trước tòa hoan hô khi thấy chính quyền chưa thể giam tù ông. Họ mừng vui vì thắng lợi nhỏ trước mắt, những người dân nghèo yêu công lý có thể lạc quan nhất thời, tuy nhiên, nền dân chủ xứ Chùa Tháp còn nhiều chướng ngại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.