Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Xu hướng mới tại Pháp: Nhân viên chê căng tin, đem ''cơm nhà'' đến sở làm

Nhân dịp nói về trào lưu ''batch cooking'', hiểu theo nghĩa nấu cùng lúc nhiều món ăn để dùng cho cả tuần, chuyên mục đời sống báo Le Figaro bàn đến một xu hướng mới trong các công ty tại Pháp. Để đổi món, ngày càng có nhiều nhân viên thích nấu ăn ở nhà, rồi mang ''hộp cơm'' đến sở làm. Hiện tượng này theo tờ báo không phải là do vấn đề tài chính: các căng tin thường  được trợ giá. Chỉ có điều đồ ăn căng tin bị chê dỡ (như trường hợp của RFI).

People sit near a pond during their lunch break at La Defense, near Paris on September 14, 2023.
(Ảnh minh họa) - Nhiều người ngồi ăn vào giờ nghỉ trưa tại khu La Defense, ngoại ô Paris, Pháp ngày 14/09/2023. AFP - LUDOVIC MARIN
Quảng cáo

Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty Opinion Way, gần một nửa các nhân viên (48%) nấu ở nhà rồi đem bữa ăn trưa đến cơ quan, ít nhất một lần trong tuần. Tỷ lệ này cách đây 3 năm là 31%, tức một trên ba người được hỏi ý kiến. Dường như người Pháp đã thay đổi dần thói quen tiêu dùng, không hẳn vì lý do kinh tế, mà chủ yếu là do quan niệm cơm nhà tự nấu, về mặt khẩu vị, lúc nào cũng hợp gu hơn. Các món tự nấu nếu chưa thay thế hẳn căng tin, vẫn bổ sung cho các bữa ăn trưa, giúp thực đơn trong tuần làm việc có phần đa dạng hơn. Theo tờ báo Le Figaro, đây cũng là một trong những tác động của chế độ làm việc từ xa. Nhờ làm việc ở nhà, nhiều người tiêu dùng có thêm thời gian nấu nướng.

Hộp đựng ''cơm trưa'' theo kiểu lunch box, đôi khi có cả cà mèn hay cặp lồng bằng nhựa xuất hiện trên bàn ăn. Bên cạnh các quầy căng tin phục vụ bữa trưa, giờ đây có nhiều nhân viên chịu khó đứng xếp hàng để dùng lò vi ba hâm nóng lại những hộp đồ ăn của họ. Theo thăm dò ý kiến của Opinion Way, cứ trên 10 nhân viên văn phòng công sở, có đến 6 người (62%) đem hộp cơm trưa đến sở làm vì họ ý thức hơn đến chuyện ăn uống đa dạng và lành mạnh, món ăn tự nấu thường là đồ tươi, đầy đủ chất dinh dưỡng.

Miễn sao đổi món khác với căng tin

Xu hướng tiêu dùng mới này phát triển mạnh thời hậu đại dịch Covid, nhiều hộ gia đình ở Pháp học cách nấu ăn hay làm bánh trong thời kỳ phong tỏa, giờ đây nhờ chế độ làm việc từ xa một ngày trong tuần, họ duy trì thói quen này. Tuy nhiên, công thức làm hộp cơm trưa (một hay hai lần trong tuần) được phái nữ (58%) hưởng ứng nhiều hơn phái nam, giới thanh niên từ 24 đến 34 tuổi (56%) cũng thích dùng cơm hộp hơn là độ tuổi trung niên. Đa số người được hỏi ý kiến đều cho biết họ thích bữa ăn theo kiểu bento hoặc lunch box, miễn sao họ có thể đổi món ít nhất một lần trong tuần so với đồ ăn căng tin, thường bị chê là đơn điệu, ''tẻ nhạt''.

Còn theo một cuộc khảo sát hồi đầu năm 2024 của Credoc (Trung tâm Nghiên cứu và Quan sát Đời sống) tại Pháp, xu hướng đem đồ ăn tự nấu ở nhà đến nơi làm việc chủ yếu phát triển mạnh tại các vùng đô thị. Giới nhân viên dùng luân phiên cơm tự nấu và căng tin của công ty, làm giảm bớt số người đi ăn trưa tại nhà hàng gần chỗ làm, cũng như làm giảm xu hướng snacking, đặt mua xà lách trộn, bánh mì, pizza hay các loại thức ăn nhanh, giao tận văn phòng hay cơ quan.

