Vào nội dung chính
PHÁP

Pháp : Ranh giới mới giữa công và tư

Mối tình bí mật Hollande-Gayet từ khi bị tờ báo lá cải Closer tiết lộ cho đến nay đã đúng một tuần lễ nhưng bộ phim nhiều tập này vẫn thu hút sự quan tâm của các nhật báo Pháp. Báo Libération dành 7 trang cho vụ việc. Tờ báo nêu bật vấn đề về ranh giới mới giữa công và tư trong đời sống của các lãnh đạo Pháp.

Sau một tuần, quan hệ "bí mật" Hollande-Gayet vẫn thu hút sự quan tâm của báo chí - Reuters
Sau một tuần, quan hệ "bí mật" Hollande-Gayet vẫn thu hút sự quan tâm của báo chí - Reuters
Quảng cáo

Bài xã luận Libération nhận định chuyện tình riêng tư giữa Tổng thống François Hollande và nữ diễn viên Julie Gayet đã nhanh chóng trở thành chuyện ‘‘quốc sự’’ với ít nhất là hai lý do. Thứ nhất là vì Tổng thống Hollande đã cấp chức hiệu đệ nhất phu nhân cho Valérie Trierweiller, với văn phòng và các cố vấn tại điện Elysée và cặp này cũng đã dàn dựng cuôc đời của họ trên báo chí. Thứ hai là vì Tổng thống Hollande cũng từng công kích những hành động sai lầm của cựu Tổng thống Sarkozy và ông Hollande cam kết sẽ mang lại một hình ảnh khác trong cương vị Tổng thống.

Thế nhưng, không chỉ có tờ Libération chạy tựa trên trang nhất về chủ đề này. Báo Le Monde ghi nhận rằng : « Toàn bộ các tạp chí trong tuần cũng ráo riết khai thác hồ sơ Hollande-Gayet ». Tạp chí L’Express bàn về chủ đề « Hollande và những người vợ », trong khi tạp chí Le Point thì giễu cợt « Điều đó làm phiền tôi ». Báo Le Monde còn thông tin thêm là « tạp chí Elle và Paris Match đã xuất bản sớm hơn dự kiến để tận dụng đề tài nóng hổi này. Đối với một tờ tạp chí đang gặp khủng hoảng thì khó mà bỏ qua cơ hội hiếm có này để bán báo ».

Ngoài ra, báo Libération còn nhận thấy đời sống riêng tư của các chính trị gia ngày càng ít được bảo vệ hơn tại Pháp. Đồng thời, tờ báo nhìn sang các quốc gia khác như Hoa Kỳ, đời tư của ông Obama được bảo mật tốt nhưng đương nhiên, thông tin cũng có thể bị rò rỉ một ngày nào đó. Lúc đó, thì nguy cơ mà các chính khách Mỹ phải hứng chịu là vô cùng nghiêm trọng. Ví dụ vào năm 1987, báo chí tiết lộ ứng cử viên đảng Dân chủ cho chiếc ghế Tổng thống, Gary Hart có tình nhân. Tiết lộ này đã phá hỏng kỳ tranh cử của ông. Nếu báo chí Mỹ phát hiện các bê bối đời tư của các lãnh đạo thì các phóng viên nhà báo không chỉ đặt ra vài câu hỏi khó xử như tại Paris.

Nhìn sang nước Anh, đời sống cá nhân của các lãnh đạo Anh không phải là chuyện tư. Giả như nước này biết được Thủ tướng David Cameron ngoại tình thì sự nghiệp chính trị của ông sẽ chấm dứt. Từ đó, thông tín viên của tờ báo tại Luân Đôn đặt câu hỏi : liệu hành vi riêng tư của một cá nhân phản ánh cách ứng xử khi xuất hiện trước công chúng ? Nói rõ hơn là liệu một chính khách lừa dối, che giấu đời tư cũng có khả năng hành xử như vậy đối với các cử tri của mình ?

Còn tại Đức, đời sống cá nhân chỉ làm người khác quan tâm khi nó bị xem là gây sốc và nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Do đó, người Đức khá thờ ơ trước những tình tiết vụn vặt của các nhà lãnh đạo nước này.

Bắc Kinh bị lên án đã bắt giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ

Liên quan đến thời sự tại Châu Á, cảnh sát Trung Quốc vừa bắt giữ giáo sư Ilham Tohti người Duy Ngô Nhĩ hôm thứ Tư vừa qua tại Bắc Kinh. Thông tín viên báo Libération tại Bắc Kinh tường thuật lại sự việc này. Phương Tây đã lên án gay gắt hành động của Bắc Kinh được cho là bắt giữ người tùy tiện, một hiện tượng rất phổ biến tại Hoa Lục.

Theo tờ báo, vị giáo sư kinh tế này thường được xem là phát ngôn viên duy nhất của tộc người thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ và theo Hồi giáo tại Trung Quốc. Bị câu lưu tại tư gia, ông đã bị áp tải đến một nơi xa lạ một cách bạo lực, cùng với 6 sinh viên của ông.

Một quan chức Trung Quốc cho biết, « ông Tohti bị nghi ngờ phạm pháp ». Đại sứ Liên Hiệp Châu Âu, nhà ngoại giao Đức Markus Ederer kêu gọi « chính quyền Trung Quốc xử lý ông Tohti theo pháp luật hiện hành, phải thông báo cho gia đình ông biết nơi giam giữ và làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao bắt ông Tohti. Và nếu ông vô tội thì phải thả ông ngay ».

