Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - HẠT NHÂN

Đa số thị trưởng Nhật đồng ý tái khởi động các nhà máy hạt nhân

Hôm nay 06/01/2013, nhật báo Yomiuri Shimbun công bố kết quả thăm dò về phản ứng của thị trưởng các địa phương nơi có nhà máy điện hạt nhân, hoặc gần với khu vực nhà máy. Theo đó, 54% số thị trưởng của 135 địa bàn dân cư đã chấp thuận, nếu việc tái khởi động được chính phủ cho phép.

Khu lò số 1 và 2 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản (Ảnh chụp ngày 29/12/2012)
Khu lò số 1 và 2 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản (Ảnh chụp ngày 29/12/2012) REUTERS
Quảng cáo

Gần hai năm sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima, sau trận động đất – sóng thần ngày 11/03/2011, 48 trên tổng số 50 lò phản ứng hiện không hoạt động, do các đòi hỏi mới về an toàn. Cơ quan phụ trách về an toàn hạt nhân quốc gia (NRA) sẽ phải đưa ra đánh giá về độ tin cậy của các cơ sở điện hạt nhân, sau khi xem xét các dữ kiện mới về nguy cơ động đất của các vùng liên quan, trong một số trường hợp.

Cuộc thăm dò dư luận kể trên cho thấy, giới lãnh đạo địa phương Nhật Bản có thái độ ngược lại với đa số người dân nước này trong vấn đề phát triển trở lại điện hạt nhân. Chỉ có 18% thị trưởng phản đối việc tái khởi động các nhà máy, trong khi đó, 28% không cho biết ý kiến.

Theo nhật báo Yomiuri Shimbun, các nhà máy hạt nhân thường là nơi sử dụng nhân công nhiều nhất tại các địa phương liên quan.

Tân chính phủ đảng bảo thủ có chủ trương ủng hộ điện hạt nhân mạnh hơn chính phủ tiền nhiệm thuộc cánh trung tả. Chính phủ của ông Shinzo Abe nhấn mạnh sẽ bật đèn xanh cho việc tái khởi động các nhà máy hạt nhân, một khi cơ quan an toàn hạt nhân quốc gia đưa ra thẩm định xác nhận độ tin cậy của các cơ sở này.

Thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đầu năm 2011 là thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ vụ Tchernobyl (Ukraina) năm 1986. Khoảng 160.000 người phải sơ tán khỏi vùng bị nhiễm xạ. Nhiều khu vực gần Fukushima hoàn toàn không ở được và ước tính sẽ phải mất khoảng 40 năm để tháo gỡ toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân bị hỏng.

Cơ quan an toàn hạt nhân cũ của Nhật Bản (NISA), thuộc bộ Công nghiệp, bị giải thể, vì bị cáo buộc không làm tròn trách nhiệm trước và sau tai nạn hạt nhân Fukushima. Vào giữa tháng 12/2012, tại Hội nghị quốc tế về an toàn hạt nhân được tổ chức ở Fukushima (Nhật Bản), ông Shunichi Tanaka - lãnh đạo của cơ quan an toàn hạt nhân mới (NRA) - tuyên bố, NRA hoàn toàn không phụ thuộc vào bộ Công nghiệp, vốn có chủ trương phát triển năng lượng nguyên tử như NISA trước đây. Tân lãnh đạo NRA khẳng định, các hoạt động của cơ quan an toàn hạt nhân mới là « độc lập » và « minh bạch ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.