Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Bạo động tại Anh : hồi chuông cảnh báo.

Nhìn chung, các trang báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến vụ bạo loạn tại Tottenham, Anh Quốc. Theo nhiều nhà xã luận của Pháp, bùng nổ xã hội đang lan truyền tại Anh minh chứng sự thất bại của chủ nghĩa siêu tự do. Nó gióng lên hồi chuông cảnh báo tất cả các nước mà hố ngăn cách giàu và nghèo không ngừng tăng.

Xe hơi bị đốt cháy  trên đường phố ở Luân Đôn, ngày 09/08/2011
Xe hơi bị đốt cháy trên đường phố ở Luân Đôn, ngày 09/08/2011 REUTERS/Luke MacGregor
Quảng cáo

Nhà bình luận của nhật báo Le Figaro, Ông Pierre Rousselin nhận rằng : « Nếu các cuộc bạo động đang phá hủy các khu phố nghèo tại Luân Đôn, thì điều này cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác ở Châu Âu. Đây cũng là bản sao của những vụ bạo động xảy ra cách đây 5 năm ở các vùng ngoại ô của chúng ta, khi mà khắp nơi đang chỉ trích mô hình hội nhập Pháp ».

Ông cho rằng, ngăn cách xã hội chính là vùng đất màu mỡ cho các vụ bạo động. Ông viết : « Các khu ngoại ô nghèo của các thành phố lớn là một vùng đất màu mỡ cho sự bùng phát xã hội, đặ biệt trong giai đoạn khủng hoảng, cắt giảm ngân sách và thất nghiệp tăng ».

Quan điểm này cũng được bình luận gia François Sergent đồng chia sẻ trên Libération. Ông nói : « Các vụ bạo động đưa ra một báo động nghiệm trọng không những cho Anh quốc mà cho tất cả các xã hội phương Tây đa chủng tộc và bất bình đẳng […] Cũng giống như tại Pháp, các cuộc nổi dậy bạo lực, giờ đang tràn khắp nước Anh, cho thấy trước tiên sự thất vọng và phẩn nộ của một cộng đồng cảm thấy bị gạt ra ngoài và sống bên lề xã hội ».

Bài xã luận của ông Dominique Quinio trên nhật báo Công giáo La Croix còn nhấn mạnh rằng : « Chính phủ của ông David Cameron đang đối diện với một thách thức nặng nề, khi mà các chính sách kinh tế của ông thì hạn hẹp và chính sách thắt lưng buộc bụng của ông dẫn đến việc phải cắt giảm các khoản chi phí cho xã hội. ». Một câu hỏi được đặt ra cho tất cả các nước mà nạn bạo động đang gia tăng được nhìn thấy một cách hiển nhiên và đầy khiêu khích, và nơi mà khoảng cách giữa một thiểu số người được ưu đãi và những người dân bị bỏ rơi trên phương diện xã hội và văn hóa ». Cuối cùng, ông cũng tự hỏi « Làm thế nào mà có thể so sánh điều này với những gì đang diễn ra trong những ngày qua trên các sàn chứng khoán ?»

Cuộc chiến tranh du kích điện tử

Cũng liên quan đến vụ bạo động tại Anh, nhật báo Kinh tế Les Echos quan tâm đến vai trò quan trọng của hộp thư điện tử BlackBerry. Việc này đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận. Les Echos cho biết, Nghị sĩ Anh David Lammy đã kêu gọi đình chỉ hoạt động của hộp thư điện tử BlackBerry Messenger (BBM), một trong những dịch vụ thông dụng nhất của hiệu điện thoại di động.

Ông cho rằng : « BBM chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các cảnh sát vốn được trang bị kỹ, gặp thất bại trước các tên tội phạm ít kinh nghiệm ».

Theo Les Echos, những kẻ gây bạo động đã dùng các loại điện thoại thông minh (smartphones) do tập đoàn Canada RIM sản xuất để phối hợp với nhau, thông qua máy chủ BBM của chính tập đoàn.

Vấn đề là, không như các trang mạng xã hội khác như Facebook hay Twitter, do loại dịch vụ này được mã hóa, nên cảnh sát không thể nào biết được chuyện gì đang diễn ra.

Trước đó, Ả Rập Xê Út và Ấn Độ, đã từng đe dọa cấm tập đoàn RIM với lý do là dịch vụ này tạo điều kiện cho các âm mưu khủng bố.

