Vào nội dung chính
LIBYA - CHÍNH TRỊ

"Thanh lọc" : Thách thức đối với tân chính quyền tại Libya

Xử lý thế nào đối với hơn 750 ngàn công chức chế độ cũ? Theo báo Le Monde, đó là thách thức lớn đối với tân chính quyền Libya trong giai đoạn tới.

Ông Mahmoud Jibril, nhân vật số 2 của CNT trong cuộc họp báo tại Benghazi, Libya, 18/09/2011
Ông Mahmoud Jibril, nhân vật số 2 của CNT trong cuộc họp báo tại Benghazi, Libya, 18/09/2011 REUTERS
Quảng cáo

Chính quyền quân nổi dậy tại Libya ngày càng được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hôm qua, Hội nghị thượng đỉnh các nước ủng hộ Libya đã diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, quốc kỳ mới của Libya cũng đã được kéo lên tại Liên Hiệp Quốc. Lãnh đạo Hội đồng Quốc gia Lâm thời Libya (CNT) đã hội kiến nhiều nguyên thủ, trong đó có cả tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo lịch trình, thứ bảy tới, tại buổi họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo CNT sẽ có bài phát biểu chính thức trước đại diện của hơn 190 nước thành viên. Trong gam màu tươi sáng đó, nhật báo Le Monde nhìn vào một thách thức to lớn mà CNT phải đối mặt, đó là việc chọn cách xử lý phù hợp cho hơn 750 000 cán bộ công chức của chế độ cũ. Bài viết chạy dòng tựa khá ấn tượng : «Thời kỳ thanh lọc bộ máy ».

Ai là người từng ủng hộ chế độ Kadhafi ? Ai là người còn ủng hộ Kadhafi ? Câu hỏi này luôn ám ảnh người Libya trong hiện tại. Le Monde cho hay, một thái độ « thức thời » đang ngự trị tại Tripoli, ai cũng cam kết rằng mình rất ghét chế độ độc tài Kadhafi, đến nỗi mà người ta có cảm giác rằng tại Libya, đã không có người nào đã từng làm việc cho chính quyền Kadhafi.

Những người trung thành với ông Kadhafi đã tẩu thoát về các cứ địa cuối cùng của như Syrte, Beni Walid, hay ra nước ngoài, đến Niger, Algéri và Tunisia, thế còn những người ở lại, họ cũng từng là công chức làm việc dưới thời Kadhafi, phải thanh lọc họ thế nào khi ai cũng bảo mình chưa từng ủng hộ Kadhafi?

Nói về tư pháp tại Libya, hệ thống này đã từng phục vụ cho Kadhafi suốt 42 năm, liệu có thể sẽ xét xử công bằng những người bị cho là làm việc dưới chế độ cũ? Trong khi đó, theo Le Monde, hiện tại, đã có hàng trăm người, trong đó có nhiều người đến từ vùng châu Phi nam Sahara đã bị bắt giam do bị nghi ngờ là lính đánh thuê cho ông kadhafi ! Tờ báo đặt câu hỏi, liệu trong số đó có bao nhiêu trường hợp là chính xác?

Các nhà báo ở Tripoli cũng lao vào công tác thanh lọc thời hậu Kadhafi. Không cần đợi lệnh cấp trên, họ tự thành lập một ủy ban xem xét quyết định những người có thể tiếp tục làm việc, những người phải ngưng làm việc. Một lãnh đạo mới của các nhà báo tại Tripoli cho biết : « Chúng tôi chỉ loại bỏ những ai trước đây tuyên truyền quá tích cực cho Kadhafi, những ai đã từng tố cáo đồng nghiệp của mình với chính quyền Kadhafi và những ai biển thủ tiền bạc, còn những người khác chỉ đơn giản là làm công việc của mình. Chúng tôi cũng cần phải làm việc để kiếm cái ăn như tất cả những người Libya khác. Ở Libya có khoảng 750 000 công chức, người ta không thể nào thay thế hết cho được ». Như vậy, những người cầm vũ khí ủng hộ Kadhafi đã rời khỏi Tripoli, còn những người ở lại đang đợi chờ số phận của mình.

Trong tổng số 500 nhân viên của 3 tờ nhật báo chính thức của chế độ Kadhafi (Al-Jamahiriya, Chams, Fajr Jedid), đã có khoảng 100 người trở lại làm việc mặc dù chưa nhận được đảm bảo nào về tiền lương. Họ đã thành lập một tờ báo mới tên là Febrayir để ca ngợi cuộc nổi dậy, số đầu tiên đã ra vào ngày 10/9 này.

Còn ở bộ Ngoại giao, sự thanh lọc cũng được tiến hành. Theo lãnh đạo của bộ này, bộ đã lập danh sách những người cần phải bắt giữ, theo đó chỉ có từ 50 đến 60 trường hợp bị bắt trên tổng số 3 800 nhân viên. Đa số các viên chức của bộ này đã làm việc trở lại.

Trong khi đó, ông Mamoud Jibril , nhân vật số hai của CNT đã bị các tướng lãnh quân nổi dậy và một bộ phận trong CNT cáo buộc là quá dễ dãi với người của chế độ cũ. Ông này trước kia từng làm việc cho người con trai được xem là nhân vật kế thừa của ông Kadhafi là Al-Islam. Một thành viên trong CNT dấu tên còn dứt khoát: « Chúng ta không thể làm việc với những quan chức của chế độ cũ, những người từng ủng hộ chính quyền độc tài, tham lạm công quỹ ».

