Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Nhiều nhà khoa học Pháp làm « nội gián » cho ngành công nghiệp thuốc lá

Nhân dịp sắp tới ngày Quốc tế chống thuốc lá 31/05, Le Monde dành phần chính của phụ trương "Khoa học & Công nghệ" cuối tuần để lật lại những mối quan hệ mờ ám giữa ngành công nghiệp thuốc lá với giới khoa học, đặc biệt là một số nhà khoa học Pháp qua hồ sơ mang tựa đề « Cuộc chiến bí mật của ngành công nghiệp thuốc lá : những bộ hạ người Pháp ».

Biểu tình tại Seoul nhân ngày Quốc tế không Thuốc lá, 31/05/2011
Biểu tình tại Seoul nhân ngày Quốc tế không Thuốc lá, 31/05/2011 Reuters/Truth Leem
Quảng cáo

Trên trang nhất Le Monde, có giới thiệu chủ đề chính trong phụ trương Khoa học & Công nghệ, liên quan đến các tài liệu mật của ngành công nghiệp thuốc lá xuyên quốc gia vừa được tiết lộ, cho thấy nhiều nhà khoa học Pháp đã được tuyển mộ để đưa ra các nhận định phủ nhận hay giảm nhẹ những tác hại của khói thuốc lá.

Ngày nay, gần như mọi người ai cũng biết, hít phải khói thuốc lá một cách thụ động là một trong những nguồn gốc của các căn bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong, và nhiều quốc gia trên thế giới đã ra luật cấm hút thuốc nơi công cộng trong nhà và bước đầu thành công trong việc đẩy lui nạn hút thuốc. Tuy nhiên, phải đến hơn hai thập niên trôi qua, kể từ khi các nghiên cứu đầu tiên về tác hại của khói thuốc lá đến những người xung quanh, được công bố từ đầu những năm 1980, cho đến khi điều này được thừa nhận một cách rộng rãi.

Điều gì đã ngăn trở các nghiên cứu khoa học nghiêm tục được phổ biến và trở thành cơ sở cho việc ra luật cấm thuốc lá ở những nơi công cộng trong nhà ?

Phần một của bài điều tra của Le Monde đã tái dựng lại một cuộc chiến âm thầm tại Châu Âu, đặc biệt là tại Pháp, do ngành công nghiệp thuốc lá phát động, để ngăn cản các kết luận khoa học về tác hại của khói thuốc lá được phổ biến trong xã hội, trước hết là trong giới khoa học có liên quan.

Dựa trên các tài liệu mật của tập đoàn thuốc lá quốc tế Philip Morris, Le Monde cho biết, vào năm 1989 doanh nghiệp thuốc lá khổng lồ này đã tìm cách tuyển mộ nhiều nhà khoa học Pháp, thông qua các luật sư của công ty luật quốc tế Covington & Burling. Những nhà khoa học được tuyển mộ không phải là các chuyên gia về tác động của khói thuốc lá, nhưng lại được mời tham gia vào các hội thảo khoa học về chất lượng không khí trong nhà.

Tất nhiên là, thuốc lá không phải là chủ đề trung tâm trong các hội thảo này. Mục tiêu chủ yếu của các sinh hoạt khoa học quốc tế lớn, do những chân rết của các tập đoàn thuốc lá lớn chi trả, là đưa ra nhiều thông tin gây nhiễu, nhằm đánh lạc hướng công luận. Những người tham gia hội thảo trình bày thoải mái một loạt các nguyên nhân gây tác hại đến không khí trong nhà, như : lông các con vật nuôi trong nhà, nấm mốc, virus – vi trùng, hay động cơ điện… nhưng không ai đả động đến thuốc lá. Trong số các tổ chức chính tham gia tổ chức các hội thảo về không khí trong nhà do ngành công nghiệp thuốc lá chống lưng, có các tổ chức khoa học vốn được coi là nghiêm túc như : Hiệp hội phòng ô nhiễm không khí (APPA) hay Hội nghiên cứu về độc chất Pháp (SFT).

Do những hoạt động rất tích cực và hiệu quả của các nhà khoa học, bán mình cho ngành công nghiệp thuốc lá, tác hại của việc hút thuốc lá thụ động đã không được công luận đánh giá đúng mức trong một thời gian rất dài. Giáo sư Gérard Dubois (bệnh viện Amiens), một trong những người đi đầu trong cuộc chiến chống thuốc lá nói rằng, mãi cho đến năm 2005, nhiều đồng nghiệp trong viện Hàn lâm y học Pháp, đều là những người rất tử tế, vẫn còn hỏi  ông : Liệu các hậu quả của việc hít khói thuốc thụ động có thuộc về lĩnh vực y tế công cộng hay không ?