Lần này, RIM cho thấy thiện chí khi tuyên bố sẽ hợp tác với cảnh sát. Vấn đề là để biết nội dung các thông điệp,  RIM phải mở các máy chủ, và cần phải có sự hợp tác của các nhà cung cấp Internet.

Cũng chẳng phải đợi lâu, một nhóm tin tặc đã làm biến dạng các blog chính thức của BBM bằng cách đăng một thông điệp trên trang chủ, đe dọa sẽ truy cập vào các cơ sở dữ liệu của BBM chứa các thông tin cá nhân của các nhân viên. Họ sẽ cho công bố và chuyển các thông tin này đến những kẻ gây bạo động.

Les Echos kết luận một mặt trận mới lại mở ra cho cảnh sát Anh : đối phó với chiến tranh du kích điện tử !

Chiến tranh Việt Nam : Chất độc màu da cam, một vũ khí hủy diệt bền vững

Liên quan đến Việt Nam, trên trang Lịch sử, nhật báo Cộng sản L’humanité hôm nay có bài viết « Chiến tranh Việt Nam : Chất độc mà da cam, một vũ khí hủy diệt bền vững ». Bài báo cho biết, dù chiến tranh đã kết thúc, nhưng hậu quả của nó vẫn còn nặng nề. Nhiều thế hệ trẻ em sinh ra với những vết sẹo tội ác chiến tranh của Mỹ.

Trong vòng có 10 năm từ năm 1961 đến 1971, Mỹ đã rải tổng cộng 80 triệu lít chất độc màu da cam, trên một diện tích rộng 2.500.000 hec-ta, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là đuổi các chiến sĩ ra khỏi rừng rậm, cắt đường mòn Hồ Chí Minh, con đường vận chuyển lương thực, đạn dược và thuốc men. Đồng thời, hành động này cũng nhằm truy bức dân làng vào các « khu chiến lược ».

Kết quả là hàng chục ngàn người chết tại chỗ. Từ 2 đến 4 triệu người sống sót, nhưng thường xuyên có biểu hiện các bệnh lý trầm trọng như ung thư, bệnh bạch cầu, tiểu đường, rối loạn thần kinh, bệnh về da v.v… Những người bị nhiễm độc còn sinh ra những đứa trẻ tật nguyền (thiếu hay teo tay chân, mù, trì năng tâm thần, phát triển bị rối loạn dẫn đến đời sống thực vật…). Đôi khi, đời cháu cũng bị ảnh hưởng mà cho đến giờ các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được cơ chế lây truyền.

Theo L’Humanité, hậu quả của vụ thải chất độc da cam này là một gánh nặng khổng lồ cho Việt Nam. Chính quyền Mỹ và các tập đoàn sản xuất hóa chất phủi trách nhiệm. Và các nạn nhân cũng chỉ biết dựa vào các hiệp hội để tìm công lý.

Gần đây, chính phủ Mỹ đã thay đổi một phần thái độ, từ việc phủ nhận hoàn toàn sang xem xét nhân đạo. Trong một bản báo cáo năm 2009 ở Quốc hội Mỹ về vấn đề « Nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam và mối quan hệ Mỹ - Việt », tác giả đề nghị thông qua một kế hoạch trợ giúp nhiều năm như là một trong những biện pháp nhằm cải thiện hình ảnh của Mỹ tại Châu Á.

Bài báo cũng cho biết thêm một Nhóm Đối thoại Mỹ đề nghị một kế hoạch hành động huy động khoảng 300 triệu đô-la, được chia đều trong vòng 10 năm. Điều đáng mừng là nhóm Đối thoại này đã trực tiếp yêu cầu chính phủ Mỹ tài trợ một phần lớn cho kế hoạch.

Cuối cùng, bài báo nhấn mạnh rằng trách nhiệm vẫn thuộc về các nhà sản xuất hóa chất, các tập đoàn đã lập ra các báo cáo giả hòng che giấu sự thật về tính độc hại của loại chất diệt cỏ này.

Bắc Kinh khó khăn kềm chế lạm phát

Liên quan đến lãnh vực kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến tình hình lạm phát tại Trung Quốc, qua bài viết « Chính quyền Bắc Kinh khó kềm chế được lạm phát ».

