Vào nội dung chính
ANH QUỐC

Sáng lập viên WikiLeaks vẫn ngồi tù tại Luân Đôn

Chiều hôm qua, 14/12/2010, toà án Luân Đôn đã ra quyết định cho phép trả tự do có điều kiện cho Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, bị tư pháp Thụy Điển truy tố vì tội danh cưỡng hiếp. Tuy nhiên, chỉ hai tiếng đồng hồ sau, Thụy Điển đã kiến nghị tòa án Anh xem xét lại quyết định này khiến ông Assange tiếp tục bị giam.

Biểu tình ủng hộ người sáng lập Wikileaks, Julian Assange, trước toà án  Westminter, Luân Đôn, ngày 14/12/2010.
Biểu tình ủng hộ người sáng lập Wikileaks, Julian Assange, trước toà án Westminter, Luân Đôn, ngày 14/12/2010. Reuters
Quảng cáo

Việc Thụy Điển phản đối quyết định bảo lãnh tại ngoại của tòa án Anh khiến người sáng lập Wikileaks sẽ tiếp tục bị giam giữ thêm ít nhất là trong hai ngày nữa. Thông tín viên Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn :

« Như vậy, Julian Assange mới chỉ giành được một nửa thắng lợi, vì ông vẫn tiếp tục bị giam giữ, ít nhất trong vòng 48 giờ nữa, trong khi chờ đợi tòa án Anh xem xét kiến nghị phúc thẩm của chính quyền Thụy Điển.
Nếu như kiến nghị này bị bác bỏ, người sáng lập WikiLeaks sẽ được trả tự do, với các điều kiện ngặt nghèo. Trước hết, Julian Assange phải đóng 235 000 euro tiền bảo lãnh; suốt trong thời gian ở bên ngoài, ông sẽ phải mang một chiếc vòng định vị điện tử, trình diện tại trụ sở cảnh sát hàng ngày vào buổi tối và phải lưu trú tại một địa chỉ cố định thuộc vùng Suffolk.

Trong lá đơn đầu tiên xin được bảo lãnh tại ngoại, công dân Úc 39 tuổi này chỉ cung cấp cho tòa án một địa chỉ tại Úc. Điều đó khiến cho tòa bác bỏ việc cho phép ông tại ngoại hầu tra, vì lo ngại khả năng bị cáo chạy trốn. Tuy nhiên, lần kiến nghị này, Julian Assange đã được một nhóm luật sư hỗ trợ. Trên thực tế, chủ nhân WikiLeaks nhận được sự trợ giúp của một luật sư tài danh, ông Geoffrey Robertson, người đã từng bảo vệ nhà văn Salman Rusdhie.

Thêm vào đó, Julian Assange đã cung cấp cho toà địa chỉ liên lạc tại Anh của Vaughn Smith, người sáng lập một câu lạc bộ các nhà báo. Chính tại nhà của ông Smith, nếu được cho phép tại ngoại, ông Julien Assange sẽ trú chân cho đến ngày 11/1/2011 tới.

Việc người sáng lập WikiLeaks một lần nữa ra trình diện trước tòa án Westminster đã thu hút hàng đoàn phóng viên, đồng thời rất nhiều người hâm mộ đã tới nơi để ủng hộ ông. Trong phiên xử, luật sư bảo vệ Julian Assange lên tiếng tố cáo « mưu đồ chính trị » ẩn đằng sau vụ kiện, được khởi sự tại Thụy Điển, mà mục tiêu thực sự, theo phía luật sư, là nhằm để bịt miệng Wikileaks. »

Cho đến sáng nay, mới chỉ có khoảng một nửa số tiền bảo lãnh kể trên được tập hợp. Ngày hôm qua, nhà điện ảnh Mỹ Michael Moore cho biết đã tặng người sáng lập Wikileaks 20.000 đô la và dùng trang mạng và proxy của mình để giúp Wikileaks tiếp tục phổ biến các thông tin. Một số nhà điện ảnh nổi tiếng khác như ông Ken Loach, người Anh, ông John Pilger, người Úc, cũng muốn tham gia vào khoản bảo lãnh kể trên.

Cũng ngày hôm nay, ông Mark Stephens, một trong các luật sư của ông Julien Assange đã phàn nàn về việc không được tạo điều kiện thuận lợi để bàn bạc và nhận các yêu cầu từ phía thân chủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.