Vào nội dung chính
PHÁP

Chính phủ Sarkozy bị chao đảo bởi người phụ nữ giàu nhất nước Pháp

Theo thăm dò gần đây, chỉ còn 26% người dân Pháp tín nhiệm tổng thống Sarkozy, mức thấp nhất kể từ khi ông đắc cử năm 2007. Khi lên nắm quyền, ông đã hứa hẹn một nước Cộng hòa gương mẫu, nhưng đang bị chỉ trích, vì dân Pháp phải thắt lưng buộc bụng, trong khi nhiều bộ trưởng mang tai tiếng vì tiêu xài quá độ.

Liliane Bettencourt, người thừa kế tập đoàn mỹ phẩm Pháp l'Oréal (AFP)
Liliane Bettencourt, người thừa kế tập đoàn mỹ phẩm Pháp l'Oréal (AFP)
Quảng cáo

Nhưng sự kiện đang làm chao đảo toàn bộ chính phủ Sarkozy đó là vụ Bettencourt-Woerth. Lilianne Bettencourt, năm nay gần 88 tuổi, là người thừa kế tập đoàn mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp L’Oréal, hiện là phụ nữ giàu nhất nước Pháp, còn ông Eric Woerth là đương kim bộ trưởng Lao động, kiêm thủ quỹ của đảng cánh hữu UMP. 

Từ hơn hai tuần qua, ông Eric Woerth bị phe đối lập cánh tả ở Pháp tố cáo là đã có "xung đột quyền lợi" trong khuôn khổ vụ quản lý tài sản của bà Bettencourt. Lý do là vì vợ của ông, bà Florence Woerth, trước đây quản lý một phần tài sản của bà Bettencourt. Bản ghi các cuộc nghe lén điện thoại cho thấy ông Eric Woerth, nguyên là bộ trưởng Ngân sách ( 2007 đến 3/2010 ), đã biết rõ là bà Bettencourt đã tìm cách gian lận thuế. 

Vụ Bettencourt đặt lại vấn đề "xung đột quyền lợi"

Ngay từ đầu, ông Eric Woerth khẳng định mình hoàn toàn trong sạch và cho rằng ông là đối tượng của một âm mưu khuynh đảo, vào lúc ông đang tiến hành cải cách hệ thống hưu trí, một cuộc cải cách đang gây nhiều bất bình tại Pháp, nhưng là dự án mà tổng thống Sarkozy quyết tâm hoàn thành trước khi hết nhiệm kỳ năm 2012. 

Vụ này nay đã trở thành một thứ feuilleton, chuyện dài nhiều tập, vì hầu như ngày nào, báo chí cũng khui ra những chi tiết mới liên quan đến chuyện nội bộ gia đình bà Bettencourt, chẳng hạn như con gái của bà tố cáo một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, François-Marie Banier là đã lợi dụng bòn rút bà Bettencourt đến cả tỷ euro. Bên cạnh đó, ngày càng có thêm nhiều yếu tố cho thấy đúng là có vấn đề xung đột quyền lợi liên quan đến bộ trưởng Eric Woerth. 

Hiện giờ, chưa có bằng chứng gì cho thấy ông Eric Woerth đã làm giàu cho bản thân, nhưng ông lại có quan hệ thường xuyên với các nhà tài trợ của đảng UMP, những người mà trước đây bộ Ngân sách của ông có nhiệm vụ phải kiểm tra. Chính điều đó khiến người ta vẫn nghi ngờ ông Eric Woerth. 

"Dân thắt lưng buộc bụng, quan tiêu xài quá độ" 

Tổng thống Sarkozy đã ba lần lên tiếng bảo vệ ông Eric Woerth, nhưng vẫn không giải tỏa được áp lực lên nhân vật này. Ngày 21/6 vừa qua, ông Eric Woerth loan báo là vợ ông đã từ chức khỏi công ty quản lý tài sản của bà Bettencourt. Vài ngày sau đó, tân bộ trưởng Ngân sách François Baroin loan báo mở cuộc điều tra hành chính để công khai hóa mọi chuyện. Quốc hội Pháp cũng đã chấp nhận đề nghị của phe đối lập cánh tả, đó là thành lập một ủy ban điều tra về vụ này. 

Nhưng mọi chuyện đã không dừng ở đó : lại vừa có tin là bà Bettencourt đã từng được hoàn thuế 30 triệu euro. Thật ra, việc này là hoàn toàn hợp pháp trong khuôn khổ luật về thuế thu nhập, theo đó, mức thuế tối đa là không được quá 50% thu nhập. Ông Eric Woerth lại phải lên tiếng cải chính là ông đã không hề đích thân chuẩn y việc hoàn thuế nói trên. 

Nhưng câu hỏi duy nhất mà báo chí Pháp đang đặt ra là : ông Eric Woerth có thể trụ lại được bao lâu nữa, khi mà vụ này ngày càng làm tổn hại uy tín của phe đa số cánh hữu? Tổng thống Sarkozy hôm thứ tư vừa qua loan báo sẽ cải tổ nội các vào tháng 10 tới. Có lẽ tổng thống Pháp muốn báo trước là ông Eric Woerth sẽ không được giữ lại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.