Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Hai giả thuyết về vụ xử tử chú dượng lãnh đạo Bắc Triều Tiên

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, thuộc trung tâm Asia Center và Carnegie-Tsingh Center tại Bắc Kinh phân tích trên đài RFI Pháp ngữ về vụ Bình Nhưỡng nhanh chóng hành quyết Jang Song Thaek, chú dượng của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un.

Kim Jong-un (trước) và chú dượng Jang Song-thaek bên xe chở thi hài Kim Jong-il, ngày 28/12/tại Bình nhưỡng.
Kim Jong-un (trước) và chú dượng Jang Song-thaek bên xe chở thi hài Kim Jong-il, ngày 28/12/tại Bình nhưỡng. REUTERS/KRT via Reuters TV
Quảng cáo

RFI : Phải chăng đây là một đợt thanh trừng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp tại Bình Nhưỡng ?

Antoine Bondaz : Đây chính xác là một đợt thanh trừng nhằm củng cố quyền lực của Kim Jong Un. Có thể diễn giải việc Bắc Triều Tiên xử tử ông Jang Song Thaek theo hai hướng : Thứ nhất là để Kim Jong Un thu tóm quyền lực. Lãnh đạo số một Bắc Triều Tiên không còn cần đến vị quân sư này nữa, tương tự như hồi năm ngoái, lãnh tụ Bắc Triều Tiên vào tháng 7/2012 cách chức tổng tham mưu trưởng quân đội Ri Yong Ho.

Hướng thứ hai để hiểu vụ Bình Nhưỡng xử tử chú dượng của Kim Jong Un có lẽ đáng quan ngại hơn : Đó là sự chia rẽ ngày càng rõ nét trong hàng ngũ lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Sự chia rẽ đó có thể đe dọa đến uy thế của bản thân ông Kim Jong Un.

Chú dượng của lãnh tụ Bắc Triều Tiên hiện nay, là ông Jang Song Thaek nguyên là phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng. Đây là cơ quan quyền lực nhất tại quốc gia cộng sản này. Còn ông Ri Yong Ho là tổng tham mưu truởng quân đội. Cả hai nhân vật này cùng có chân trong quân đội và cùng lã những đảng viên cao cấp. Đừng quên rằng, tại Bắc Triều Tiên, đảng kiểm soát luôn cả quân đội. Thanh trừng hai nhân vật then chốt trong đảng, có nghĩa là thanh trừng luôn cả luôn cả phe quân đội.

RFI : Ông nói đến khả năng chế độ Bắc Triều Tiên đang bị chia rẽ, cũng như giả thuyết Kim Jong Un đang củng cố thế lực. Hiện nay đâu có còn mấy ai thuộc thế hệ cũ, tức là đã từng trung thành với cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Jong Il chung quanh ông Kim Jong Un nữa đâu ?

 Antoine Bondaz : Đúng là thành phần đó không còn nhiều và có một sự « trẻ hóa » trong hàng ngũ lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên. Điều đáng chú ý là ông Jang Song Thaek chỉ là chú dượng của của nhân vật số 1 ở Bình Nhưỡng. Ông này là chồng của người cô ruột Kim Jong Un. Nói cách khác, Kim Jong Un không tấn công trực tiếp vào gia đình ruột thịt của mình. Lãnh đạo tối cao của chế độ Bắc Triều Tiên không nhắm vào người cô ruột, hay vào những đồng minh thân cận với gia đình họ Kim.

RFI : Jang Song Thaek từng được xem như một nhân vật thân cận của Bắc Kinh tại Bình Nhưỡng vậy phải chăng ông này bị trừng phạt, rồi bị hành quyết vì có khuynh hướng cải cách theo mô hình của Trung Quốc ?

 Antoine Bondaz : Chính xác. Đây là một giả thuyết có thể xảy ra. Đừng quên rằng ông Jang Song Thaek từng đóng một vai trò then chốt vào tháng 8/2012. Khi đó ông ta đã đến Bắc Kinh với trọng tâm kinh tế. Nhân vật này đã thảo luận nhiều với phía Trung Quốc về các chương trình cải tổ kinh tế theo mô hình của Trung Quốc. Trong mắt các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên và nhất là của Kim Jong Un, ông Jang là một người thân Trung Quốc. Do đó nhân vật này có thể là mối đe dọa tiềm tàng đối với chế độ Bắc Triều Tiên.

RFI : Vậy cái chết của ông Jang Song Thaek ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh ?

Antoine Bondaz : Còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh sẽ không lên tiếng về vụ xử tử ông Jang ngay bây giờ và Trung Quốc sẽ không bao giờ bày tỏ quan điểm về hồ sơ này. Chỉ biết rằng có nhiều tin tồn theo đó Trung Quốc đang mời lãnh tụ Bắc Triều Tiên đến Bắc Kinh càng sớm càng tốt. Có thể là để giải thích về vụ này.

RFI : Những gì đang diễn ra tại một đất nước khép khín như Bắc Triều Tiên ?

Antoine Bondaz : Rất khó để có được những thông tin đáng tin cậy về Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc thu thập được một số thông tin tình báo và từ những người Bắc Triều Tiên đào thoát khỏi chế độ cộng sản của Bình Nhưỡng, hoặc qua ngả Trung Quốc hoặc qua ngả Hàn Quốc. Những thông tin đó đôi khi không chính xác, đôi khi bị bóp méo.

Trung Quốc cũng có một số thông tin về Bắc Triều Tiên. Nhưng thu thập được những thông tin cụ thể và chính xác không phải là chuyện dễ, kể cả đối với ngành tình báo Trung Quốc lẫn của Hoa Kỳ. Đôi điều biết được về xã hội Bắc Triều Tiên, chẳng hạn như là chính quyền nước này không hề tôn trọng nhân quyền, người dân Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và không có gì thay đổi kể từ khi ông Kim Jong Il, tức là cha đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay từ trần vào cuối năm 2011. Và cũng không có gì thay đổi kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền.

Ngoài ra , có một sự khác biệt rất lớn giữa những gì đang diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng so với phần còn lại của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng là một thành phố tương đối phát triển về phương diện kinh tế, các phương tiện di chuyển, giao thông tương đối dễ dàng, ít ra là đối với tầng lớp trung lưu. Một số mặt hàng tiêu thụ thiết yếu được nhập từ Trung Quốc vào Bình Nhưỡng. Thế nhưng thực tế ở các vùng nông thôn Bắc Triều Tiên thì hoàn toàn khác xa. Gần như không có số liệu nào về phần còn lại của Bắc Triều Tiên ngoại trừ thủ đô Bình Nhưỡng ra cả.

RFI : Liệu đến bao giờ quốc tế mới biết được là tình hình chính trị Bắc Triều Tiên đi về đâu ?

Antoine Bondaz : Khó có thể đoán trước được điều đó. Nếu như lãnh đạo Bắc Triều Tiên sang thăm Trung Quốc đi chăng nữa thì đó cũng mới chỉ là một chuyến đi mang tính biểu tượng và để bắn đi một vài tín hiệu. Người ta cũng có thể đoán được những gì đang xảy ra ở thượng tầng cơ quan quyền lực Bắc Triều Tiên qua việc cất nhắc một số nhân vật. Nhưng có điều chắc chắn là chiến lược cơ bản của Bình Nhưỡng sẽ không có gì thay đổi : Đó là chiến lược đã được hai bố con ông Kim Jong Il và Kim Jong Un vạch ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.