Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Ô Khảm bầu một lãnh đạo phản kháng làm Chủ tịch xã

Một dân oan được tái tín nhiệm vào chức vụ Chủ tịch làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông. Ủy ban bầu cử, do chính quyền cấp huyện kiểm soát tuyên bố, nông dân Lâm Tổ Loan đắc cử Chủ tịch ngôi làng nổi dậy chống tham ô năm 2011. Tuy nhiên, theo dân làng, đây một cuôc bầu cử gian lận và người đắc cử là một dân oan bị chính quyền mua chuộc.

Cán bộ huyện và công an kiểm soát chặt chẽ các phòng phiếu Ô Khảm. Ảnh ngày 31/03/2014.
Cán bộ huyện và công an kiểm soát chặt chẽ các phòng phiếu Ô Khảm. Ảnh ngày 31/03/2014. REUTERS/Petar Kujundzic
Quảng cáo

Theo AFP, ngày 01/04/2014, Ủy ban bầu cử làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc tuyên bố ông Lâm Tổ Loan tái đắc cử Chủ tịch xã với 5000 phiếu thuận đứng đầu một ban lãnh đạo 7 người. Lâm Tổ Loan là một trong những nông dân lãnh đạo phong trào phản kháng mà cách nay ba năm đã đánh đuổi toàn bộ cán bộ chính quyền tham ô ra khỏi xã, sau vụ một dân oan chết trong đồn công an.

Tuy nhiên, ông Lâm Tổ Loan tái đắc cử trong điều kiện không rõ ràng. Trước tiên, theo phóng viên AFP quan sát tại chỗ, không tới 1000 cử tri đi bầu. Ủy ban bầu cử mà thành viên là cán bộ của huyện Lục Phong từ chối giải thích lý do tại sao có sự khác biệt giữa số người đi bầu và số phiếu công bố.

Thêm vào đó, gần ngày bầu cử nhiệm kỳ mới, chính quyền bắt giam hai ứng cử viên quy cho họ tội tham nhũng mà không đưa bằng chứng. Người thứ ba phải chạy trốn sang Mỹ xin tỵ nạn.

Lãnh đạo then chốt của phong trào chống tham nhũng là Dương Sắc Mậu sau đó được thả và tên của ông nhận được mấy ngàn phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn AFP, ông cho biết là ông rút lui vì không thể làm việc chung với Lâm Tổ Loan, một người đã « thỏa hiệp » với chế độ.

Hầu hết dân làng đi bầu đều lo ngại trước hàng rào cán bộ huyện và công an có võ trang kiểm soát phòng phiếu. Một cử tri nói nhỏ là không dám nói chuyện với báo chí vì tình hình đã đổi khác không như lần bầu cử tự do ba năm trước đây.

Một thanh niên 24 tuổi cho biết, anh bỏ phiếu cho lãnh đạo phong trào phản kháng là Dương Sắc Mậu, nhưng rất tiếc là ông Dương đã bỏ cuộc.

Theo dân làng Ô Khảm, thì sau ba năm nhượng bộ, chính quyền đảng Cộng sản tìm cách kiểm soát lại tình thế bằng cách gây khó khăn làm mất uy tín của những người không chấp nhận thỏa hiệp. Trong số 430 hecta bị trưng thu và bồi thường với giá rẻ mạt, dân oan Ô Khảm chỉ đòi lại được có 10%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.