Vào nội dung chính
LIBYA

Libya : Kho vũ khí của Kadhafi làm phương Tây lo ngại

Theo Le Monde, ông Kadhafi đã tích lũy một lượng vũ khí to lớn nhưng cũ kỹ, phần lớn là của Nga chế tạo, do lệnh cấm vận áp đặt từ năm 1992 cho đến 2004. Với cuộc chiến bùng lên gần đây, quân đội Libya đã sửa chữa lại vũ khí để sử dụng, và cũng phân tán, cất giấu. Chế độ Kadhafi còn phân phát vũ khí cho dân chúng. Kho vũ khí của chế độ Kadhafi, cộng với vũ khí cung cấp cho phe nổi dậy đang biến Libya thành một tiệm "tạp hóa" lớn về thiết bị quân sự.

Vũ khí được tìm thấy tại một căn cứ quân sự của lực lượng Kadhafi ở Fourgane Ain Zara, cách Tripoli 6 km, ngày 8/9/11.
Vũ khí được tìm thấy tại một căn cứ quân sự của lực lượng Kadhafi ở Fourgane Ain Zara, cách Tripoli 6 km, ngày 8/9/11. Reuters
Quảng cáo

Những hồ sơ mà các báo chạy tựa lớn trang đầu vào ngày cuối tuần này rất tản mạn. Tuy nhiên về Libya, đáng chú ý là hồ sơ lớn của Le Monde dành cho vấn đề vũ khí. Các quốc gia Ả Rập và phương Tây lo ngại sự phân tán của kho vũ khí Libya. Tờ báo chạy hàng tựa « Cuộc chiến để kiểm soát vũ khí ở Libya ». Mối quan ngại hàng đầu của quốc tế là lượng vũ khí quy ước rất to lớn đang được chuyển đi khắp Libya từ khi các kho súng đạn của chế độ Kadhafi được mở ra, với những chuyến xe chuyển vũ khí đi cung cấp cho lực lượng nổi dậy.

Giới chức quốc phòng phương Tây e ngại là khối lượng lớn vũ khí lưu hành rộng rãi sẽ gây bất ổn định cho cả vùng, cho nên đã kêu gọi phải kiểm tra một cách khẫn cấp. Các viên chức Mỹ, đầu tháng 9, đã khẳng định là một số tên lửa địa đối không SA7 đã đến Mali.

Trong một vùng nổi tiếng về nạn buôn bán vũ khí, các cơ quan tình báo ghi nhận là các phe ở Libya đang cất giấu vũ khí. Trong lúc đó, số lính đánh thuê Sudan, Tchad hay bộ tộc Touareg, tham gia vào cuộc chiến, sẽ không trở về tay không. Từ giới kinh doanh bất lương, các bộ tộc, các thành phần môi giới, cho đến mạng lưới Al Qaeda vùng Bắc Phi, tất cả đều đang tìm cách thâu tóm vũ khí Libya.

Theo Le Monde, ông Kadhafi đã tích lũy một lượng vũ khí to lớn nhưng cũ kỹ, phần lớn là của Nga chế tạo, do lệnh cấm vận áp đặt từ năm 1992 cho đến 2004. Các kho chứa đủ loại vũ khí từ rocket Grad 122 mm, đạn pháo phosphore, cho tới chất nổ, hoả tiễn đủ loại. Tuy nhiên vì vốn nghi kỵ giới quân đội, ông Kadhafi đã cố tình để một phần thiết bị ở trong tình trạng không thể sử dụng được, như cho tháo gỡ xích của xe tăng. Và chỉ có những đạo quân thân cận với ông như lữ đoàn 32 dưới quyền chỉ huy người con trai Khamis, là có được trang bị tối tân. Một phần không nhỏ vũ khí cũng được ông Kadhafi cho phân tán ra khắp nơi.

Nhưng với cuộc chiến bùng lên gần đây, quân đội Libya đã phải sửa chữa lại vũ khí để sử dụng được, nhưng họ cũng phân tán ngay, cất giấu trong những trường học hay nhà thương như đã được khám phá vừa qua. Chế độ Kadhafi còn phân phát vũ khí cho dân chúng.

Chiến dịch oanh kích của NATO cho là đã phá hủy đến 85% khả năng chiến đãu của Kadhafi, nhưng thực hư vẫn không rõ ràng. Còn tân chính quyền Libya, Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp thì lại không thể đưa ra một bản kê khai các loại vũ khí đã tịch thu được.

