Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện : Hàng trăm ngàn thanh niên tìm cách vượt biên để trốn quân dịch

Tại Miến Điện, từ hôm 01/05/2024, tập đoàn quân sự cầm quyền đã ngưng cấp giấy phép lao động ở nước ngoài cho người dân. Đây được xem như một biện pháp để ngăn cản thanh niên ra nước ngoài, chủ yếu là sang Thái Lan, nhằm trốn nghĩa vụ quân sự. Hiện nay, hàng trăm ngàn thanh niên Miến Điện, cả nam và nữ, đang tìm cách trốn quân dịch trong nước. Lệnh bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Miến Điện đã được tập đoàn quân sự ban hành hồi tháng 02/2024.

Myanmar junta military soldiers parade during a ceremony to mark the country's Armed Forces Day in Naypyidaw on March 27, 2024. Myanmar's junta chief on March 27, 2024 blamed the country's growing arm
Quân đội Miến Điện diễu binh tại Naypyidaw ngày 27/03/2024. AFP - STR
Quảng cáo

Từ Bangkok, thông tín viên trong khu vực Carol Isoux tường trình :

« Kể từ khi có thông báo về nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam thanh niên từ 18 đến 35 tuổi và nữ thanh niên từ 18 đến 27 tuổi, hàng trăm ngàn thanh niên Miến Điện đã tìm cách bỏ trốn sang nước láng giềng Thái Lan. Đoàn người xếp hàng chờ trước các đại sứ quán nước ngoài ở Rangun ngày càng dài và số đơn đăng ký gửi đến các cơ quan việc làm ở nước ngoài tăng bùng nổ, bởi vì cho đến nay người lao động Miến Điện ở nước ngoài vẫn được miễn nghĩa vụ quân sự. Khi tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện vừa tuyên bố đình chỉ loại giấy phép lao động này, hàng ngàn người Miến Điện đã tìm cách vượt biên trái phép. Trong số đó có Thint, 34 tuổi, người vừa mới đến được Mae Sot, một thị trấn biên giới của Thái Lan.

Thint nói : « Ngay sau khi đảo chính nổ ra, tôi đã tham gia vào hoạt động chống tập đoàn quân sự và tôi đã bị bắt. Sau 3 năm tù giam, tôi vừa được trả tự do và trở về nhà thì quân đội lại thông báo lệnh tòng quân. Bây giờ tôi lại phải đi chiến đấu trong bộ quân phục của quân đội Miến Điện ư ? Không, đối với tôi và các bạn bè của tôi, đây là điều không thể tưởng tượng nổi. Vì thế, tôi đã vượt biên trái phép sang Thái Lan. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Quân đội lẽ ra phải bảo vệ nhân dân, đằng này thì họ lại tàn sát người dân. Tôi sẽ không bao giờ chiến đấu cho quân đội ».

Hiện nay có 2 -3 triệu người Miến Điện lao động tại Thái Lan. Những di dân bất hợp pháp phải sống trong những điều kiện cực kỳ bấp bênh, thường xuyên bị đối xử như « nô lệ hiện đại », theo từ ngữ của các tổ chức quốc tế. Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện đang phải đối mặt với sự phản đối chưa từng có của cả xã hội dân sự và các nhóm du kích thuộc các sắc tộc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.