Vào nội dung chính
PHÁP - ĐỨC

Tình hữu nghị Pháp – Đức đang trục trặc

Những giới hạn của quan hệ Pháp – Đức nhân dịp kỷ niệm « đám cưới vàng », các lý giải về kết cục đẫm máu của vụ bắt con tin tại Algeri và chiến sự tại Mali là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp.

Ảnh tư liệu : Ngày 22/01/1963, Tổng thống Pháp, Tướng de Gaulle, và Thủ tướng Đức Adenauer ký Hiệp ước Elysée.
Ảnh tư liệu : Ngày 22/01/1963, Tổng thống Pháp, Tướng de Gaulle, và Thủ tướng Đức Adenauer ký Hiệp ước Elysée. AFP/Archives
Quảng cáo

Tuyết rơi dày đặc trên khắp cả nước là chủ đề trên trang nhất hầu hết các nhật báo Pháp. Le Figaro ghi nhận : « Tuyết tràn ngập nước Pháp », « nước Pháp chuyển động chậm lại. Giao thông bị tắc nghẽn đáng kể trên các tuyến đường, cũng như tại các sân bay. Nhiều tai nạn chết người xảy ra trên các xa lộ ». La Libération ở trang trong thì đưa ra một cái nhìn hài hước « Nước Pháp ngập mũi trong tuyết bột », với hình ảnh một người trượt tuyết trên ngọn đồi Montmartre, nổi tiếng với thánh đường Sacré-Cœur.

Chủ đề lớn được nhiều báo quan tâm là dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp ước Pháp-Đức tại Elysée. Cách đây 50 năm, tổng thống Pháp Charles de Gaulle và thủ tướng Đức Konrad Adenauer đã ký một văn bản hiệp ước hợp tác quan trọng. Hôm nay và ngày mai, tổng thống François Hollande và thủ tướng Angela Merkel gặp nhau tại Berlin để kỷ niệm dịp này.

Đối với Le Figaro, không khí của cuộc gặp thượng đỉnh Pháp – Đức sẽ không có gì vui vẻ. Tờ báo chạy tựa lớn trên trang nhất : « Pháp – Đức, một tình hữu nghị bị trục trặc ». Dưới tựa đề « Paris – Berlin, một cuộc kỷ niệm 50 năm quan hệ, còn sau đó… », xã luận Le Figaro nhận định : « Vào thời điểm cả lục địa Châu Âu chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II, Paris và Berlin vẫn trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Quyết tâm của thủ tướng Đức thúc đẩy nền kinh tế Châu Âu, buộc Châu Âu phải chấp nhận các quy tắc kỷ luật ngân sách cơ bản, đã gây nhiều bất bình và làm sống dậy một tình cảm chống Đức âm thầm. » Le Figaro nhấn mạnh : « Không, nước Đức không tìm cách đè bẹp các nước láng giềng. Và nước Pháp không cần phải khuôn theo chính sách của các nhà kinh tế Đức. Chỉ cần mỗi bên thực hiện các nghĩa vụ của mình (…). Nếu chúng ta thực hiện các nghĩa vụ của mình, chúng ta sẽ có được các lập luận tốt nhất để thuyết phục các đối tác của chúng ta. Chúng ta sẽ ít đơn độc hơn tại Mali, nếu có được một sự liên đới tối thiểu trong mối quan hệ trụ cột này của Châu Âu ». Xã luận Le Figaro kết luận : « tình hữu nghị Pháp-Đức không nên dừng lại ở các nghi thức kỷ niệm, được dùng làm vỏ bọc để che đậy những mâu thuẫn nhỏ nhen, bị tích tụ ngày càng nhiều ».

Cũng trong hồ sơ Pháp – Đức, Le Figaro còn có các bài “Hiệp ước Elysée, một sản phẩm chưa hoàn thiện”, bài phát biểu của cựu bộ trưởng các sự vụ châu Âu Pháp « Bruno Le Maire : Cần xây dựng các cơ sở cho một quan hệ mới » hay bài phỏng vấn cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroder.

