Vào nội dung chính
PHÁP - CHIẾN DỊCH QUÂN SỰ LIBYA

Pháp muốn giữ vai trò chủ đạo trong chiến dịch quân sự tại Libya

Hôm nay, chiến dịch oanh kích vào các mục tiêu của quân đội Libya, nhằm lập vùng cấm bay, bảo vệ thường dân, theo tinh thần nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bước sang ngày thứ năm, thế nhưng từ vài ngày qua, các nước tham gia liên quân quốc tế đang bất đồng với nhau về một vấn đề cụ thể : Ai sẽ chỉ huy chiến dịch này.

Máy bay NATO tại căn cứ không quân Sigonella, phía nam đảo Sicily, 18/03/2011.
Máy bay NATO tại căn cứ không quân Sigonella, phía nam đảo Sicily, 18/03/2011. REUTERS/Antonio Parrinello
Quảng cáo

Nhiều nước nói đến Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Nhưng Pháp lại tỏ ra kiên quyết giữ vai trò chủ đạo, giới hạn vai trò của NATO trong việc chỉ huy chiến dịch quân sự tại Libya, cho dù có chấp nhận một số nhượng bộ.

Tối qua, Pháp và Mỹ cùng thông báo, đã đạt được đồng thuận về vai trò của NATO trong liên quân quốc tế, thế nhưng hai nước lại đưa ra cách diễn đạt về thỏa thuận này tương đối khác nhau.

Theo Nhà Trắng, Pháp và Anh đồng ý để NATO có thể giữ « vai trò chủ chốt » trong chỉ huy chiến dịch quân sự của liên quân quốc tế tại Libya. Thế nhưng, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lại cho biết, qua điện đàm với tổng thống Mỹ, lãnh đạo hai nước « đã đồng thuận về các thể thức sử dụng những cơ cấu chỉ huy của NATO trong việc hỗ trợ liên quân ».

Quan điểm này của Paris không khác gì nội dung các tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé. Lãnh đạo ngành ngoại giao Pháp nhận định, « đối với chúng tôi, chiến dịch này do liên quân tiến hành. Do vậy, đây không phải là một chiến dịch của NATO, cho dù chiến dịch này phải dựa vào những phương tiện kế hoạch và can thiệp quân sự của NATO ».

Hôm thứ hai, 21/03, trong một cuộc họp của NATO ở Bruxelles, các đối tác của Pháp đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có sự tham gia của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Pháp không đồng ý và đề xuất lập một cơ cấu ở cấp ngoại trưởng, « chỉ đạo chính trị chiến dịch quân sự ».

Kể từ khi mở màn chiến dịch « Bình minh Odyssey » đến nay, từ căn cứ quân sự của mình tại Đức, Hoa Kỳ đảm trách điều phối các vụ oanh kích ở Libya. Tuy nhiên, Mỹ đang nỗ lực để bình ổn Afghanistan và Irak, nên không thể kéo dài sự tham gia trong chiến dịch quân sự tại Libya.

Ngay từ khi có được nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An, Pháp đã tìm mọi cách gạt bỏ vai trò của NATO. Đối với Paris, trước tiên đây là một vấn đề chính trị.

Theo nhận định của một nguồn tin quân sự, được AFP trích dẫn, thì nước Pháp muốn tái khẳng định vị trí của mình trong thế giới Ả Rập, củng cố tính chính đáng của hành động quân sự này với sự tham gia của Liên đoàn Ả Rập. Paris muốn tránh sự hiểu lầm của các quốc gia phía nam Địa Trung Hải, cho rằng, đằng sau NATO là Hoa Kỳ. Như vậy, chiến dịch quân sự có nguy cơ bị coi là một cuộc đối đầu giữa phương Tây và thế giới Ả Rập.

Bên cạnh đó, Pháp muốn giành thế chủ động về nhịp độ, tiếp tục hay chấm dứt các hoạt động quân sự tại Libya, trong lúc đó, quy trình chỉ huy của NATO phức tạp.

Paris muốn có một bộ chỉ huy và kiểm soát tác chiến uyển chuyển, hiệu quả hơn, không bị đặt dưới sự chỉ đạo của một cơ cấu nặng nề, áp đặt những mục tiêu và cách thức thực hiện. Trong quá khứ, nước Pháp đã có kinh nghiệm về việc này.

Một chuyên gia quân sự nhấn mạnh đến những khó khăn để đạt được đồng thuận giữa 28 thành viên NATO. Ngoài ra, Pháp còn có một e ngại khác : Mỹ chiếm vị trí thống trị trong NATO, nhưng lại không muốn đi đầu trong chiến dịch quân sự tại Libya.

Mặc dù, Paris muốn chỉ đạo chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya, nhưng có một thực tế là Pháp và cả liên quân quốc tế đều không có đủ khả năng làm một mình, mà vẫn phải cần đến các phương tiện hùng hậu của NATO.

Theo một nhà ngoại giao phương Tây, hiện nay, các bên liên quan đang cố gắng tìm kiếm một thỏa hiệp, cho phép Pháp vẫn tuyên bố được rằng, không phải NATO chỉ huy, nhưng kết quả thì như nhau. Ví dụ, hội đồng chỉ đạo chiến dịch bao gồm đại diện các nước tham gia liên minh quốc tế, chịu trách nhiệm đề ra chiến lược – theo như mô hình Pháp đề xuất, song trên thực địa, chính NATO lại chỉ huy và kiểm soát chiến dịch quân sự này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.