Lạm phát tại Trung Quốc đã tăng lên 6,5%, một kỷ lục mới sau mức tăng 6,4% hồi tháng 6 vừa qua. Điều này đã gây ra nhiều mối lo ngại cho hậu quả xã hội và chính trị.

Theo Les Echos, không những khoảng cách giàu và nghèo ngày càng bị đào sâu, mà giá thực phẩm cũng sẽ dội lên theo và sẽ ảnh hưởng nhiều đến các hộ gia đình nghèo. Một phần lớn thu nhập sẽ phải chi cho lương thực (chiếm khoảng 14,8%). Ngoài ra, lạm phát sẽ còn làm xói mòn các giá trị tiết kiệm, chiếm tỷ trọng cao tại Trung Quốc.

Tác giả bài viết còn cho rằng lạm phát lần này chính là hệ quả của kế hoạch phục hồi kinh tế năm 2008 nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính thế giới và các hậu quả tiêu cực về xuất khẩu của Trung Quốc. Kết quả của kế hoạch này là lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường tăng vọt. Để hạn chế, chính quyền Bắc Kinh đã phải 5 lần tăng lãi suất tín dụng.

Hiện tại, các chuyên gia phân tích vẫn tin rằng khả năng lạm phát giảm, vì hai lý do : Thứ nhất, mức tăng lạm phát dường như đang chựng lại (mức tăng từ 6,4% đến 6,5% từ tháng 6 đến tháng 7 yếu hơn so với mức tăng từ 5,5% lên 6,4% từ tháng 5 đến tháng 6. Thứ hai, phần lớn các chuyên gia cho rằng bắt đầu thấy rõ tác động của các biện pháp tiền tệ do Trung Quốc đề ra.

Tại Hàn Quốc, các tập đoàn thâu tóm quyền lực và bóp nghẹt các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nhìn sang Hàn Quốc, nhật báo Le Monde lại chú ý đến các mặt trái trong sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Hàn Quốc. Theo tác giả, sự thông đồng giữa Nhà nước và tư nhân đang là những ung nhọt gây nhức nhối xã hội Hàn Quốc.

« Hàn Quốc, các tập đoàn đang chiếm quyền lực và bóp nghẹt các doanh nghiệp vừa và nhỏ » là bài viết của tác giả Philippe Pons trên trang kinh tế. Theo tác giả, hai hiện tượng « tham nhũng » và « sự tham lam » của các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc không những đang lan rộng một cách kinh ngạc mà còn đè bẹp các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tác giả cho biết, sự thông đồng giữa chính quyền và quyền lợi tư nhân vốn là một vấn đề "cấu trúc". Ông giải thích rằng « Trong xã hội Hàn Quốc hiện nay, do mối quan hệ gia đình mang đậm dấu ấn đạo đức Tân Nho giáo, nên họ rất chú trọng đến các mối liên kết gia đình cũng như là thành phần khu vực xuất thân ăn sâu vào trong tâm thức. Tất cả những yếu tố này kết hợp với thừa hưởng của những nền độc tài quân sự tạo thành một ma trận tham nhũng tạo thuận lợi cho việc đưa hối lộ ».

Tác giả cho biết, kể từ năm 1961, các chính quyền nối tiếp nhau xây dựng nền kinh tế bằng cách dựa vào các ông chủ các tập đoàn lớn. Từ đó, các tập đoàn này trở thành những triều đại đế chế và là « hệ thần kinh của cuộc chiến tranh » kinh tế, mà sự tăng trưởng phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu. Sau khủng hoảng kinh tế năm 1997-1998, chính quyền phe trung –tả đã cố gắng dẹp bỏ nhưng không thành công. Ngược lại, tổng thống Hàn Quốc hiện nay là ông Lee Myung-Bak lại rất ưu ái các tập đoàn này.

Nhiều ông chủ lớn bị kết án tù vì tội tham ô, hay trốn thuế sau đó đều được Tổng thống ân xá. Một điều mà các ông chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ không bao giờ được hưởng.

Cuối cùng, tác giả còn cho biết thêm, là các ông chủ lớn này không bao giờ vừa lòng với những gì mình đang có. Họ bắt đầu tấn công vào các lãnh vực truyền thống khác như sản xuất đậu hũ, các hiệu cà phê và bánh pizza, nhập khẩu rượu . Và dĩ nhiên nạn nhân chính là doanh nghiệp vừa và nhỏ của các địa phương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.