Vào nội dung chính
KINH TẾ

Nâng giá nhân dân tệ có lợi cho phương Tây ?

Nâng giá nhân dân tệ không giải quyết thâm thủng mậu dịch của phương Tây đối với Trung Quốc và cũng không tạo thêm việc làm cho người lao động Mỹ và châu Âu. 

Quảng cáo

Báo chí đã nói rất nhiều đến cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh chung quanh tỷ giá đồng nhân dân tệ nhưng câu hỏi Le Monde đặt ra hôm nay (17/4) là liệu việc nâng giá đơn vị tiền tệ có giải quyết được vấn đề nhập siêu của nhiều nước phương tây đối với Trung Quốc hay không ? Theo tờ báo thì câu trả lời là không. Vậy thì câu hỏi kế tiếp tờ báo nêu lên là tại sao Hoa Kỳ và châu Âu liên tục đòi Trung Quốc có chính sách tiền tệ mềm dẻo hơn ?

Để đối phó với khủng hoảng và kích thích tăng trưởng Trung Quốc đã cột chặt đơn vị tiền tệ quốc gia với đồng đô la tính theo thời giá của mùa hè 2008, duy trì tỷ giá khoảng 6,83 nhân dân tệ đổi lấy 1 đô la Mỹ. Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng giá của đồng tiền Trung Quốc thấp hơn từ 30 đến 40% so với đô la và đây là một sự cố tình để Bắc Kinh kích thích khu vực xuất khẩu. Ghìm giá đồng tiền như vậy theo quan điểm của Washington tạo điều kiện cạnh tranh không công bằng, đồng thời nó còn là động cơ khiến các tập đoàn của Mỹ chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc, tạo thêm thất nghiệp cho Hoa Kỳ, gây trở ngại cho tiến trình phục hồi kinh tế của nước Mỹ.

Châu Âu không mạnh dạn lên tiếng bằng Hoa Kỳ nhưng cũng có cùng quan điểm với Washington.

Thế nhưng theo một số các chuyên gia được Le Monde trích dẫn, thì điều chỉnh tỷ giá hối đoái không phải là chiếc đũa thần cho phép phương Tây giải quyết các vấn đề vừa nêu. Thứ nhất là nâng giá nhân dân tệ sẽ không là động cơ khiến các hãng xưởng của Âu, Mỹ quay về xuất xứ. Giám đốc nghiên cứu của ngân hàng Natixis ông Patrick Artus không tin rằng đây sẽ là yếu tố giúp châu Âu và Hoa Kỳ « tái công nghiệp hóa », và cũng không phải là giải pháp để mang lại công ăn việc làm cho người lao động của phương Tây. Một đồng yuan rẻ so với đô la và euro hiện đang có lợi cho rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Âu Mỹ đang hoạt động tại nước đông dân nhất địa cầu. Nếu Trung Quốc nâng giá đơn vị tiền tệ thì các hãng này sẽ tiếp tục di dời cơ sở đến những vùng đất như là Ấn Độ Việt Nam hay Bangladesh. Đó là những nơi mà đồng lương trả cho nhân viên còn thấp hơn cả ở Trung Quốc.

Ngược lại nếu nhân dân tệ tăng giá thì hàng Trung Quốc bán sang châu Âu và Hoa Kỳ sẽ đắt hơn, tức sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu.

Về câu hỏi nâng giá đồng yuan có giúp Hoa Kỳ thu hẹp khoản nhập siêu với Trung Quốc hay không, thì theo một chuyên gia của ngân hàng Société Générale câu trả lời cũng là không. Từ 2005 đến 2008 Trung Quốc đã từng bước nâng giá nhân dân tệ so với đô la tổng cộng là 21%, thế nhưng thâm thủng mậu dịch của Mỹ đối với bạn hàng lớn nhất Á châu này vẫn bay bổng từ kỷ lục đến kỷ lục khác, đạt 227 tỷ đô la vào năm ngoái.

Có lẽ đây là lý do giải thích phần nào tranh cãi chung quanh tỷ giá đồng nhân dân tệ đã dịu lại trong thời gian gần đây.

Theo phân tích của Le Monde, Hoa Kỳ ngoài việc xoa dịu dư luận trong nước trên vấn đề thất ngiệp thì bản thân chính quyền Obama ý thức rằng đòi hỏi Bắc Kinh nâng giá đồng tiền không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm tổn thương quan hệ Mỹ Trung. Trong khi đó thì nước Mỹ cũng đang rất cần đến Trung Quốc từ mặt tài chính đến chính trị.

Về phần mình, Bắc Kinh trước sau gì cũng phải tăng giá đồng yuan vì lợi ích của bản thân Trung Quốc : biện pháp này giúp Trung Quốc kềm hãm lạm phát, làm hạ nhiệt giá nguyên và nhiên liệu đồng thời giới hạn bớt sự lệ thuộc của nền kinh tế vào khu vực xuất khẩu.

