Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ - XÃ HỘI

Ấn Độ thông qua chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo

Chi ra 20 tỷ đô la hàng năm để bảo đảm lương thực cho 70 % dân số Ấn Độ. Đây là chương trình hỗ trợ người nghèo quy mô nhất thế giới vừa được chính quyền New Delhi thông qua vào ngày 03/07/2013, một năm trước bầu cử Quốc hội.

REUTERS/Jitendra Prakash
Quảng cáo

Chính phủ Ấn Độ vừa thông qua một chương trình trợ cấp lương thực cho những thành phần nghèo khó nhất trong xã hội. Mục tiêu nhằm cấp từ 3 đến 7 kg ngũ cốc cho mỗi đầu người hàng tháng. 70 % dân số Ấn Độ tức khoảng 800 triệu dân được hưởng khoản trợ cấp này.

Theo lời bộ trưởng Lương thực, K.V Thomas, toàn bộ chính phủ đã nhất trí thông qua chương trình nói trên.Văn bản này sẽ được trình lên tổng thống. Một khi được tổng thống Pranab Mukherjee ban hành, đạo luật về « an toàn lương thực » của Ấn Độ sẽ có hiệu lực trước khi được Quốc hội thông qua.

Giá lương thực, thực phẩm tại Ấn Độ tăng nhanh trong 7 năm qua. Dù đã là thành viên G20 - câu lạc bộ 20 nền kinh tế có trọng lượng nhất trên thế giới -, nhưng tại Ấn Độ vẫn có tới 42 % trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Chủ tịch đảng Quốc đại, bà Sonia Gandhi, ủng hộ chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo nói trên. Đây cũng là một trong những cam kết của đảng này trong chương trình tranh cử năm 2009.

AFP lưu ý, vào sang năm cử tri Ấn Độ sẽ bầu lại Quốc hội. Chương trình cung cấp lương thực cho 70 % dân số Ấn Độ được đưa ra vào lúc đảng Quốc Đại và nội các của thủ tướng Manmohan Singh đang bị suy yếu vì một loạt các vụ tai tiếng tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu hụt hơi. Năm ngoái, GDP của Ấn Độ tăng 5 %, nhưng theo thẩm định của chính quyền New Delhi thì tổng sản phẩm nội địa phải tăng 10 % mới bảo đảm được cơm no áo ấm cho 1,2 tỷ dân trên quê hương của thánh Ghandi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.