Vào nội dung chính
Ý - NATO - CHIẾN TRANH LIBYA

Ý nỗ lực thúc đẩy phương án đưa NATO lên chỉ huy chiến dịch Libya

Chỉ hai ngày sau khi Pháp, Anh và Mỹ khởi động chiến dịch không kích tại Libya, giới lãnh đạo Ý đã liên tục kêu gọi liên quân trao quyền chỉ huy cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Hành động của Ý đã gây ra một sự căng thẳng nhất định với Pháp, nước đi đầu trong chiến dịch chống chế độ Kadhafi, và muốn duy trì vai trò chủ đạo của mình. 

Người phát ngôn của NATO, Oana Lungescu (giữa) và chuyên gia quân sự Canada, tướng Pierre Saint Amand (trái) và chuyên gia Ý, tướng Massimo Panizzi (phải), trong một thông cáo báo chí về cuộc chiến Libya, Brussels,  23/03/2011.
Người phát ngôn của NATO, Oana Lungescu (giữa) và chuyên gia quân sự Canada, tướng Pierre Saint Amand (trái) và chuyên gia Ý, tướng Massimo Panizzi (phải), trong một thông cáo báo chí về cuộc chiến Libya, Brussels, 23/03/2011. REUTERS/Thierry Roge
Quảng cáo

Đối với Thông tín viên Huê Đăng tại Rôma, muốn hiểu rõ những nguyên nhân, vì sao căng thẳng nảy sinh giữa Ý và Pháp trong những ngày qua, cần phải chú ý đến các khác biệt giữa hai chính phủ về cách đánh giá vấn đề Libya.

08:55

Thông tín viên Huê Đăng (Roma)

Có một điểm chung mà tất cả các chính phủ Châu Âu đều đồng thuận : đó là những gì xẩy ra ở Libya sẽ trực tiếp ảnh hưởng mạnh đến Châu Âu, khác với những “mặt trận” trước đây như ở Irak hay ở Afghanistan. Bởi vì Libya nằm ngay trên bờ biển Địa Trung Hải, là “láng giềng hàng xóm” của Châu Âu, một đám cháy xẩy ra ở Libya tất nhiên nhanh chóng sẽ cháy lan đến Châu Âu, và có thể sẽ biến thành ngòi nổ cho những sự cố chính trị, quân sự không dễ kiểm soát ngay trên lãnh thổ Châu Âu. Chính vì thế mà Châu Âu rất quan ngại.

Nhưng bên cạnh quan điểm chung vừa nói, mỗi chính phủ Châu Âu đều có những “quá khứ” riêng biệt đối với Libya, và những quá khứ đó cũng đã khiến mỗi chính phủ Châu Âu có những mục tiêu thầm kín riêng tư không dễ nói trắng ra trước công luận.

Một bên là một Sarkozy của Pháp hùng hổ, phùng mang trợn mắt, đòi đơn phương oanh tạc Libya, bởi vì Pháp muốn “gột rửa” những vết tì nhơ, mà trước đây Pháp đã vướng phải trong quá trình ủng hộ thế đứng chính trị của một Mubarak ở Ai Cập hay một Ben Ali ở Tunisia, đi ngược lại làn sóng quần chúng đòi dân chủ đang ồ ạt diễn ra ở Bắc Phi. Thậm chí Pháp là quốc gia đầu tiên nhìn nhận các lực lượng phiến loạn chống lại chính phủ Tripoli như đối tác chính trị ở Libya, Pháp muốn minh chứng cho những người Phi Châu thấy là, Pháp vẫn luôn luôn kiên cường đeo đuổi các khái niệm cao cả là tự do, dân chủ và bình đẳng.

Bên cạnh đó, thì lại có một Berlusconi của Ý, vốn đã đầu tư gần như toàn bộ gia tài chính trị (và kinh tế) vào quan hệ hữu nghị song phương với chế độ Kadhafi, đã dày công thiết lập một quan hệ đặc biệt đối với Tripoli, mà điển hình là thoả hiệp song phương ký kết hồi năm 2008 - qua đó Ý chính thức xin lỗi Libya về quá khứ thực dân và đồng ý bồi thường thiệt hại cho Tripoli 5 tỉ Euro - và với những cuộc tiếp rước nghinh đón trọng thể nhân vật Kadhafi trong những chuyến công du sang Ý hồi năm ngoái.

Quan điểm thân thiện với Libya cũng bắt nguồn từ quyền lợi quốc gia của nước Ý, nhưng đã bị Berlusconi làm “biến tướng”. 

Thực ra bình tâm mà nói, quan hệ đặc biệt với Tripoli không phải chỉ là một mục tiêu cá nhân riêng tư của Berlusconi, mà đó là chính sách gìn giữ tốt đẹp quan hệ hữu nghị với Libya của tất cả các chính phủ Ý từ trước đến nay, tả cũng như hữu. Điều này cũng rất dễ hiểu : Libya xưa kia vốn là thuộc địa của Ý, giữa hai nước đã có những trao đổi kinh tế thương mãi rất lớn, Ý là đối tác kinh tế thương mãi thứ nhất của Tripoli.