Về quan hệ hữu nghị Pháp-Đức với tuổi đời nửa thế kỷ, tờ báo kinh tế Les Echos có bài : « Cặp Pháp-Đức hay những giới hạn của dự án Châu Âu », với ghi nhận : 50 năm sau hiệp ước Elysée, Pháp và Đức không còn có thể « đảm đương nổi » Châu Âu, các bí quyết thành công của ngày hôm qua không còn có ích cho hiện tại nữa.

Les Echos nhấn mạnh : « Hiệp ước Elysée cách đây 50 năm, sẽ được kỷ niệm trọng thể vào ngày mai, trong cái nhìn của thế giới, là tiêu biểu cho sự thành công của Châu Âu. Nó là bằng chứng cho thấy một phần của lục địa này – các nước Tây Âu – đã vượt qua được một lịch sử đầy bi kịch và xung đột. » Tuy nhiên, Les Echos cũng lưu ý : « Mặc dù Liên hiệp Châu Âu đã tỏ ra khá mạnh để kháng cự lại được cuộc tấn công của giới đầu cơ nhắm vào đồng euro, nhưng toàn khối đã không đủ đoàn kết, quyết tâm hay trí tưởng tượng để biến cuộc trắc nghiệm kể trên thành điểm xuất phát mới cho việc xây dựng Châu Âu. Cái nghịch lý của cuộc kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Pháp – Đức là nó diễn ra trong một bối cảnh quốc tế, đang làm nổi bật cái hố ngăn cách giữa Pháp và Đức trên phương diện an ninh chung. Tờ báo kết luận, ngày hôm qua, nếu như hai nước Pháp-Đức đã từng là trụ cột của dự án xây dựng Châu Âu, hiện nay, thì ngược lại, bất chấp sự rầm rộ của cuộc kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị, quan hệ Pháp – Đức hiện nay cho thấy « những giới hạn của Châu Âu ».

Về quan hệ 50 năm Pháp – Đức, Le Monde có bài giới thiệu cuốn sách « Pháp – Đức, 50 năm sau hiệp ước Elysée » dày gần 1000 trang của Viện quan hệ quốc tế Pháp – IFRI với tựa đề mang một câu hỏi : « Cặp Berlin – Paris phải chăng đang trong cơn hấp hối ? ».

99 điều mà người Đức không hiểu được về người Pháp

Nhấn mạnh đến khoảng cách Pháp – Đức trong cuộc sống, Le Figaro có bài : « 99 điều mà một người Đức vẫn luôn không hiểu được về nước Pháp » của thông tín viên nhật báo Đức « Die Welt » tại Paris. Ví dụ đầu tiên mà thông tín viên người Đức nêu ra là « hào quang mang tính quân chủ của tổng thống Pháp », qua kinh nghiệm những lần được đón tiếp tại phủ Tổng thống, với những nghi thức vô cùng long trọng, vừa hấp dẫn, nhưng lại vừa hết sức xa lạ, so với hình ảnh một « nhà nước tối thiểu » ở Đức. Hay một ví dụ khác là việc các nghiệp đoàn với giới chủ ở Pháp rất hiếm khi thỏa hiệp được với nhau, ngược hẳn với việc giới chủ và các nghiệp đoàn Đức thường xuyên tìm ra thỏa hiệp. Cũng có thể nêu một ví dụ đời thường khác mà thông tín viên Đức thấy rất kỳ lạ là việc : Sữa dùng để chế với café-crème tại các quán Pháp thường quá sức nóng, mà theo cách giải thích của một người Pháp làm như vậy là để chống lại tập đoản cafe Starbucks và làn sóng « toàn cầu hóa »…

Dù sao, theo thông tín viên Đức, những nỗ lực tái hòa giải Pháp Đức trong hàng chục năm qua không phải là vô ích, theo một thăm dò dư luận, 85% người Đức « có thiện cảm » với người Pháp và 72% người Pháp có sự « tôn trọng » với người Đức.

Đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines : một điểm nóng trong căng thẳng tại Biển Đông

Liên quan đến châu Á, phụ san Le Monde có bài « Bắc Kinh và Manila, một cuộc đối đầu căng thẳng ». Bài viết điểm lại các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh khu vực giầu tài nguyên dầu khí tại Trường Sa, với đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng xung quanh bãi cạn Scarborough trong năm 2012.