Những vũ khí hiện làm cho phương Tây lo ngại nhất là loại gọi là manpads, tức là tên lửa địa đối không xách tay, giống như loại hỏa tiễn Stinger của Mỹ, hiện được Hoa Kỳ ước tính lên đến 20.000 chiếc. Phần lớn loại vũ khí này là tên lửa SA7 do Liên Xô chế tạo từ cuối thập niên 1960, mà giới khủng bố có thể dễ dàng sử dụng. Bên cạnh đó, Lữ đoàn 32 có khoảng 200 hoả tiễn SA24, thế hệ mới hơn. Số vũ khí này đã biến mất.

Mối lo ngại khác nữa là các loại vũ khí chống chiến xa hiện đại có tính năng tầm nhiệt, hay các loại hỏa tiễn AT14 hoặc rocket TBG7 có thể phá tan các bunker nằm sâu dưới mặt đất và gây nên những vết bỏng rất đau đớn cho nạn nhân.

Tóm lại theo bài báo, kho vũ khí của chế độ Kadhafi, cộng với vũ khí cung cấp cho phe nổi dậy đang biến Libya thành một tiệm "tạp hóa" lớn về thiết bị quân sự.

Châu Âu vẫn trống đánh xuôi kèn thổi ngược trên đối sách chống khủng hoảng

Hồ sơ quan trọng khác hôm nay là trên bình diện kinh tế : cuộc họp các bộ trưởng tài chính vùng đồng euro tại Ba Lan hôm qua, lần đầu tiên có sự hiện diện của một bộ trưởng Mỹ. Libération cũng như đồng nghiệp Le Figaro đã tỏ vẻ bất bình về thái độ chần chừ của châu Âu, trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng đối với vùng euro do vấn đề nợ công. Nợ công Hy Lạp đã tác hại đến các ngân hàng lớn châu Âu.

Trên nguyên tắc, bộ trưởng tài chính các quốc gia Châu Âu họp lại để thảo luận về cách thực hiện kế hoạch thứ hai trị giá 160 tỷ euro để cứu Hy Lạp đang trên đường vỡ nợ, cũng như thúc đẩy các "mắt xích yếu", như Tây Ban Nha, để củng cố hệ thống ngân hàng bị chấm điểm xấu.

Libération chạy một tựa gay gắt : "Nhóm 17 không khả năng có chung đường lối". Tờ báo ghi nhận là Hoa Kỳ rất bực mình khi thấy châu Âu đang đùa với lửa, gần kề một thùng thuốc nổ. Trong lúc mà vùng sử dụng đồng euro chưa bao giờ bị đe doạ dữ dội như hiện nay, 17 quốc gia thành viên không những không đưa ra được giải pháp trấn an thị trường, mà còn lại công khai cãi vã với nhau trên những biện pháp đã được thông qua.

Họ đã làm cho các nhà đầu tư hoảng sợ, và khiến bộ trưởng Mỹ Geithner phải « lấy làm tiếc về cảnh bất đồng, chia rẽ trên chiến lược ở châu Âu ». Và ông còn nhìn thấy mối xung khắc giữa Ngân hàng Trung ương châu Âu và các chính phủ, cho nên ông đã thúc giục các nước châu Âu cố gắng tránh mối đe doạ vỡ nợ dây chuyền các quốc gia vùng đồng euro.

Le Figaro ở trang kinh tế nêu bật sự kiện, lời thúc giục của phía Mỹ đã gây bất bình các đối tác châu Âu, và nhận thấy rằng Hoa Kỳ và châu Âu trong thế đối đầu gay gắt.

Khi mời ông Geithner, các đối tác châu Âu hy vọng có một cuộc đối thoại giữa "bè bạn", phiá Mỹ cho là sẽ không kiêu ngạo. Nhưng tình hình thị trường đảo điên gây lo ngại ở cả hai bên bờ đại dương khiến ông Geithner đã không cầm lòng và lên lớp châu Âu.

Bộ trưởng Mỹ muốn châu Âu nâng trần quỹ hỗ trợ FESF, và nhất là tránh cảnh ông nói gà bà nói vịt hiện nay, làm cho tình hình thêm bế tắc, rối ren. Bộ trưởng Mỹ đã gây tức tối, khiến chuyến đi không kết quả gì.

