Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Kinh tế Trung Quốc có đà tăng trưởng mới ?

Trong quý ba năm nay, kinh tế Trung Quốc tăng 7%. Đây là một thành tích bởi vì trong sáu tháng đầu năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng đã thấp hơn mức mong muốn của Bắc Kinh. Tuy vậy, theo giới chuyên gia, cần phải thận trọng khi đánh giá tỷ lệ tăng trưởng 7% này, do các địa phương Trung Quốc đang bị nợ chồng chất, gây nhiều lo ngại.

Bên trong một siêu thị tại Bắc Kinh (ảnh chụp 14/10/2013)
Bên trong một siêu thị tại Bắc Kinh (ảnh chụp 14/10/2013) REUTERS
Quảng cáo

Chính quyền Trung Quốc đề ra mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2013 và mục tiêu này có thể đạt được. Tuy nhiên, khi đánh giá về kinh tế Trung Quốc, thì cần phải chú ý tới chất lượng, thay vì chỉ nhìn vào khối lượng. Bởi vì cho đến nay, tiêu thụ của các hộ gia đình không phải là động lực chính tạo ra sự tăng trưởng cao, mà vẫn là các khoản chi của Nhà nước. Bằng chứng cụ thể là việc phát hành các tín phiếu đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở. So với năm 2012, hoạt động xây dựng đường sắt đã tăng 20% trong sáu tháng đầu năm nay, đường bộ tăng 40%, hệ thống cống và ống thoát nước tăng 50%.

Cho dù Trung Quốc còn phải tiếp tục cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, nhưng việc gia tăng các khoản đầu tư này lại do Nhà nước đảm trách, chứ không phải khu vực tư nhân. Nói một cách khác, tăng trưởng của Trung Quốc cao là nhờ các biện pháp kích thích của Nhà nước, chứ không phải dựa trên những nền tảng thực sự của kinh tế.

Phải chăng Trung Quốc dùng đầu tư công để tạo sinh lực mới cho tăng trưởng ?

Chính quyền Trung Quốc đã mạnh tay chi để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, các phương tiện huy động thúc đẩy tăng trưởng ở cấp địa phương gây nhiều lo ngại. Chính quyền các tỉnh vay ồ ạt để thực hiện các dự án, trong lúc các ngân hàng lại ít chú ý tới khả năng thanh toán nợ của khách hàng.

Gần giống như tình trạng nợ xấu bất động sản – subprime - ở Mỹ trước đây, các ngân hàng Trung Quốc đã bán lại những khoản cho vay này, được lồng ghép vào các sản phẩm tài chính rất phức tạp. Chính vì thế, không thể loại trừ nguy cơ Trung Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính, làm mất đi đà tăng trưởng vừa được tạo ra.

Cho đến nay, rất khó đánh giá được quy mô của cái bóng đen ngân hàng này. Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch thẩm định tài chính trên quy mô lớn đối với các chính quyền địa phương để có được đánh giá rõ ràng hơn về mức độ nợ. Kết quả sẽ được công bố vào tháng 11 tới, ngay trước khi có Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và đó là dịp để Tổng bí thư Tập Cận Bình trình bày kế hoạch tiến hành các cải cách lớn về kinh tế.

Các cải cách để phát triển một nền kinh tế đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa ?

Lên kế hoạch cải cách thì dễ nhưng thực hiện thì sẽ rất khó. Do bảo hiểm xã hội không đủ, thiếu lòng tin vào hệ thống ngân hàng, người dân Trung Quốc vẫn thích tiết kiệm hoặc đầu tư vào bất động sản thay vì chi tiêu, mua sắm. Ngành công nghiệp bán công, vốn làm giàu cho Trung Quốc trong ba thập niên vừa qua, đang mất dần khả năng cạnh tranh. Trong tháng Chín, xuất khẩu của Trung Quốc bị giảm mạnh.

Có ba nguyên nhân chính : Trước tiên là các nước khách hàng truyền thống của Trung Quốc vừa mới thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhu cầu nhập khẩu giảm. Yếu tố thứ hai là một số tập đoàn cho hồi hương các hoạt động sản xuất chế biến, vì giá nhân công tại Trung Quốc đã tăng, không còn rẻ như trước. Yếu tố cuối cùng, các công ty tìm kiếm nguồn cung ứng trên thị trường các nước đang trỗi dậy khác, có giá thành sản phẩm thấp hơn so với Trung Quốc.

Có thể nói, mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc bắt đầu mất dần tính độc đáo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.