Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - CHYPRE

Thổ Nhĩ Kỳ dọa trả đũa nếu Chypre thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp

Hôm nay, 19/09/2011, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã có phản ứng mạnh mẽ trước việc Cộng hòa Chypre, thành viên Liên Hiệp Châu Âu, hợp tác với tập đoàn dầu lửa Mỹ Noble Energy, tiến hành thăm dò dầu khí ở ngoài khơi hòn đảo đang bị phân chia này.

Tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc diễn tập quân sự ngoài khơi Izmir ở phía tây nước này.
Tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc diễn tập quân sự ngoài khơi Izmir ở phía tây nước này. Umit Bektas / Reuters/Reuters
Quảng cáo

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz tuyên bố là nếu việc thăm dò dầu khí được tiến hành vào đầu tháng 10 như chính quyền Chypre thông báo, thì ngay trong tuần tới, Ankara sẽ cho tiến hành thăm dò dầu khí ở vùng Địa Trung Hải, ngoài khơi đảo Chypre, dưới sự bảo vệ của hải quân nước này.

Xin nhắc lại là đảo Chypre bị phân đôi từ năm 1974. Phía bắc là Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Chypre, chỉ có mỗi chính quyền Ankara công nhận. Còn ở phía nam là Cộng hòa Chypre, được sự ủng hộ của Hy Lạp và là thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ chống lại việc Cộng hòa Chypre tiến hành thăm dò khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải, trong khu vực ngoài khơi hòn đảo bị phân chia, với lý do là chính quyền phía nam không được khai thác tài nguyên thiên nhiên của Chypre chừng nào hòn đảo này chưa thống nhất.

Tập đoàn dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ TPAO sẵn sàng thực hiện các dự án thăm dò khai thác dầu khí trong vùng biển ở phía bắc đảo Chypre, sau khi Ankara và Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Chypre đạt được thỏa thuận về việc hoạch định đường biên giới trên biển. Đồng thời, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký với một công ty dầu khí Na Uy một thỏa thuận về thăm dò địa chấn.

Trong khi đó, Cộng hòa Chypre khẳng định việc khai thác khí đốt mang lại mối lợi cho tất cả các công dân Chypre. Mặt khác Nicosia đã ký với chính quyền Israel một thỏa thuận xác định các khu đặc quyền kinh tế giữa hai nước tại Địa Trung Hải, để hai bên có thể cùng tiến hành các hoạt động tìm kiếm các mỏ khí đốt tại những nơi có trữ lượng khổng lồ ở vùng biển.

Tuy nhiên, quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trong thời gian qua đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.

Bang giao Ankara – Tel Aviv đã có lúc tưởng chừng bị cắt đứt sau vụ Israel tấn công một chiếc tàu của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2010, làm 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Ankara đòi Tel Aviv phải xin lỗi, trục xuất đại sứ Israel và đình chỉ mọi hợp tác trong lĩnh vực quân sự.

Ngày 09/09 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Al-Jazira, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lưu ý Israel về việc hợp tác với Cộng hòa Chypre. Ông nói, « Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cứng rắn thực hiện quyền kiểm soát các vùng biển ở phía đông Địa Trung Hải » và Ankara « Đã thực thi các biện pháp nhằm ngăn cản Israel đơn phương khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng này ».

Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia đang trỗi dậy có ít nguồn tài nguyên, mong muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Tuy vậy, Ankara đã đe dọa đình chỉ các quan hệ với châu Âu nếu như khối này không đạt có được một giải pháp giúp thống nhất đảo Chypre trong thời gian Cộng hòa Chypre làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, kể từ tháng Bẩy năm 2012.

Đáp lại, đại diện của Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không nên đưa ra các đe dọa như vậy, vì điều này có thể làm tổn hại đến quan hệ giữa Ankara và châu Âu.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.