Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - PAKISTAN

Chạm súng Ấn Độ - Pakistan tại Kashmir

Theo Reuters, hôm nay 06/01/2013, tại vùng tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, đã xảy ra một cuộc đọ súng khiến một binh sĩ Pakistan thiệt mạng và một người khác bị thương. Vụ đụng độ bất ngờ kể trên, mà nguyên nhân vẫn chưa sáng tỏ, có thể làm bùng lên các căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân.

Bản đồ vùng Kashmir
Bản đồ vùng Kashmir
Quảng cáo

Theo chính quyền Islamabad, các binh sĩ Ấn Độ đã tấn công trước vào một vị trí quân sự của Pakistan ở Sawan Patra thuộc Kashmir. Quân đội Ấn Độ bác bỏ thông tin này.

Trong một thông báo chính thức, quân đội Pakistan khẳng định đã « đáp trả » và « đẩy lui » cuộc tấn công từ phía Ấn Độ. Sau cuộc phản công này, hai bên tiếp tục đọ súng dọc theo đường « Ranh giới kiểm soát ». Đây là đường phân chia khu vực tranh chấp Kashmir, được xác lập theo thỏa ước 1972 giữa New Delhi và Islamabad.

Người phát ngôn của quân đội Ấn Độ, đại tá Jagadish Dahiya, khẳng định ngược lại rằng, binh sĩ Ấn Độ không vượt qua Ranh giới kiểm soát. Theo ông, « phía Pakistan đã vi phạm thỏa thuận ngưng bắn trước và chúng tôi đã bắn trả ».

Ấn Độ và Pakistan đã từng có ba cuộc chiến tranh kể từ khi độc lập năm 1947. Cuộc chiến gần nhất là vào năm 1971, dẫn đến sự ra đời của nước Bangladesh, vốn là một bộ phận của Pakistan. Sau một giai đoạn bình ổn, quan hệ Ấn Độ – Pakistan một lần nữa xấu đi vào năm 2008, sau cuộc tấn công khủng bố tại Bombay (Ấn Độ) khiến 166 người chết. New Delhi lên án Pakistan đã che chở các tổ chức khủng bố, đây là điều mà Islamabad bác bỏ.

Từ đó đến nay, Ấn Độ và Pakistan đã có nhiều nỗ lực để cải thiện quan hệ. Vào tháng 12/2012, hai nước đã ký một thỏa thuận mới về visa, tạo thuận lợi cho việc đi lại của công dân hai nước.

Căng thẳng giữa hai quốc gia Nam Á còn đặc biệt liên quan đến Afghanistan. Ấn Độ cung cấp cho Kabul các trợ giúp về kinh tế và quân sự, tuy nhiên nhiều người Pakistan cho rằng, đây là một cách để Ấn Độ giới hạn ảnh hưởng của Pakistan tại nước này. Hoa Kỳ yêu cầu Pakistan tăng cường chống Al-Qaida và các nhóm khác tại vùng biên giới với Afghanistan, nhưng Islamabad nói không đủ phương tiện, vì một số lượng lớn quân đội phải làm nhiệm vụ tại vùng biên giới với Ấn Độ. Một số giới chức Hoa Kỳ nhận định rằng, trong lực lượng an ninh Pakistan, có một số người chủ trương dung dưỡng các nhóm Hồi giáo cực đoan để hạn chế ảnh hưởng của Ấn Độ tại Afghanistan, sau khi liên quân rút khỏi nước này vào năm 2014.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.