Theo nghiên cứu quy mô lớn mới được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín The Lancet vào cuối năm 2011, hít khói thuốc lá thụ động là thủ phạm của khoảng 600.000 vụ tử vong hàng năm trên thế giới.

Phần hai của bài điều tra về cuộc chiến bí mật của ngành công nghiệp thuốc lá sẽ được đăng tải trong phụ trương "Khoa học và Công nghệ" của Le Monde cuối tuần tới. 

Bê bối lớn tại Vatican

« Bê bối ở Vatican bị bung ra » là hàng tựa chính của Le Figaro. Vatican rung chuyển vì các tài liệu bí mật về chốn thâm cung của Tòa Thánh vừa được công bố. Nhân vật số hai của Vatican bị lên án, giám đốc ngân hàng của Vatican bị sa thải và người quản lý trưởng của Tòa Thánh bị cảnh sát Vatican câu lưu.

Vụ bê bối tại Vatican bị bung ra, do việc xuất bản cuốn sách, có đăng nhiều bức điện thư tối mật của Giáo hoàng Benedicto 16, Le Figaro đưa ra phỏng đoán người tiết lộ các tài liệu mật này, không ai khác hơn là một trong những người thân tín của Giáo hoàng.

Trước hết, bởi vì các bức thư, ghi chép, thường được chuyển tới Giáo hoàng trực tiếp bằng tay hay bằng fax, được chính văn phòng thư ký riêng của Giáo hoàng xử lý và đều được bảo quản nghiêm ngặt. Ngoại trừ việc tin tặc đánh cắp thông tin, mà điều này khó xảy ra, vì các giấy tờ kể trên nói chung đều không được đưa vào máy tính, thì không có người lạ nào có thể lọt được vào văn phòng Giáo hoàng, vượt qua các hàng rào bảo vệ dày đặc ở Tòa Thánh.

Chính vì vậy, « con chuột chũi » hay nói một cách khác, người tiết lộ các thông tin mật ắt hẳn phải nằm trong số 20 nhân viên hay giới chức thân cận với Giáo hoàng. Không những thế, ngay chương đầu tiên trong cuốn sách vừa ra mắt đã vén lộ các chuyến vi hành tại Roma của Giáo hoàng Benedicto 16. Mà, đây là các hoạt động hết sức bí mật, mà chỉ có một vài cộng sự hết sức tin cẩn của Giáo hoàng mới có quyền được biết.

Chính quyền Québec buộc phải đối thoại với phong trào sinh viên

Tờ Libération thì hướng cái nhìn về Bắc Mỹ với hàng tựa trên trang nhất « Québec. Cảnh sát chưng hửng ». Tờ báo quan tâm đến cuộc đấu tranh của sinh viên Quebec từ ba tháng nay với nhận định, chính sự cứng rắn của chính phủ Quebec khiến phong trào phản kháng lan ra toàn xã hội.

Đầu tuần này, hàng chục ngàn người Québec (Canada) đã xuống đường, thách thức luật cấm biểu tình của chính quyền. Phong trào sinh viên ở vùng nói tiếng Pháp của Canada đòi không tăng học phí, nay trở thành một phong trào xã hội rộng rãi. Hôm nay, sinh viên cùng với một số tổ chức công đoàn kiện chính quyền ra đạo luật 78 (ngày 18/05/2012), giới hạn quyền tự do ngôn luận và biểu tình.

Báo Libération có bài phóng sự « Chống chủ nghĩa tự do, Québec tự do muôn năm », với ghi nhận sau hơn 100 ngày xung đột quyết liệt xung quanh chủ đề tăng học phí, chính phủ Québec đã phải chấp nhận đàm phán với các sinh viên.

Bài xã luận của Libération nhận định, phong trào sinh viên xứ sở cây phong có nhiều điểm giống với các cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập. Tại một đất nước mà người ta tin tưởng là đã có một nền dân chủ tiến bộ, hàng trăm sinh viên bị bắt bớ, giam giữ, vì tham gia biểu tình. Với luật đặc biệt, chính phủ Québec đã hành xử giống như lãnh đạo các nước độc tài. Họ tin tưởng rằng trấn áp sẽ dập tắt được phong trào quần chúng của sinh viên chống tăng học phí và của xã hội dân sự phẫn nộ vì biện pháp đàn áp của chính phủ. Đêm thứ Tư sang ngày thứ Năm, hơn 500 người biểu tình đã bị bắt giữ.