Câu hỏi đặt ra là khi nào thì Trung Quốc nâng giá đồng tiền và sẽ tăng bao nhiêu phần trăm ? Chắc chắn một điều là Bắc Kinh sẽ không làm bất cứ điều gì dưới sức ép của quốc tế và nhất là của Hoa Kỳ

Tại Bangkok, những người Áo Đỏ đang chuẩn bị đánh một trận cuối cùng

Trang quốc tế của Le Figaro hôm nay giới thiệu về phong trào Áo Đỏ với hàng tít « Tại Bangkok, những người ‘‘Áo Đỏ’’ đang chuẩn bị cho một ‘‘trận đánh cuối cùng’’ ». Cho đến nay, sau hơn một tháng biểu tình và đấu tranh với nhiều hình thức, phong trào vẫn tiếp tục lướt tới với « sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của một ý thức chính trị [mới] ».

Tập hợp rất nhiều những người nông dân nghèo khổ từ vùng quê miền đông bắc, phong trào Áo Đỏ đồng thời thu hút được 459 trường học, 30 đài radio cộng đồng, 10 tờ báo và một kênh truyền hình, cùng với chính quyền nhiều xã, huyện, và các dân quân địa phương. Theo Giles Ji Ungpakorn, một giảng viên đại học, lưu vong tại Anh vì tội « khi quân », phong trào này biểu thị sự bất bình của hàng triệu người Thái vì các can thiệp của quân đội và hoàng gia vào xã hội. Họ mong muốn một chế độ quân chủ lập hiến, đứng trên cầm trịch, chứ không điều hành trực tiếp đất nước.

Những người lãnh đạo của phong trào Áo Đỏ hoàn toàn không phải là một nhóm thuần nhất. Ví dụ, người phát ngôn của phong trào là một nhà lập trình tin học. Thư ký chung là một bác sĩ, đảng viên cộng sản, chủ một phòng mạch tồi tàn tại khu ngoại ô phía Bắc Bangkok. Một ca sĩ đã qua thời vàng son. Một nhân viên văn phòng cựu thủ tướng Thaksin. Một thủ lĩnh khác từng là chiến hữu của Thaksin, tướng Khattiya Sawadipol. Viên tướng có biệt danh « Anh trai đỏ » này là người chủ trương các hành động bạo lực. Theo Le Figaro, vì muôn hình muôn vẻ như vậy, nên khó lòng dự đoán được phong trào sẽ đi theo đường lối nào. Chỉ có điều chắc chắn là, phong trào Áo Đỏ sẽ không lùi bước và hiện đang tổ chức cái mà họ gọi là « trận đánh cuối cùng ». 

Tròn năm năm tại chức, Đức Giáo hoàng Benedicto XVI một mình trong bão tố

Nhân dịp sắp tròn năm năm ngày Đức Giáo hoàng Benedicto XVI tại chức, tờ La Croix hôm nay dành toàn bộ 4 trang đầu để tổng kết với hàng tít « Năm năm của một nhiệm kỳ Giáo hoàng đầy sóng gió ». Đặc phái viên thường trú của La Croix tại Roma gửi về bài viết « một nhiệm kỳ năm năm ít được biết của Giáo hoàng Benedicto XVI ».

Bất chấp các vụ linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, năm năm lãnh đạo của Giáo hoàng Benedicto XVI đã để lại những kết quả không thể coi nhẹ. Theo La Croix, Đức Giáo hoàng đã khẳng định được dấu ấn qua một loạt hồ sơ, trong số đó tờ báo đã chọn điểm lại sáu lĩnh vực : giảng dạy, ngoại giao, đại kết, đối thoại liên tôn giáo, sự thống nhất của Giáo hội và một số hồ sơ đặc biệt gai góc, như vụ Cha Marcial Maciel, người sáng lập dòng Binh đoàn của Chúa, bị phát hiện là có lập gia đình riêng và có con.

Mục chân dung của Le Figaro, với hàng tựa, « Giáo hoàng Benedicto XVI, một mình trong cơn bão táp », đưa ra các nhận xét về thời điểm năm năm tại chức của Giáo hoàng. Tối nay, tại Malta, Đức Giáo hoàng Benedicto XVI sẽ làm lễ tưởng niệm Thánh Phaolô, người truyền bá đạo Thiên Chúa tại vùng Địa Trung Hải. Tại chính nơi đây, vào năm 60, đã xảy ra vụ đắm tàu đưa Thánh Phaolô vào bờ, và từ đó một trong những cộng đồng Thiên Chúa Giáo đầu tiên của đế chế La Mã đã ra đời. Trong chuyến công du tới Malta, Đức Giáo hoàng có thể sẽ gặp những nạn nhân bị linh mục lạm dụng tình dục. Le Figaro đưa ra hình ảnh, ví những đợt sóng lớn đánh vào con thuyền của người đứng đầu Giáo hội giờ đây so với vụ đắm tàu xưa kia đưa Thánh Phaolo dạt lên vùng đất Malta, và đặt câu hỏi, làm thế nào để con tàu của Giáo hoàng không bị đắm ?

