Vào nội dung chính
ANh - NGA

Quan hệ Nga - Anh vẫn không được cải thiện sau chuyến đi của thủ tướng Cameron

Ngày hôm qua, thứ Hai 12/9/2011, thủ tướng Anh David Cameron đã có cuộc hội đàm và họp báo chung với tổng thống Nga Dmitri Medvedev, trong chuyến công du kéo dài hai ngày. Đây là cuộc gặp đầu tiên ở cấp thượng đỉnh giữa Nga và Anh kể từ vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Litvinenko năm 2006. 

Tổng thống Nga Medvedev (trái) và thủ tướng Anh Cameron (phải) trước lễ ký kết văn bản hợp tác, tại điện Kremlin, 12/9/2011.
Tổng thống Nga Medvedev (trái) và thủ tướng Anh Cameron (phải) trước lễ ký kết văn bản hợp tác, tại điện Kremlin, 12/9/2011. REUTERS/Mikhail Klimentyev/RIA Novosti/Kremlin
Quảng cáo

08:52

Thông tín viên Thanh Hải (Luân Đôn)

Mặc dù hai phía có một số nỗ lực để cải thiện quan hệ, nhưng theo bình luận của báo chí Anh, chuyến công du của thủ tướng David Cameron không mang lại thay đổi đáng kể nào trong quan hệ song phương. Thông tín viên Lê Hải tường trình từ Luân Đôn. 

1 - Theo báo chí Anh, chuyến công du của thủ tướng Cameron không mang lại một kết quả đáng kể nào :

Trên phương diện quốc gia, chính thủ tướng Anh Cameron cũng nói trong cuộc họp báo hôm qua 12/9/2011, rằng hai nước vẫn luôn đồng ý với nhau rằng hai nước đang bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề. Từ những căng thẳng không khoan nhượng trong vụ án gián điệp, cho đến những rắc rối trong kinh doanh của tập đoàn dầu khí BP của Anh, hay ngay cả những chuyện ở tầm thấp hơn là hoạt động quảng bá văn hóa Anh của British Council ở Mátxcơva và sự ủng hộ của Anh cho các tổ chức nhân quyền ở Nga. Chuyến đi Nga của thủ tướng Anh chỉ đứng hàng thứ hai thứ ba trong bản tin thời sự trong ngày của các tờ báo Anh quốc. Những cố gắng về mở rộng kinh doanh chỉ hứa hẹn chừng vài trăm triệu bảng và vài trăm việc làm cho người Anh. Nhìn chung, không có gì để bàn luận, ngoài con số thống kê rằng sau 6 năm mới có chuyến công du Nga của lãnh đạo Anh.

Quan hệ giữa Anh và Nga có vẻ giống như đoạn phim mà các đài truyền hình quay từ cuộc họp giữa thủ tướng Anh với người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin - người được cho là nắm thực quyền ở Nga -, ông Cameron có vẻ không nhìn thẳng vào ông Putin mà luôn quay sang bên cạnh.

2 - Nổi bật nhất trong các tiếp xúc song phương là một lời nói đùa :

Điều nổi bật nhất trong chuyến công du của thủ tướng Anh tại Nga lại là một câu nói đùa. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói đùa trong cuộc họp báo rằng, thủ tướng Anh đã từng có khả năng trở thành một điệp viên giỏi cho KGB. Câu nói đùa gây sốc này được nhiều hãng thông tấn tường thuật và xuất hiện trên các trang mạng dành cho giới bình dân. Vụ việc không trở thành dòng tít số một trên các tờ báo lớn của Anh, nhưng nhìn vào đây thì sẽ dễ dàng hiểu được mối quan hệ rất là đặc biệt và phức tạp giữa Anh và Nga.

