Vào nội dung chính
CHÂU Á

WB hạ dự báo tăng trưởng của châu Á

Tăng trưởng của khu vực Đông Á và Châu Á Thái Bình Dương trong năm 2013 và 2014 theo thứ tự chỉ đạt 7,1 % và 7,2 %, thấp hơn so với dự phóng đã được công bố hồi tháng 4/2013. Chính sách kinh tế của Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa là một trong những yếu tố khiến tăng trưởng tại các nước Đông Nam Á bị chựng lại. Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo khủng hoảng ngân sách Mỹ kéo dài sẽ tác động xấu đến kinh tế Á châu.

Công nhân ngành điện tạiTrung Quốc . Ảnh chụp ở Thượng Hải ngày 25/09/2013.
Công nhân ngành điện tạiTrung Quốc . Ảnh chụp ở Thượng Hải ngày 25/09/2013. REUTER/Aly Song
Quảng cáo

Họp báo tại Singapore ngày 07/10/2013 Ngân Hàng Thế Giới dự báo tăng trưởng trong khu vực cho năm nay và sang năm sẽ thấp hơn so với thành tích của các tài khóa 2011 (8,3 %) và 2012 (7,5 %).

GDP của 10 nước ASEAN trong năm 2013 chỉ tăng 5,1 %, thấp hơn đến 0,3 điểm so với dự báo đã được đưa ra vào 6 tháng trước. Tăng trưởng của Việt Nam sẽ là 5,3 % cho tài khóa 2013 và 5,4 % vào năm 2014.

Riêng đối với Trung Quốc, GDP của nền kinh tế thứ hai trên thế giới theo thứ tự sẽ tăng 7,5 % và 7,8 % trong hai năm 2013 và 2014. Nhưng Ngân Hàng Thế Giới đã giảm dự phóng tăng trưởng của Trung Quốc.

Giải thích về những nguyên nhân khiến định chế tài chính đa quốc gia này giảm dự báo tăng trưởng, Ngân Hàng Thế Giới nêu ra những yếu tố như sau :

Thứ nhất do chính sách kinh tế của Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước láng giềng chung quanh có khuynh hướng tăng chậm hơn. Qua đó ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nhiều nước Đông Á.

Thứ hai, đối với những nền kinh tế như là Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, đầu tư vào các quốc gia này có chiều hướng giảm sút. Bên cạnh đó xuất khẩu của những quốc gia này đang bị giảm đi trong 3 quý đầu năm 2013.

Yếu tố thứ ba là giá nhiên liệu trên thế giới tương đối thấp, gây bất lợi cho các nền kinh tế chuyên xuất khẩu nguyên liệu trong vùng.

Ngoài ra, Ngân Hàng Thế Giới còn tỏ ra lo ngại về tình trạng nợ công chồng chất của nhiều chính quyền cấp địa phương tại Đông Á. Tuy giảm dự phóng tăng trưởng của khu vực, nhưng Ngân Hàng Thế Giới vẫn ghi nhận Đông Á là đầu tàu kinh tế của thế giới, bảo đảm đến 40 % tăng trưởng chung toàn cầu. Tuy vậy : « Đã đến lúc khu vực này phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp cải tổ để kinh tế khu vực được phát triển trên những nền tảng vững chắc hơn, cải thiện đời sống cho người nghèo ».

Sau cùng trả lời báo chí, kinh tế trưởng đặc trách về khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Ngân Hàng Thế Giới, ông Bert Hofman, không quên nhấn mạnh nguy cơ tình trạng tê liệt ngân sách Mỹ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nhiều nước tại Đông Á.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.