Tài sản tầng lớp giàu có ở châu Á sẽ tăng gấp ba vào năm 2015

Vào lúc các nước phương Tây, từ Mỹ đến Châu Âu đang nhức đầu với khủng hoảng tài chánh, nhật báo Malaysia The Star vào hôm nay nêu bật một dự báo lạc quan về châu Á. Trong vòng 4 năm tới đây, tức là vào năm 2015, trị giá tài sản của những người giầu tại châu Á, từ 5.600 tỷ đô la Mỹ vào năm 2010, sẽ tăng lên thành 15.800 tỷ, nghĩa là tăng lên gấp ba lần.

Các số liệu này được trích từ bản Báo cáo đầu tiên về tài sản châu Á – Asia Wealth Report, công bố cuối tháng 8 vừa qua, dựa trên việc nghiên cứu 10 nền kinh tế hàng đầu trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Công trình do ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ kỳ cựu Julius Baer, phối hợp với tập đoàn môi giới tài chánh và đầu tư độc lập rất có uy tín CLSA tại Hồng Kông, cùng thực hiện.

Phải nói ngay là bản nghiên cứu chủ yếu xem xét tài sản có thể đầu tư được của những cá nhân được xếp vào diện có thu nhập cao – thuật ngữ tiếng Anh là High Net Worth Individual (HNWI) – trên toàn châu Á. Được xếp vào hạng này là những cá nhân có tài sản đầu tư được từ mức một triệu đô la Mỹ trở lên. Theo bản báo cáo, từ 1,15 triệu hiện nay, số người giàu có tại Châu Á sẽ tăng lên gấp đôi thành 2,82 triệu vào năm 2015.

Theo nhật báo The Star, động lực thúc đẩy đà gia tăng của sự giàu có tại châu Á chính là Trung Quốc, và trong một chừng mực nào đó là Ấn Độ. Trong năm 2011 và 2012, Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo sẽ đóng góp hơn 40% vào GDP toàn cầu. Theo bản báo cáo, vào năm 2015, tỷ lệ cá nhân có thu nhập cao HNWI tại Trung Quốc chẳng hạn, sẽ lên đến 140 triệu người, chiếm 49,6% tổng số tại châu Á, và nắm giữ 8.760 tỷ đô la tài sản, tương đương với 55,4% tổng số.

Trong vùng Đông Nam Á, Indonesia nổi bật với tốc độ gia tăng nhanh nhất về số lượng HNWI so với các láng giềng : 25%, từ nay đến năm 2015, với gần 100.000 người có thu nhập cao, với tổng tài sản 487 tỷ đô la. Malaysia kém Indonesia một chút. Theo bản báo cáo, đến năm 2015, Malaysia sẽ có 68.000 người giàu so với con số 32.000 người hiện nay, và tài sản trong tay họ sẽ tăng từ 142 tỷ đô la lên thành 330 tỷ.

Phát biểu với báo The Star, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á của ngân hàng Julius Baer, Tiến sĩ Thomas Meier cho biết sự giàu có của châu Á đến từ một loạt lãnh vực đa dạng, các ngành công nghiệp, bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng quay vòng nhanh chóng, công nghệ thông tin, và nguyên liệu như dầu cọ và than đá.

Về câu hỏi là liệu châu Á có tăng trưởng được bền vững hay không, ông Meier khẳng định : "Chúng tôi tin rằng các nền tảng cơ bản của kinh tế của châu Á rất mạnh mẽ và vững chắc, và chính điều đó sẽ được thể hiện thành của cải. Tăng trưởng của châu Á không phải là bong bóng mà là một tiến trình chuyển hóa bình thường."

Ông Meier cho rằng biết nền kinh tế chuyển biến theo chu kỳ, và hiện nay người ta đang ở trong « thập kỷ của Châu Á ». Trong kịch bản khủng hoảng toàn cầu hiện nay, châu Á có tiềm năng hóa giải mọi cú sốc đến từ kinh tế thế giới".

Theo báo The Star, ông David Lim, Giám đốc điều hành văn phòng ngân hàng Julius Baer tại Singapore, còn nói thêm: "Các nền tảng cơ bản của châu Á không phải là đã hình thành trong một sớm một chiều, do đó sẽ không thay đổi trong ngày một ngày hai… Đó là lý do tại sao chúng tôi tin rằng sự phát triển của châu Á mang tính chất bền vững. "

Đan Mạch lần đầu tiên tín nhiệm một nữ Thủ tướng

Các báo Pháp cũng khá quan tâm về một sự kiện khác ở châu Âu, đó là việc cánh tả Đan Mạch thắng cử sau10 năm ở trong phe đối lập, và đưa người phụ nữ đầu tiên bà Helle Thorning- Schmidt lên cầm quyền.