Ngày 10/01/2013, ngoại trưởng Philippines khẳng định, các hành động gần đây của Trung Quốc là « rất nguy hiểm ». Đối đầu tại vùng biển Đông Nam Á với Trung Quốc còn có Việt Nam, Malaysia và tiểu quốc Brunei. Tại khu vực này, yêu sách chủ quyền biển của Trung Quốc – thường gọi là « đường lưỡi bò » bao trùm lên một khu vực chiếm 80% trữ lượng dầu mỏ, ước tính có khoảng 123 tỷ thùng.

Vì sao Algeri phải buộc phải dùng sức mạnh trong cuộc khủng hoảng con tin ?

Cuộc khủng hoảng con tin tại Algeri và chiến sự Mali là chủ đề lớn của hầu hết các báo. Hơn hai chục con tin bị giết và con số thiệt hại nhân mạng còn tiếp tục tăng thêm. Về chiến dịch can thiệp « giải cứu con tin » của chính quyền Algeri có nhiều đánh giá khác nhau. Vụ bắt con tin tại Algeri, đã kết thúc sau đợt tấn công của đặc nhiệm Algeri, với việc toàn bộ số con tin bị bộ phận còn lại của nhóm khủng bố hạ sát. Tờ l’Humanité có bài bình luận « Tại sao Alger buộc phải dùng sức mạnh ». Theo một tổng kết sơ bộ, cuộc khủng hoảng con tin tại tổ hợp khí đốt In-Amenas khiến ít nhất 50 con tin thiệt mạng, không kể 32 kẻ khủng bố bị tiêu diệt.

Việc chính quyền Algeri chọn cách tấn công để « giải cứu » các con tin trước đó, bị Luân Đôn và Tokyo chỉ trích quyết liệt. Anh và Nhật phê phán lực lượng đặc nhiệm Algeri đã hành động một cách tàn nhẫn và « thiếu tính chuyên nghiệp ».

Giải thích lý do của việc chính quyền Alger chọn giải pháp tấn công nhóm khủng bố thay vì thương thuyết, l’Humanité thuật lại các diễn biến chủ yếu của vụ việc. Trong khoảng thời gian từ khi nhóm khủng bố bắt giữ hơn 800 con tin, trong đó có gần 150 người ngoại quốc, vào sáng thứ Tư, đến khi đặc nhiệm Algeri tấn công vào trưa ngày thứ Bảy, chính quyền Algeri- qua trung gian của các chức sắc hồi giáo - đã thất bại trong việc thuyết phục nhóm bắt con tin đầu hàng. Trong khi đó, những kẻ khủng bố đã gài mìn nhà máy và sẵn sàng cho nổ tung.

L’Humanité nêu ra một số lý do chủ yếu khiến chính quyền Alger phải chọn giải pháp tấn công. Thứ nhất là, nhóm khủng bố nhất quyết không đầu hàng và muốn chạy sang Mali cùng các con tin và dự định mặc cả để các nước phải trả những cái giá rất cao, thì mới chịu thả các con tin. Một lý do khác nữa là : 5 hay 6 quốc gia có công dân bị bắt làm con tin gặp nhiều trở lực trong việc « phối hợp » hành động, và bên cạnh đó, chính quyền Algeri muốn hành xử mạnh như vậy để ngăn chặn các âm mưu khủng bố bắt con tin tương tự. Và cuối cùng là, do phản ứng của dân chúng, chính quyền không thể chấp nhận cho các lực lượng của Anh hay Mỹ tham gia vào cuộc giải cứu này.

Le Figaro thì cung cấp nhiều thông tin để hiểu thêm phía những kẻ tổ chức vụ bắt con tin tại Algeri qua bài « Algeri : casting gây ngạc nhiên của lực lượng hồi giáo cực đoan ». Trong số 3 kẻ khủng bố tham gia vào vụ bắt con tin vẫn còn đang lẩn trốn, có Abderrahman el-Nigiri, thủ lĩnh của nhóm khủng bố. Abderrahman el-Nigiri là một trong những tay chân thân cận của Mokhtar Belmokhtar, trùm khủng bố quốc tế có liên hệ với Al-Qaida. Ngày hôm qua, chính Mokhtar Belmokhtar đã đứng ra nhận trách nhiệm là tác giả của cuộc tấn công tổ hợp khí đốt Algeri qua một băng video.

