Vào nội dung chính
PHỎNG VẤN

Công nhân dệt may Cam Bốt : Lương được tăng nhưng sống vẫn chật vật

Sau những thương thảo bất thành giữa giới chủ nhân và lãnh đạo công đoàn, chính quyền Cam Bốt đã quyết định can thiệp và đề nghị giới chủ nhân tăng lương tối thiểu cho công nhân ngành dệt may ở mức 20%. Quyết định này đã được loan báo hôm 22/03/2013 vừa qua và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/05 tới đây.

Công nhân một xưởng may tại Phnom Penh.
Công nhân một xưởng may tại Phnom Penh. REUTERS
Quảng cáo

Từ Phnom Penh, Thông tín viên Phạm Phan phân tích thêm về ý nghĩa của việc được tăng lương trên đời sống vốn dĩ chật vật của công nhân ngành dệt may tại Cam Bốt.

07:04

Thông tín viên Phạm Phan - Phnom Penh

Trọng Nghĩa

Phạm Phan : Lương hiện nay của mỗi công nhân là khoảng 61 đô la Mỹ, tăng lên 20% tức họ sẽ nhận được khoảng 75 đô la, ngoài ra còn có thêm phụ cấp 5 đô la bảo hiểm y tế.

Mặc dù đây chỉ là sự tăng lương ở mức độ nhỏ, tuy nhiên, đó được coi là thành quả của thành phần công nhân sau nhiều năm tháng biểu tình, rồi đình công để đòi hỏi giới chủ nhân và chính quyền phải quan tâm đến đời sống quá chật vật của họ cùng gia đình trong hoàn cảnh xã hội ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới.

Theo ông Rong Chhun, Chủ tịch Liên hiệp Các Nghiệp đoàn Cam Bốt nói, mức lương tối thiểu để bảo đảm cuộc sống cho công nhân ngành dệt may hiện nay phải là 100 Mỹ kim một tháng. Còn ông Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp hội Các Nhà sản xuất ngành may mặc Cam Bốt thì phát biểu tuân thủ với quyền lợi của giới chủ nhân là công nhân nên nghe theo lịnh của chính quyền, đừng có đòi hỏi quá, lương 70 Mỹ kim một tháng là đủ sống rồi.

Ngành dệt may Cam Bốt được đánh giá là ngành sản xuất gia công mạnh nhất tại đất nước này. Kim ngạch xuất cảng năm rồi đạt đến 4,6 tỉ Mỹ kim. Ngành này thuê mướn công nhân đa phần là nữ, có đến 650.000 công nhân trên toàn quốc.

Hồi tháng 2/2012, tại tỉnh Svay Rieng sát biên giới Việt Nam, khi công nhân tổ chức biểu tình đòi tăng lương, thì giới chủ nhân thuê người bắn lén vào đám đông khiến 3 nữ công nhân bị thương.

Làn sóng biểu tình đòi tăng lương của công nhân bùng lên vào năm 2010. Và nay trong tình hình kinh tế đang suy sụp thê thảm trong khu vực như trường hợp ở Việt Nam, Cam Bốt… thì không được tăng lương đồng nghĩa với lao động có đồng lương chết đói.

RFI : Thưa anh, giới chủ nhân tại Cam Bốt bao gồm những ai và quan hệ của họ với chính quyền ra sao ?

Phạm Phan : Một sự thật ở Cam Bốt là luật pháp lỏng lẻo và bị chính quyền thao túng. Những người nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại đây phải biết được quy luật này để phát triển sự nghiệp của họ.

Trong ngành dệt may, giới chủ nhân đa số là người Hoa, phần lớn đến từ Hoa lục. Người Việt cũng đến Cam Bốt kinh doanh, nhưng thành phần này thường là đại gia vừa giấu bỏ lớp áo cán bộ đảng. Tuy nhiên trong ngành may mặc, đại gia Việt còn thua kém giới chủ nhân người Tàu vốn đang được chính quyền trọng thị vì mối quan hệ chính trị - kinh tế - quân sự ngày một phát triển tốt đẹp của Bắc Kinh – Phnom Penh.

Ngành dệt may Cam Bốt chính yếu là làm gia công cho các hãng lớn trên thế giới. Nắm bắt được các yếu tố thuận lợi cho kinh doanh như sự hậu thuẫn về luật lệ từ chính quyền, thành phần lao động đông và rẻ, cơ sở hãng xưởng nhà máy dễ thiết lập vì diện tích đất xây dựng có nhiều và mua bán hay thuê đã có chính quyền tiếp tay.

