Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Dân Trung Quốc lo ngại vì dịch cúm gia cầm

Hết vụ heo vịt trôi sông, giờ đây lại đến dịch cúm gia cầm H7N9 hoành hành tại Trung Quốc. Đến nay, dịch bệnh đã làm thiệt mạng 5 người. Người dân hiện vô cùng lo lắng trước tình hình này. Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách xác định xem vi-rút này có thể lây truyền từ người sang người hay không. Báo Le Monde có bài viết bàn về vấn đề này. 

Thịt gà không còn được bán chạy tại một ngôi chợ trung tâm Thượng Hải (REUTERS)
Thịt gà không còn được bán chạy tại một ngôi chợ trung tâm Thượng Hải (REUTERS)
Quảng cáo

Tại Trung Quốc, vào thứ năm vừa qua, dịch cúm gia cầm H7N9 đã làm thiệt mạng ba người trong đó hai người ở Thượng Hải và một người tỉnh Chiết Giang. Trước tháng ba, dịch bệnh chưa hề lây nhiễm sang người.

Lần đầu tiên, người ta chuẩn đoán được các triệu chứng căn bệnh trên một người có tiếp xúc với nạn nhân mắc bệnh cúm gia cầm. Thông tin trên được hãng tin Tân Hoa Xã loan tải làm cho mọi người càng lo sợ trước nguy cơ lây lan từ người sang người của bệnh dịch này. Trước đây, dịch cúm gia cầm H5N1 đã làm thiệt mạng 360 người trên toàn thế giới, và từ năm 2003 chỉ lây từ loài chim sang người.

Theo báo Le Monde, khi tìm thấy vi-rút H7N9 hồi thứ năm tuần này trên các con chim bồ câu được bán ở chợ tại Thượng Hải, các chính quyền y tế đã ra lệnh giết mổ hàng loạt cũng như tẩy trùng các cơ sở chăn nuôi và các phương tiện chuyên chở.

Nhiều nạn nhân làm việc gần gia cầm. Thế nhưng, người ta đặt giả thuyết rằng liệu vi-rút cúm mới ra đời có mối liên hệ gì chăng với 15 000 xác heo chết trôi trên sông Hoàng Phố hồi tháng ba vừa qua. Nguyên nhân gây ra cái chết của hàng nghìn con heo tại Trung Quốc vẫn còn rất bí ấn.

Tuy người ta không tìm thấy vi-rút cúm trên xác heo nhưng hai bác sĩ tại Viện nghiên cứu các căn bệnh lây nhiễm tại Hồng Kông, không loại trừ khả năng heo chết có liên quan đến bệnh loại vi-rút cúm gia cầm mới này. Bởi vì loài heo được xem như « cầu nối » của biến thể vi-rút cúm giữa người và loài chim.

Bắc Triều Tiên luôn đe dọa chiến tranh : liệu thế giới có còn tin ?

Báo chí Pháp hôm nay lại tiếp tục bàn luận về các động thái của Bắc Triều Tiên. Sau hàng loạt các cuộc khẩu chiến, gây hấn với nước láng giềng phía Nam và đặc biệt nhắm vào Mỹ, Bình Nhưỡng khuyên các đại sứ quán nên di tản. Động thái tung hỏa mù này nhằm làm cho thế giới tin vào những lời đe dọa và hô hào quân sự của Bắc Triều Tiên.

Báo Le Figaro chạy tựa : « Bắc Triều Tiên : khuấy động chiến tranh trước mắt các nhà ngoại giao ». Nhà lành tụ trẻ Kim Jong-Un đề nghị các tòa đại sứ di tản nhằm làm cho người ta tin rằng một cuộc chiến hạt nhân có thể xảy ra và lời nói của mình có trọng lượng hơn. Nga nghiên cứu đề xuất của Bình Nhưỡng nhưng không hề có ý định di tản.

Giới ngoại giao Nga đã lên án thái độ « khinh bỉ, không thể chấp nhận được » của Bắc Triều Tiên trước các phán quyết của Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh đó, Anh thì cho rằng động thái khoa tay múa chân của Bình Nhưỡng đã tăng thêm một nấc trong các chiến lược chống Mỹ. Vừa ăn cướp vừa la làng, Bình Nhưỡng muốn tạo ra hình ảnh Mỹ mới là nguyên nhân gây nên chiến tranh.

Hai ngày gần đây, căng thẳng càng gia tăng. Bình Nhưỡng lại tiến thêm hai bước. Thứ sáu vừa qua, Bình Nhưỡng đã đặt một tên lửa tầm trung thứ hai trên bờ Đông. Trước đó, thứ năm, Bĩnh Nhưỡng công bố đã thông qua một dự án đánh Mỹ bằng hạt nhân. Cho dù các động thái trên cũng chỉ để Mỹ xem lời nói của Bình Nhưỡng có trọng lượng hơn và nhằm đưa Mỹ ngồi vào bàn đàm phán và nhượng bộ hơn với mình song nguy cơ của một cuộc « chiến tranh tai nạn » dâng cao từng ngày. Người ta tự hỏi nhà lành đạo trẻ Bắc Triều Tiên sẽ làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà không bị mất mặt.