Le Figaro dành nguyên trang chân dung cho tân Thủ tướng, mà cách đây 4 năm các bè bạn trong đảng Xã hội Dân chủ còn nói đùa là chỉ chú ý đến mái tóc vàng và trang phục sang trọng của bà. Nhưng mai này, bà sẽ lãnh đạo chính phủ ở Denmark !

Tuy nhiên, báo giới vẫn chỉ trích người phụ nữ mà họ cho là thiếu kinh nghiệm. Le Figaro trích tờ Politicken, tóm lược những lời chỉ trích thường nghe hiện nay : "Bà ăn mặc quá đẹp đối với những người đảng Xã hội Dân chủ, quá mới để có thể đứng đầu nhà nước, quá lạnh lùng để chinh phục dân chúng".

Le Figaro trở lại quá trình của tân Thủ tướng sinh năm 1966 ở vùng ngoại ô Copenhagen, tốt nghiệp khoa chính trị, từng làm cố vấn cho Công đoàn chính của Đan Mạch LO, trên các vấn đề châu Âu. Bà bước vào chính trường khi gia nhập đảng Xã hội Dân chủ Đan Mạch và được bầu vào Nghị viện Châu Âu năm 1999. Năm 2005 bà được bầu vào Quốc hội Đan Mạch, nắm chiếc ghế chủ tịch đảng Dân chủ Xã Hội.

Quá trình trên cho thấy bà Helle không phải chỉ là người phụ nữ tóc vàng ăn mặc lịch sự đẹp đẽ - những người chung quanh thường gọi bà là Gucci Helle - điều bà rất ghét - mà là một người đầy bản lĩnh.

Ngược lại với những lời chỉ trích, với nụ cười và nhũng lời hứa hẹn, bà đã chinh phục được tầng lớp bình dân và cũng làm được việc không tưởng tượng được là đoàn kết cánh tả, từ cánh cực tả đến trung tả. Đứng đầu cánh tả, nhưng bà đã thuyết phục được cử tri là sẽ vực dậy kinh tế, đầu tư vào giáo dục, y tế và hạ tầng cơ sở.

Nhưng giới phân tích vẫn thận trọng, như nhận định của giáo sư Ove Pederson, trường Thương Mại Copenhagen, thì việc bà Helle lên cầm quyền sẽ không làm thay đổi gì lớn lao tại Đan Mạch. Cử tri thì đang chờ xem.

Nga : Chiếc iPhone tặng cho Tổng thống Medvedev lại là … hàng giả

Câu chuyện được Le Figaro tiết lộ ngay trên trang nhất : để mừng sinh nhật của vị Tổng thống yêu quý, 5 nhóm ái mộ ông, đã tính toán rất chu đáo : bánh sinh nhật với 46 chiếc đèn cầy, một chiếc minijupe với màu cờ Nga, và dĩ nhiên chuẩn bị kỹ càng quà tặng cho người rất đam mê công nghệ học mới : một chiếc iPhone với phông nền là chân dung chủ nhân điện Kremlin.

Với những món quà trên tay, các cô gái được mệnh danh là Medvedev girls đã băng qua Quảng trường Đỏ, đến đứng trước cửa văn phòng Tổng thống để hát chúc mừng ‘’Happy birthday Mister President".

Duy có một điều là chiếc iPhone tặng cho Tổng thống và trị giá 817 euro lại là hàng giả ! Theo Le Figaro thì chính tập đoàn Apple đã phát hiện ra điều này, khi so sánh các con số ghi ký hiệu sản xuất ở sau lưng của máy.

Le Figaro châm biếm : dĩ nhiên ở Nga không mấy ai quan tâm đến điều này khi mà các cửa hàng đầy rẫy hàng giả. Nhưng dù sao đi chăng nữa tặng hàng dỏm cho Tổng thống, khuyến khích ông ra tranh một nhiệm kỳ nữa để hiện đại hóa đất nước thì quả là điều không mấy hay...

May thay là ông Medvedev đã từ chối món quà sinh nhật, với giải thích là luật chống tham nhũng cấm những viên chức cao cấp nhận những món quà trên 71 euro. Thế là ông vô tình bảo toàn được danh dự !
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.