Dù muốn hay không, xu hướng dùng cơm nhà vẫn tốt hơn về mặt sức khỏe so với các loại thức ăn chế biến sẵn. Theo trung tâm Credoc, khi tự nấu ăn, người tiêu dùng ở Pháp muốn ưu tiên sử dụng các thức ăn tươi, nguyên liệu địa phương, thu hoạch theo mùa. Việc tái sử dụng hộp đựng cơm cũng góp phần làm giảm muỗng nĩa bằng nhựa và bao bì dư thừa. Trong mắt của nhiều người tiêu dùng ở Pháp, nấu ăn (khi là một quyết định tự lựa chọn) cũng là một cách để thư giãn đầu óc, giảm stress. Về mặt sức khỏe, người tiêu dùng khi tự nấu có thể điều chỉnh lượng đường, muối, chất béo và nhất là không dùng các loại thức ăn ''công nghiệp'' đầy chất bảo quản, hay phụ gia thực phẩm.

Theo đánh giá của trung tâm Credoc, cách đây 3 hay 4 thập niên, hình thức cơm nhà tự nấu chủ yếu được phổ biến trong giới công nhân thợ thuyền. Đối với các hộ gia đình thuộc tầng lớp lao động, cơm nhà tự nấu chẳng những ngon mà còn rẻ, nhất là trong các ngành nghề như xây dựng, sửa chữa, các công ty tuyển dụng chưa chắc gì đã có căng tin, chuyện đi ăn hàng ngày ở ngoài, dù là quán bình dân lại càng không dễ.

Đồ ăn căng tin : mới nghe đã chán, chưa ăn đã ngấy

Công thức của giới công nhân thời trước giờ đây lại thịnh hành trong các công ty văn phòng, đặc biệt là ở chốn thành thị và chủ yếu được phụ nữ và giới trẻ thuộc tầng lớp trung lưu đặc biệt hưởng ứng không phải để tiết kiệm, mà phần lớn là vì lý do sức khỏe, cho thấy người tiêu dùng thời nay có nhiều ý thức hơn về chuyện ăn uống.

Theo kết quả khảo sát, cứ trên 4 nhân viên là có đến 3 người (74%) tin rằng đồ ăn tự nấu tại nhà giúp cho họ ăn uống lành mạnh hơn. Xu hướng này có thể thấy rõ trong cung cách mua sắm của người tiêu dùng, chỉ trong 3 năm qua, doanh thu của các công ty chuyên bán cà mèn, các hộp nhựa đựng đồ ăn (kiểu hộp cơm bento), các loại tupperware có nắp đậy kín để đựng xà lách, xúp hoặc thức ăn lỏng … đều đã tăng vọt. Riêng công ty MonBento có cơ sở sản xuất tại Clermont Ferrand đã làm ăn bội thu, nhờ xu hướng tiêu dùng mới trong xã hội Pháp, cho dù cách bài trí các món ăn Pháp khó thể nào xinh xắn, bắt mắt bằng hộp cơm bento của người Nhật Bản, nổi tiếng nhờ màu sắc muôn kiểu, phong phú hình dạng.

Cho dù một số nhân viên không có nhiều thời gian để nấu ăn ở nhà, nhưng theo báo Le Figaro, sự trỗi dậy của công thức nấu cùng lúc nhiều món ăn để dùng cho cả tuần (thuật ngữ chuyên ngành gọi là ''batch cooking'') chủ yếu nhắm vào đối tượng này : chẳng hạn như trong một tiếng đồng hồ lại có thể nấu tới 3 món ăn khác nhau. Việc đảm bảo chất lượng thực phẩm, cũng như một chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng cho cơ thể, trong mắt nhiều người Pháp không bao giờ là chuyện lãng phí thời gian.

Nhưng trước khi bàn về chuyện sức khỏe, còn có vấn đề về mặt tâm lý. Đa số các nhân viên chọn ăn trưa ở căng tin, để khỏi mất công suy nghĩ, hôm nay mình ăn gì. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều nhân viên chẳng thà dùng cơm tự nấu ở nhà còn hơn là ăn căng tin. Đồ ăn căng tin thường bị giới nhân viên ở Pháp chê là không ngon, nếu không nói là quá dở : mới nghe đã chán, chưa ăn đã ngấy!

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.