Thông tín viên báo Libération còn cho biết, tư gia của ông Tohti bị nhiều cảnh sát mặc thường phục canh phòng nghiêm ngặt để tránh cho vợ và hai con ông có thể ra ngoài hay liên lạc với nhà báo. Ông Tohti đã từng bị một nhóm cảnh sát mặc thường phục đe dọa giết ông vào tháng 11.

Ông thuật lại trong lúc đang lái xe chở gia đình thì xe của ông bị một toán cảnh sát truy đuổi. Họ nói : « Mày tưởng mày là ai chứ, chúng tao có thể giết mày trong một vụ tai nạn. Chúng tao muốn giết mày và cả gia đình ». Các vụ đụng độ giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Trung Quốc thường ít được báo chính chính thức nêu lên.

Báo chí lại càng ít đề cập đến sự phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ, nhằm lên án chính sách đồng hóa của Trung Quốc. Báo giới Trung Quốc luôn ca bài người Duy Ngô Nhĩ hạnh phúc đón tiếp người di cư Trung Hoa, người đã mang lại văn minh và phồn thịnh cho họ. Khi mà những vụ bạo động được công bố truớc công chúng như vụ tấn công tại quảng trường Thiên An Môn hồi tháng 10 vừa qua thì Bắc Kinh gọi đây là « khủng bố và Hồi giáo cực đoan ».

Ukraina thông qua luật trấn áp nhằm dập tắt làn sóng công kích

Sau khi đối mặt với một làn sóng công kích của người dân Ukraina trong một thời gian dài, đòi xích lại gần với Châu Âu, giờ đây, chính phủ của ông Ianoukovich đã tìm ra biện pháp để trấn áp đối lập.

Đó là Nghị viện đã thông qua các đạo luật trấn áp, quy định quyền biểu tình và quyền tác nghiệp của giới báo chí nghiêm ngặt hơn. Nhật báo Le Monde và Le Figaro đều có bài viết về chủ đề này. Tờ Le Figaro đăng bài viết đề tựa : « Siết chặt độc tài tại Ukraina » cùng với ảnh người dân bị dán băng bịt miệng.

Đồng thời, bài viết trên tờ Le Monde đăng bức ảnh một dân biểu tay bê bết máu tại Nghị viện kèm theo chú thích, một nghị sĩ ủng hộ chính phủ bị thương trong buổi họp. Ukraina càng ngày càng xa cách với Châu Âu. Từ khi từ chối ký hiệp định liên kết với Châu Âu vào tháng 11/2013 vừa qua, các lãnh đạo Ukraina đã vội vã thông qua một số đạo luật nhằm trấn áp làn sống chống đối vào thứ 5 (16/01/2014).

Các đạo luật này sẽ được Tổng thống Ianoukovich ký kết trong những ngày tới. Tờ báo miêu tả, buổi họp được diễn ra trong không khí vô cùng căng thẳng và như một cuộc chiến. Quy trình bỏ phiếu được diễn ra bằng cách giơ tay và không được đếm một cách nghiêm túc. Phe đối lập chỉ trích đây là một hình thức cưỡng bức bất hợp pháp và chuyển sang « chế độ độc tài ».

Hoa Kỳ, bất bình đẳng lại gia tăng

Phụ trang kinh tế báo Le Figaro hôm nay có bài viết đề tựa : « Tại Hoa Kỳ, bất bình đẳng gia tăng ». Theo đó, nước Mỹ là quốc gia bất bình đẳng nhất trong các quốc gia phát triển. Thống kê cho thấy trong ba năm liên tục, tỷ lệ nghèo đói vẫn nằm trên mức 15%. Nước Mỹ chưa bao giờ có kết quả như vậy từ năm 1965.

Thu nhập trung bình đã giảm 4,4% từ năm 2009, năm mà tăng trưởng trở lại. Đối với người da đen, con số này là 11%. Tổng thống Obama từ lúc lên cầm quyền vẫn chưa thể ca ngợi được thành quả của mình khi mà người cùng chung sắc tộc với ông vẫn còn trong cảnh nghèo.

Để giảm nghèo đói, giải pháp của Tổng thống Obama đặc biệt nhắm vào khôi phục lại mức lương tối thiểu và đánh thuế người giàu. Thế nhưng, theo ông Marco Rubio, nghị sĩ đảng Cộng hòa thì khi các giá trị gia đình đi xuống, đặc biệt là kết hôn thì chính là yếu tố làm gia tăng những bất bình đẳng. Ông phát biểu : « Sự thật là để giải thoát gia đình con cái ra khỏi cái nghèo, giải pháp tốt nhất không phải là một chương trình quốc gia mà là việc kết hôn ». Ông nêu ra, 71% các hộ nghèo tại Mỹ là những gia đình đơn độc.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Báo chí ngày cuối tuần đề cập khá nhiều đến thời sự tại Pháp và tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn ở Châu Phi. Nhật báo Le Monde quan tâm đến hồ sơ ‘‘trợ tử’’, giúp người khác được quyền chết một cách bình an, đang gây tranh cãi trong xã hội Pháp. Nhật báo thiên hữu Le Figaro quan ngại trước tình trạng tiêu thụ cần sa của thanh thiếu niên Pháp, qua một bài phóng sự thực hiện tại các trường trung học cấp ba.

Về tình hình Trung Phi, tờ báo này đăng ảnh chụp người dân Trung Phi chìm trong bạo lực, trong cuộc chiến giữa người Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Nhật báo Aujourd’hui en France ghi nhận ngày càng có nhiều thanh niên Pháp muốn gia nhập các binh sĩ Hồi giáo tại Syria chống lại chế độ Bachar al-Assad.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.