Báo La Croix có bài « Bốn ngày bi thảm tại In-Amenas » với nhận định : « Việc bắt con tin tại tổ hợp khí đốt Algeri cho thấy sự độc ác của quân khủng bố và đánh dấu một bước ngoặt của cuộc chiến tại khu vực này ».

Cũng về vụ con tin Algeri, báo Libération có bài : « Ở Tigantourine, nước Pháp bị Algeri bắt làm con tin », với nhận định, để có được sự ủng hộ của chính quyền Algeri, Paris đã phải ủng hộ cuộc tấn công đẫm máu của lực lượng Algeri. Tuy nhiên, thái độ của các nước về cuộc giải cứu con tin đẫm máu tại Algeri đã thay đổi rất nhiều, trong khi mà chỉ mới hôm qua, chính quyền Alger vẫn còn bị phê phán kịch liệt vì hành động tàn nhẫn không đếm xỉa đến sinh mạng các con tin… Trong bài viết mang tựa đề « Các nhà ngoại giao bỏ qua cho chính quyền Alger », L’Humanité cho biết các nước liên quan vừa khẳng định quân khủng bố là những kẻ « duy nhất » phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát tại In-Amenas.

Tình trạng yếu kém của quân đội Mali đối diện với quân khủng bố

Về chiến sự tại Mali, báo Libération chạy trên trang nhất hàng tựa « Tình trạng gây báo động của quân đội Mali », với phóng sự cho thấy thực trạng yếu kém của quân đội Mali đối mặt với quân khủng bố. Bị chia rẽ, thiếu trang thiết bị và không quen chiến đấu, các lực lượng quân sự Mali đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của Pháp mới tránh khỏi thảm bại. Trong khi đó, lực lượng liên quân các nước Tây Phi đang chuẩn bị tham chiến thì lại không có phương tiện.

Trong bài viết « Các nước Tây Phi chuẩn bị chiến đấu những không có phương tiện », Libération cho hay, từ nhiều tháng nay, bên lề Liên hiệp quốc, « một cuộc chiến âm thầm » diễn ra giữa Pháp và Mỹ. Lập trường của Hoa Kỳ là Liên hiệp quốc không tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Mali.

Cho đến trước khi tiến hành can thiệp, Pháp vẫn dự định để các lực lượng Tây Phi ở tuyến đầu cùng với quân đội Mali, và chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Các diễn biến bất ngờ trên thực địa đã khiến Pháp phải có quyết định khác. Tuy nhiên, với biến cố mới đây do vụ bắt con tin kinh hoàng tại Algeri, mức độ ủng hộ quốc tế cho can thiệp tại Mali có thể thay đổi. Theo một chuyên gia, « mối đe dọa khủng bố, mà Pháp nói đến từ nhiều tháng, nay đã trở thành hiện thực. Kể từ đây, tất cả mọi người hết sức chú ý đến Tây Phi ».

Cũng về cuộc chiến Mali, báo Le Monde quan tâm dưới góc nhìn khác. « Mali : cánh hữu tấn công (tổng thống) Hollande » là hàng tựa chính trên trang nhất. Le Monde bình luận, « sự đoàn kết thiêng liêng (giữa chính phủ và đối lập) » không kéo dài lâu, trong khi quân đội Pháp chặn được bước tiến của lực lượng hồi giáo cực đoan hướng về thủ đô Mali, thì trong nước đối lập cánh hữu liên tục có tiếng nói chống lại quyết định can thiệp quân sự của tổng thống Pháp. Về chủ đề này, Le Figaro có bài : « Can thiệp quân sự tại Mali : đồng thuận chính trị rạn nứt » với nhận xét, nhiều tiếng nói chỉ trích, cất lên từ cả phái hữu và phái tả, phê phán sự thiếu chuẩn bị của chính phủ Pháp trong chiến dịch can thiệp tại Mali.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.