Tuy nhiên, cuối cùng thì, chính phủ Québec đã phải nhân nhượng, cuộc biểu tình kéo dài 5 giờ đồng hồ tối qua đã diễn ra bình yên. Theo Libération, chủ trương đối đầu với sinh viên của chính quyền Québec đã không thu được kết quả. Uy tín của ông Jean Charest, người đứng đầu chính phủ, nắm quyền từ gần 10 năm nay, đang tan vỡ.
Libération đặt câu hỏi, liệu chính phủ Québec có thể thoát ra khỏi ngõ cụt hiện nay được không ? Chưa có gì cho thấy, chính phủ có thể chấp nhận các yêu sách của sinh viên, sau khi đã tỏ ra hết sức cứng rắn. Theo một chuyên gia xã hội học tại đại học Montréal, chính phủ khó lòng mà chấp nhận rằng mình đã phạm sai lầm.

« Serment de Tobrouk » : phim tài liệu về can thiệp quốc tế tại Libya, ra mắt Festival Cannes

Để kết thúc mục điểm báo hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị bài giới thiệu trên Le Figaro về bộ phim tài liệu « Serment de Tobrouk », nói về cuộc chiến chống độc tài tại Libya. Bộ phim ra mắt tại Liên hoan phim Cannes ngày hôm qua 25/05, trong hạng mục các phim không tranh giải.

Chúng ta biết, Tobrouk là một địa danh ở Ai Cập, nơi diễn ra các trận chiến ác liệt giữa quân đồng minh và quân đội phát xít Đức trong Thế chiến II. Và như vậy, Tobrouk đã trở thành một biểu tượng cho cuộc chiến giành tự do.

Nhân dịp này, Le Figaro đã phỏng vấn triết gia Bernard-Henvi Lévy, tác giả và cũng là nhân vật chính trong phim, với sự có mặt của hai chiến binh thuộc phong trào nổi dậy chống chế độ al-Assad, vừa đến từ Syria. Trả lời phỏng vấn Le Figaro, ông Bernard-Henvi Lévy cho biết, mặc dù không bỏ phiếu cho nguyên tổng thống Sarkozy trong cả hai kỳ bầu cử, nhưng nguyên tổng thống Pháp đã có một xử sự xứng tầm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.

Như chúng ta biết, nhà triết học Bernard-Henvi Lévy là người đã kiên quyết đánh động chính giới Pháp về tấn thảm kịch Libya. Ông đã đem lại những thúc đẩy đặc biệt, có một tác động lớn đến quyết định hành động của tổng thống N. Sarkozy, và thông qua tổng thống Pháp, đến các quốc gia khác trong liên quân quốc tế, tham gia can thiệp vào Libya.

Theo Le Figaro, đối với ông Bernard-Henvi Lévy, cuộc can thiệp quân sự quốc tế tại Libya để bảo vệ thường dân, lật đổ chế độ độc tài là kết quả của cả một đời hành động. Nhà văn người Pháp đã tranh đấu không mệt mỏi trong suốt ba mươi năm qua để « nghĩa vụ can thiệp » bảo vệ nhân quyền nay được thực thi. Bộ phim Serment de Tobrouk ghi lại bằng hình ảnh cuộc chiến chưa từng có này, với tác giả là một nhân vật trung tâm. BHL (tên gọi thân mật của nhà trí thức Pháp) cũng tranh thủ dịp bộ phim ra mắt, để công luận quốc tế chú ý hơn đến một thảm kịch khác, đang diễn ra tại Syria.

« François Hollande đến Afghanistan để chuẩn bị rút quân Pháp »

« François Hollande đến Afghanistan để chuẩn bị rút quân Pháp » là hàng tựa trang nhất Le Monde. Chuyến đi của tân tổng thống Pháp đã được giữ bí mật cho đến phút chót. Tổng thống Pháp đã tới một căn cứ quân sự nằm ở phía bắc Kaboul, nơi đồn trú của 2/3 lực lượng Pháp Pháp tại Afghanistan, cùng với các lãnh đạo bộ ngoại giao, quốc phòng, tổng tham mưu trưởng quân đội… Một mục đích chính của chuyến đi của tổng thống Pháp là để giải thích với các binh sĩ lý do của quyết định rút quân từ đây đến cuối năm nay 2012. Trong cuộc họp thượng đỉnh Nato ở Chicago vừa qua, ông F. Hollande đã tái khẳng định tính chất « bất di bất dịch » của cam kết rút quân sớm, đã được đưa ra trong chương trình tranh cử của ông.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.