Do vậy trong gần một thập niên qua, thành phần chủ nhân người Hoa đã ăn nên làm ra, doanh thu của họ tăng hàng năm nhờ hàng gia công được giảm hay miễn thuế vì Cam Bốt là quốc gia nghèo khó nên Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu cũng ưu đãi về thuế quan hay định mức nhập cảng hàng hóa.

Với mức độ kim ngạch xuất cảng hàng dệt may hàng năm hơn 4 tỉ Mỹ kim thì phải thấy rằng đây là ngành kinh tế hấp dẫn so với du lịch hay nông nghiệp tại Cam Bốt. Tuy nhiên, khi chính quyền nhảy vào can thiệp trong cuộc chiến đòi tăng lương giữa thợ và chủ mới đây cho thấy rằng chính quyền cũng không thể tiếp tục binh vực cho giới chủ nhân khi biểu tình đã lan rộng và trở thành cao trào trong xã hội, phía quốc tế thì lắng nghe cũng như lên tiếng ủng hộ thành phần công nhân nghèo.

RFI : Như anh đã nói lúc đầu là đời sống công nhân dệt may Cam Bốt rất chật vật. Cụ thể là như thế nào ?

Phạm Phan : Dân số Cam Bốt hiện nay tương đối trẻ, những người ở độ tuổi lao động chiếm số lượng lớn trong xã hội nhưng xã hội lại không cung cấp đủ công ăn việc làm cho họ do nhiều nguyên nhân.

Cam Bốt là một quốc gia nông nghiệp nên phần lớn thành phần lao động trẻ ở nông thôn. Khi nông thôn không có nhiều diện tích canh tác vì mất mùa, vì biến đổi khí hậu, vì bị kẻ cường quyền cướp đất, và cũng vì nhu cầu muốn kéo đến thành thị sinh sống, xây dựng tương lai, vì thế hãng xưởng may mặc là điểm đến lý tưởng cho nhiều người trẻ Cam Bốt, đặc biệt là nữ giới.

Các hãng may mặc cũng được xây dựng ở các tỉnh vùng giáp ranh giới Việt Nam - như Svay Rieng đã phát triển các khu kỹ nghệ - hay tại vùng duyên hải tỉnh Kampong Som, nơi người Trung Quốc đến đầu tư nhiều nhất.

Tuy nhiên phần lớn các hãng dệt may được xây dựng ở ngoại ô Phnom Penh. Tại đây, các hãng được xây dựng quy mô để thu dụng hàng trăm, hàng ngàn công nhân hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn các hãng này lại không có ý làm ăn lâu dài, chỉ nhắm vào giai đoạn.

Những công nhân sau khi ra khỏi xưởng lại kéo về khu nhà trọ của họ, và thường thì họ chung tiền lại để mướn nhà ở để bớt chi phí.

Một Mỹ kim hiện nay khoảng 4.000 Riel, một buổi cơm tạm no bụng phải tốn khoảng 3.000 Riel. Nếu ăn một ngày đủ ba buổi thì mất 9.000 Riel hơn hai Mỹ kim. Như vậy tiền ăn để nuôi bản thân cho đủ sức lao động thì một tháng phải chi ra ít nhất 60 Mỹ kim. Nếu nhịn ăn để dành tiền hay không đủ tiền để mua cơm ba buổi thì phải suy dinh dưỡng.

Đó là chưa kể tiền mướn nhà, tiền quần áo, tiền thuốc men mỗi khi mang bịnh, tiền gởi về cho gia đình ở miền quê, tiền di chuyển về quê thăm gia đình mỗi khi năm mới đến và lại phải mua quà biếu tặng cho ba má, anh chị em…

Tóm lại đi làm công nhân dệt may hiện nay chỉ là sống thoi thóp cho qua ngày, không có tương lai lâu dài, khoan nói đến chuyên xa xôi, viễn tưởng là mua nhà ở. Cả đời công nhân, nếu may mắn không bị bắn chết khi đi biểu tình đòi tăng lương hay bị trúng độc thực phẩm do chủ nấu cho ăn, thì công nhân chỉ biết thân phận mình là làm thuê rẻ mạt cho chủ.

RFI: Xin cảm ơn thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.