Tờ báo nhận xét, cho đến giờ, trước các chỉ trích của công luận, Giáo hoàng vẫn tỏ ra đơn độc. Một liên minh giữa các hồng y để ủng hộ Đức Giáo hoàng đang hình thành, nhưng Vatican chưa bao giờ biểu lộ một chiến lược thống nhất để phản ứng lại cuộc khủng hoảng, bắt nguồn từ vấn đề linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. 

Di sản của Marx

Trở lại tìm hiểu những gì tích cực trong di sản của Marx để thức tỉnh tư duy và tìm kiếm các cách thức hành động mới

Le Figaro với hàng tựa « Nhân vật số hai của đảng Cộng sản, Pierre Laurent, muốn giữ chân các nghị sĩ từ nhiệm » nêu bật hiện tượng đảng Cộng sản đang trải qua cơn sóng gió mới, với làn sóng từ bỏ đảng tịch của nhiều nhân vật quan trọng. Để có được một chỗ đứng trong chính trường Pháp hiện nay, đảng Cộng sản đang buộc phải tiến hành một thay đổi triệt để.

Trên trang nhất tờ báo cánh tả l’Humanité hôm nay, chạy hàng tựa « Marx trở lại ». Tờ báo dành toàn bộ phần « Tranh luận » cho cuộc trao đổi giữa hai nhà triết học Edgar Morin và André Tosel về di sản của Marx, mà kể từ cuộc khủng hoảng đến nay, đã không còn bị coi là một chủ đề cấm kỵ nữa.

Edgar Morin điểm lại quá trình sụp đổ của chủ nghĩa Marx với các xã hội cộng sản toàn trị, mà Marx đã không hề tiên đoán trước được sự ra đời của chúng. Marx đã không nhận thức được rằng sự điên rồ, mặt tăm tối của con người, cũng có khả năng tồn tại và phát triển như là trí tuệ của con người. Và Marx cũng không hiểu được ý nghĩa quan trọng của trí tưởng tượng huyền thoại trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, những tệ nạn của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hiện nay lại khẳng định một số đề tài trong nghiên cứu của Marx.

André Tosel nhấn mạnh đến trách nhiệm của tầng lớp những người thành đạt trong xã hội hiện nay. Tầng lớp này đang trở thành một đẳng cấp mới, sống trong những khu vực sang trọng biệt lập khỏi xã hội xung quanh, và không còn có ý thức trách nhiệm gì đối với xã hội nói chung. Điều nguy hiểm là tầng lớp này bất lực trong việc đưa ra một kế hoạch dài hạn cho toàn xã hội. Tất cả giờ đây đều được đo lường theo tốc độ của lợi nhuận và đầu tư. Theo nhà triết học, những người được coi là thuộc về tầng lớp ưu tú của xã hội hiện nay phải chịu trách nhiệm trong việc « ý thức về tương lai [dài hạn] bị hủy hoại ». Theo Edgar Morin, việc quay trở lại những gì tích cực trong di sản của Marx có thể tham gia vào việc « phục hưng lại ý thức chính trị ». 

Tấm ảnh bị thất lạc của Arthur Rimbaud

Trong lĩnh vực văn hóa, vật thể được cả Le Monde lẫn Libération cùng nhắc đến là một tấm ảnh đã bị thất lạc của thi sĩ Arthur Rimbaud ở vào độ tuổi ba mươi. Đây là hình ảnh duy nhất của tác giả Con Tàu Say khi đã trưởng thành. Le Monde chơi chữ với tính từ « égaré » để nói đến một bức ảnh đã bị thất lạc nhưng đấy cũng là nét mặt của một người « lạc lõng », đang bị mất hướng mà ta có thể trông thấy rõ trên tấm ảnh đã vàng ố với thời gian. Bức ảnh này theo các chuyên gia được Le Monde và Libération trích dẫn có lẽ được chụp vào khoảng những năm 1880. Khi đó tác giả của Một Mùa Địa Ngục quãng độ 30 tuổi.

Chân dung Arthur Rimbaud này được coi là cao điểm của hội chợ sách cổ mở ra tại Paris trong ba ngày từ 16 đến 18/4 năm nay.

Theo lời một nhà nghiên cứu về văn thơ của Rimbaud bức ảnh vừa được khám phá này là một tài liệu vô cùng hiếm hoi về người đã đóng lại sự nghiệp văn chương khi vừa 20 tuổi.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.