Khi tổng thống Nga đánh giá một lãnh đạo nước khác về khả năng làm gián điệp cho Nga, người ta có thể sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Chuyện có một tổng thống từng cấu kết với KGB luôn khiến người Phần Lan cảm thấy khó xử. Tại các nước Đông Âu như Ba Lan thì nói, ai đó từng làm việc cho KGB đủ để làm anh ta mất hết sự nghiệp chính trị nếu câu nói đó có đủ bằng chứng và được tòa công nhận. Câu nói đùa này của tổng thống Nga còn căng thẳng hơn trong bối cảnh hai nước ở thế đối đầu từ sau ngày cựu điệp viên KGB Litvinenko bị ám sát ở London bằng chất độc phóng xạ. Nghi can nay lại là một chính trị gia thân cận với Putin và nước Nga không cho phép dẫn độ sang Anh để xử.

Thực tế là, lúc phóng viên tiếp tục đề cập đến vấn đề này trong cuộc họp báo thì thủ tướng Anh David Cameron ngay lập tức chen ngang và nói lời chấm dứt câu chuyện đùa với vẻ mặt khá căng thẳng. Và thực ra, chính ông là người đã bắt đầu trò đùa này, khi trước đó, trong một buổi nói chuyện với sinh viên ở Mátxcơva, ông đã làm thân bằng cách kể lại chuyến du lịch ba lô của ông ở nước Nga hồi 1985. Theo thông lệ, học sinh Anh sau ngày tốt nghiệp phổ thông trung học sẽ đi chu du thế giới trong vòng một năm rồi mới quay về bắt đầu vào đại học. Và chuyến đi đó đã đưa đẩy ông Cameron từ vùng Siberia về Mátxcơva và dọc xuống biển Đen, gặp được hai người Nga nói tiếng Anh rất giỏi. Sau này khi kể lại cho giáo sư của mình ở Anh nghe thì đượcì ông thầy phân tích và cho rằng đó là nhân viên của KGB muốn tiếp cận và đánh giá khả năng tuyển mộ ông Cameron. Cho nên, ông Medvedev mới đùa rằng thủ tướng Anh sẽ là nhân viên giỏi cho KGB và cả 2 ông đều cười vui vẻ trong phòng họp báo. Nhưng khi các nhà báo muốn tiếp tục câu chuyện nhạy cảm này thì ông Cameron chen ngang và dập tắt ngay lập tức.

Và các báo lớn của Anh cũng có lý do khác để không quan tâm đến câu nói đùa nhạy cảm này, bởi vì xét cho cùng đó chẳng qua chỉ là cách để hai vị lãnh đạo thể hiện ra rằng về mặt cá nhân họ rất là thân thiết đủ để nói ra những câu đùa kiểu như vậy.

3 - Vấn đề gián điệp ám ảnh quan hệ Anh - Nga :

Nếu quí vị còn nhớ thì vụ ám sát Alexander Litvinenko từng làm chấn động nước Anh. Vốn là một điệp viên KGB đào ngũ, Litvinenko được chính quyền Anh cho phép tị nạn và sống một cuộc đời ẩn lặng. Thế nhưng nguyên tắc chung của KGB dành cho người đào ngũ hay phản bội là án tử hình. Mặc dù, Litvinenko đã rất cẩn thận và tránh tiếp xúc với người lạ, nhưng những người bạn cũ ở KGB đã tiếp cận được ông ta trong một buổi tiệc trà tổ chức ở một khách sạn nhỏ ở London. Và theo điều tra của cảnh sát thì nhân viên của KGB đã bỏ được chất phóng xạ cực mạnh vào ly nước của ông, và sức khỏe Litvinenko suy sụp rồi chết dần trên giường bệnh. Nhìn lại quá khứ thì người ta luôn thấy câu chuyện gián điệp giữ vị trí đáng kể trong tâm thức của người dân Anh. Nhiều bộ phim Anh thời chiến tranh lạnh dựng lại các điệp vụ nổi tiếng của Anh ở Nga, và báo chí Anh luôn hiếu kỳ về hoạt động của điệp viên Nga ở London. Nữ điệp viên KGB nổi tiếng trong đường dây bị lộ ở Mỹ, Anna Kushchenko, cũng từng sống ở London một thời gian dài.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.