Bên cạnh đó, báo Direct Matin cũng đánh giá chiến lược của nhà lãnh đạo trẻ Kim Kong-Un qua bài viết « Mối lo ngại Kim Jong-Un ».Theo tờ báo, khi kế nhiệm cha mình, Kim Jong-Un còn quá trẻ nên rất hiếu chiến. Người ta hy vọng sau khi đi du học tại Thụy Sĩ về, nhà lãnh đạo trẻ sẽ bình thường hóa chế độ Bắc Triều Tiên.

Thế nhưng, sự thật thì trái ngược hẳn. Từ thời cha ông Kim Jong-Un, các lần đe dọa chiến tranh hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều nhằm mục đích nhận được viện trợ tài chính. Thế nhưng lần này, tai nạn về một cuộc chiến hạt nhân không khỏi làm thế giới lo ngại bởi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm và người ta khó mà lường trước hành động của Bình Nhưỡng sẽ còn đi đến đâu.

Tuy nhiên, báo Libération thì ít lo ngại hơn. Tờ báo miêu tả là tại Bắc Triều Tiên, không có sự chuẩn bị và huy động quân lực nào cho thấy sắp xảy ra cuộc chiến. Tờ báo chạy tựa : « Bình Nhưỡng khôn khéo leo thang ». Hiện tại, tờ báo cho rằng Bình Nhưỡng vẫn chỉ dừng lại ở các cuộc khẩu chiến. Sau khi bị chỉ trích sau đợt thử hạt nhân vừa rồi, giờ đây Bình Nhưỡng gia tăng đe dọa, áp lực cốt cũng chỉ để khoe khoang các kỹ năng hạt nhân của mình.

Ấn Độ : nạn tham nhũng kềm hãm sự hiện đại hóa quân đội

Liên quan đến tình hình tại Ấn Độ, báo Le Monde có bài viết nói về nạn tham nhũng tại Ấn Độ là nguyên nhân kềm hãm sự hiện đại hóa quân đội. Theo tờ báo, nhiều hợp đồng mua bán vũ khí quân đội đã bị đình chỉ. Hồi thứ 4 vừa qua, hợp đồng mua 197 máy bay trực thăng hạng nhẹ của Ấn Độ đã bị hoãn lại chờ cho tới khi có kết quả của cuộc điều tra về các nghi can tham nhũng. Quốc gia này chiếm vị trí đầu bảng trong các nước nhập khẩu vũ khí trên thế giới.

Từ năm 2008 đến 2012, lượng nhập khẩu vũ khí đạt con số 12%, hơn cả Trung Quốc chỉ chiếm 6%. Đứng trước hai láng giềng là Trung Quốc và Pakistan được Ấn Độ xem là mối đe dọa tiềm tàng, nước này dự định một kế hoạch mua vũ khí ước tính từ 100 đến 200 tỷ đô-la nhằm thay thế một số thiết bị lỗi thời. Với một nhu cầu lớn về vũ khí, ngày nay Ấn Độ trở thành thị truờng lý tưởng buôn bán vũ khí.

Thế nhưng, nạn tham nhũng đã làm kềm hãm tiến trình hiện đại hóa quân đội Ấn Độ. Tình hình còn đáng ngại hơn khi mà hố sâu cách biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng tăng bởi vì Trung Quốc được tự do hiện đại hóa lực lượng quân sự mà không có một trở ngại nào.

Pháp : khủng hoảng chính trị hay khủng hoảng niềm tin ?

Vụ việc Cahuzac đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới báo chí Pháp và luôn chiếm một chỗ trên trang nhất. Hôm nay, các báo Pháp lại tiếp tục phanh phui sự việc này, đồng thời phản ánh thái độ từ nhiều các đảng phái khác nhau.

Hôm nay, tờ báo cộng sản l’Humanité chạy tựa : « Vụ Cahuzac : Mélenchon kêu gọi một sự thanh lọc đạo đức ». Lãnh đạo cánh cực tả Jean-Luc Mélenchon kêu gọi biểu tình vào ngày 05/05/2013 nhằm thể hiện ý muốn « thanh lọc » đời sống chính trị tại Pháp ».

Đồng thời, ông còn kêu gọi thành lập nền Đệ lục Cộng hòa để thay thế nền Đệ ngũ Cộng hòa hiện nay bị ông cho là suy đồi nghiêm trọng. Theo tờ báo, đây là sứ mệnh của tất cả mọi người chứ không riêng gì ông Mélenchon. Theo tờ báo thì cánh hữu đã biết việc ông Cahuzac có tài khoản ở nước ngoài từ tháng 4/2012.

Trước vụ xì-căng-đan Cahuzac và các đề nghị cải tổ nội các, báo cánh hữu Le Figaro cho biết tổng thống Hollande đã từ chối đề nghị này và sử dụng chiến thuật « cong lưng chịu đòn » đợi cho cơn bão táp qua đi.

Theo kết quả của viện thăm dò BVA, 42% người Pháp cho rằng sự việc Cahuzac không liên quan đến chính phủ, 45% hài lòng với cách quản lý vụ việc của tổng thống. Trong lúc án binh bất động đợi cơn bão đi qua, chính phủ Pháp cố gắng tập trung vào việc đưa ra các giải pháp nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.