Trong quan hệ đặc biệt với Libya, vốn là quốc gia xuất khẩu dầu khí, Ý cũng đã đầu tư rất nhiều trong lãnh vực khai thác dầu khí để bảo đảm cho Ý một tuyến đường cung cấp năng lượng, mà Ý phải nhập gần như toàn bộ.

Bên cạnh những yếu tố vừa kể, về địa dư mà nói thì Ý lại là điểm tiếp cận gần nhất cho những làn sóng từ Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp vào Châu Âu, mà hầu như tất cả các cuộc vượt biển này đều xuất phát ở các vùng ven biển của Libya, do đó Ý cũng phải tìm cách cẩn thận khéo léo tìm ra những chính sách hợp tác của Tripoli để ngăn chận làn sóng nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ Ý.

Có điều là trong việc gìn giữ quan hệ tốt với Libya, đến thời Berlusconi, thì chính sách hữu nghị song phương nói trên lại “tăng tốc” và thậm chí “biến tướng” thành một quan hệ đặc biệt của cặp Kadhafii-Berlusconi với những màn tâng bốc nịnh hót, thậm chí đến màn hun tay hun chân của Berlusconi trước một Kadhafi tự cao tự đại hay những truyền tụng về những màn ăn chơi "bunga bunga" mà Berlusconi đã hãnh diện kể lể khi đến thăm Kadhafi ở Tripoli.

Quan hệ đặc biệt nói trên của Ý với Libya vốn xưa nay không mấy được các đồng minh Tây Âu tán thành, một phần vì các đồng minh Tây Âu cũng không muốn diễn lại những tấn kịch lố bịch của Berlusconi, một phần cũng ganh tị với những quan hệ hữu nghị song phương mà Roma có với Tripoli, cho nên khi xẩy ra những cuộc phiến loạn ở Libya thì các đồng minh Tây Âu, nhất là Pháp, muốn lấy thời cơ xoá bỏ toàn bộ các quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Roma và Tripoli.

Với quyết định thiết lập vùng cấm bay ở Tripoli, phe liên minh Tây Âu đã trực tiếp tham chiến bằng không quân với danh nghĩa “nhân đạo”, nhằm tránh các cuộc thảm sát người dân vô tội của quân đội của Kadhafi ở các vùng do quân phiến loạn kiểm soát. Về phía Ý, chính phủ Roma đã cung cấp toàn bộ 7 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ý, để từ đó các phi cơ của không quân liên minh cất cánh đi oanh tạc Libya. Cho đến nay, không quân của Ý chỉ nhận được chỉ thị đánh bom để phá huỷ các căn cứ radar của Tripoli chứ không oanh tạc lên quân đội của Libya.

Phải chăng Ý muốn tranh thủ vị trí địa dư thiết yếu của mình trong chiến dịch không kích Libya để lấy lại một chỗ đứng quan trọng hơn trên trường quốc tế ?

Có thể nói là trong quyết định tham chiến hiện nay ở Libya, với 7 căn cứ quân sự được đưa vào sử dụng, Ý đã trở lại thành “hàng không mẫu hạm thiên nhiên” của phe đồng minh Tây Âu, một hình ảnh lịch sử mà Ý đã có trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Chính phủ Ý cũng mong muốn rằng với tư thế “hàng không mẫu hạm thiên nhiên” nói trên, Ý sẽ khôi phục ít nhiều lại tầm vóc chính trị của mình trên sân khấu quốc tế, vốn đã bị lu mờ kể từ sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt.

Có điều đáng nói là, cũng như trong quá khứ, chính phủ Ý lúc nào cũng đi nước cờ hàng đôi : một mặt thì “vui vẻ” tham gia liên minh quân sự Châu Âu để tấn công Libya, mặt khác thì Berlusconi vẫn tuyên bố rằng rất đau lòng cho Kaddafi. Kiểu như vừa đánh vừa khóc !

Đánh, bởi vì nếu ở Libya trong tương lai, có một chính phủ mới... thì Roma vẫn có thể đàng hoàng ngồi vào bàn để cũng các đồng minh Tây Âu khác chia... chiến lợi phẩm và không phải nuối tiếc chi một tên đồ tể như Kadhafi.

Khóc, bởi vì nếu rủi... vì một thế cờ chính trị nào đó, mà Kadhafi không hoàn toàn vĩnh viễn ra đi... thì chính phủ Ý vẫn có thể muối mặt mà nói rằng... nào đã có bao giờ quên bè bạn cũ... Và nhất là riêng cá nhân Berlusconi, vẫn hy vọng sẽ không phải mất hết cả vốn liếng đã đầu tư lên một tên đồ tể như Kadhafi ...

 Và biết đâu Berlusconi lại sẽ có dịp trở lại Tripoli để cùng với Kadhafi "bunga bunga" như thời vàng son thuở nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.