Vào nội dung chính
KINH TẾ

Khủng hoảng Hy Lạp : Căng thẳng giữa Mỹ và Châu Âu gia tăng

Tại cuộc họp cấp bộ trưởng Tài chính châu Âu được tổ chức tại Wroclaw,Ba Lan, hôm qua 16/9 Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner kêu gọi khối euro huy động thêm vốn để giải quyết khủng hoảng nợ công đã kéo dài. Hoa Kỳ cảnh báo Liên Hiệp Châu Âu trước những rủi ro vô cùng tai hại trong trường hợp khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu bị chia rẽ.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner ( trên màn hình, bên trái) đang phát biểu trong cuộc họp Eurogroup tại Wroclaw, Ba Lan ngày 16/9/11.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Timothy Geithner ( trên màn hình, bên trái) đang phát biểu trong cuộc họp Eurogroup tại Wroclaw, Ba Lan ngày 16/9/11. Reuters
Quảng cáo

Theo lời Bộ trưởng Áo Maria Fekter, ông Geithner còn yêu cầu khối euro tăng Quỹ cứu trợ FESF để giúp đỡ các thành viên gặp khó khăn và để cứu nguy các ngân hàng gặp nạn.

Theo giới quan sát, tuyên bố và những sáng kiến của Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã không được các đồng sự châu Âu hoan nghênh. Bộ trưởng Đức đã bác bỏ ngay tức khắc đề nghị của ông Geithner và cho rằng, Berlin không thể tiếp tục bắt người dân đóng thuế để thực hiện mục tiêu này. Berlin đề nghị đánh thuế vào các khoảng giao dịch chứng khoán – kể cả trên thị trường Mỹ- để tăng cường khả năng can thiệp của Quỹ FESP. Đây là điều mà đại diện của Washington tại cuộc họp Wroclaw đã không thể chấp nhận được.

Một bằng chứng khác cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đang gia tăng là Bộ trưởng Tài chính Luxembourg tuyên bố là khối euro không thảo luận về khả năng mở rộng tầm hoạt động hay tăng quỹ của FESF với bất kỳ một quốc gia nào đứng ngoài khu vực đồng euro. Về phần mình, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Jean Claude Trichet khẳng định : « Nhìn chung, tình hình kinh tế trong khối euro khả quan hơn nhiều so với một số các nước phát triển khác » : bội chi ngân sách của toàn khối chỉ ở vào khoảng 4,5 % GDP trong năm nay, trong lúc thâm hụt ngân sách của chính quyền liên bang Mỹ là 8,8 % tăng thêm 1,7 điểm so với tài khóa 2010.

Cuộc họp cấp bộ trưởng Tài chính châu Âu hôm nay đã phải kết thúc sớm hơn dự kiến để tránh bị cuộc tuần hành của khoảng 30.000 người biểu tình từ khắp châu Âu tập hợp về Wroclaw để phản đối các chính sách khắc khổ mà Bruxelles đang áp đặt cho các thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Hưởng ứng kêu gọi của các tổ chức Công đoàn châu Âu CES, chiều nay khoảng 30.000 người tham gia biểu tình chống lại các biện pháp cắt giảm chi tiêu công cộng của các nước trong khu vực đồng euro. Tổ chức Công đoàn Châu Âu CES bao gồm 83 công đoàn hoạt động tại 36 quốc gia châu Âu.

Riêng về hồ sơ Hy Lạp, cuộc họp tại Ba Lan trong hai ngày qua đã không đem lại tiến bộ cụ thể nào kế hoạch thứ nhì hỗ trợ tài chính cho Athènes. Các bên đã đồng ý về nguyên tắc một kế hoạch thứ nhì, trị giá 160 tỷ euro từ ngày 12/07/11 để giúp Hy Lạp tránh bị vỡ nợ. Trên thực tế Phần Lan đòi Hy Lạp phải có những « bảo đảm » trong việc giải quyết nợ công. Helsinki tiếc là trước mắt Athènes chưa đưa thêm những cam kết mới để đáp ứng đòi hỏi này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.