Dự án du lịch núi Kim Cương : Quan hệ liên Triều thêm căng thẳng

Đến với quan hệ hai miền Triều Tiên, Libération quan tâm đến dự án du lịch tại Núi Kim Cương của Bắc Triều Tiên với nhận định, dự án này nhằm gây sức ép buộc miền nam trở lại khai thác khu du lịch này, vì đây là nguồn thu nhập rất lớn cho miền bắc.

Tờ báo nhắc lại, hồi cuối tháng tám rồi, Bình Nhưỡng đã cho mời hàng trăm nhà báo và các doanh nhân đến từ Trung Quốc và Mỹ tham dự buổi giới thiệu tuyến du lịch và tham quan các cơ sở du lịch để có quyết định đầu tư. Một quan chức miền bắc khi ấy còn tuyên bố, đó là « dấu hiệu mở cửa mới » của nước ông. Theo lời quan chức này, mùa hè năm tới, khu du lịch dự kiến sẽ đón khoảng 4 000 du khách nước ngoài đến tham quan bằng chiếc tàu danh tiếng Mangyongbong.

Thế nhưng, Libération cho hay, dự án trên làm phật lòng Hàn Quốc. Khu du lịch núi Kim Cương từng được xem là biểu tượng hòa giải giữa hai miền Triều Tiên. Năm 1998, hai miền đã thỏa thuận cùng khai thác, nhà đầu tư chính là công ty Hyundai Asan, một chi nhánh của tập đoàn Hàn Quốc Hyundai. Trong 10 năm, địa điểm này đã đón hàng triệu du khách, và là nơi duy nhất của các buổi đoàn tụ gia đình ngắn ngủi giữa những người thân phải xa nhau do tình trạng chia cắt lãnh thổ. Đến năm 2008, rắc rối xảy đến khi một du khách Hàn Quốc bị lính phía bắc bắn chết. Séoul lập tức cho đình chỉ các hoạt động du lịch và triệu hồi hàng trăm nhân viên về nước, nhà hàng, khách sạn từ đó cũng đóng cửa.

Suốt ba năm, Bình Nhưỡng nhiều lần kêu gọi miền nam tái khai thác vùng này, nhưng đều bị từ chối. Thế rồi, ngày 22/8 vừa qua, phía Bắc bất ngờ tuyên bố tịch thu toàn bộ tài sản các công ty Hàn Quốc trong khu vực trên, với giá trị lên đến hơn 300 triệu euro. Hyundai Asan và các công ty khác không còn lựa chọn nào khác là phải cho di tản về nước 14 nhân viên còn bám trụ địa bàn.

Phản ứng trước dự án du lịch của Bình Nhưỡng, Seoul đã lên án rằng đó là « một quyết định đơn phương » và « đánh mất uy tín » của phía bắc. Theo Libération, sắp tới Hàn Quốc có thể sẽ lên tiếng kêu gọi các nhà đầu tư thế giới « tẩy chay » dự án du lịch này của Bình Nhưỡng.

Đánh giá về dự án này, một chuyên gia nghiên cứu Bắc Triều Tiên cho rằng : « Dù thế nào đi nữa, nếu không có du khách Hàn Quốc, thì dự án sẽ không phát triển được. Bình Nhưỡng muốn lợi dụng dự án trên để gây sức ép buộc Séoul trở lại khu du lịch Liên Triều. Chính phủ mới của Hàn Quốc sẽ được thành lập vào cuối năm 2012 và có thể sẽ nhượng bố trước yêu cầu này ».

Viễn cảnh đó cũng rất có thể, vì Libération nhắc lại việc ngày 30/8 này, Hàn Quốc đã cho thay thế bộ trưởng Thống Nhất, do ông bộ trưởng cũ có tiếng là cứng rắn với phía bắc.

Phụ nữ tìm chồng giàu đang trở thành mốt tại Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển quá nhanh, kéo thao những thay đổi chóng mặt trong xã hội truyền thống. Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tiêm nhiễm mạnh vào giới trẻ, đến mức mà việc kiếm chồng giàu đã trở thành mốt, hôn nhân vì tình yêu bỗng nhiên có vẻ lạc hậu, cổ hủ. Đó là nhận định của nhật báo Libération về xu hướng kết hôn của tuổi trẻ Trung Quốc hiện tại.

Ngày càng xuất hiện nhiều công ty môi giới hôn nhân. Chiêu bài thu hút khách hàng của họ là đảm bảo giới thiệu cho các cô gái những người đàn ông giàu có. Họ tìm phụ nữ có nhan sắc bằng cách tổ chức cách cuộc thi sắc đẹp, cho người đi thăm dò các khu trường đại học, hay tổ chức những buổi dạ tiệc đặc biệt…Họ tuyên truyền khẩu hiệu để « định hướng » cho các cô gái là : « Hôn nhân là đầu tư lớn nhất của cuộc đời ».

Libération ghi lại cảm nhận của nữ nghệ sỹ nổi tiếng Chương Tử Di. Cô này không ngại cho biết tiêu chuẩn chọn chồng của mình, là chồng giàu, có thể đảm bảo cho cuộc sống vật chất của cô, tình yêu và ngoại hình không quan trọng. Cô cho biết, xã hội Trung Quốc thay đổi quá nhanh, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, nếu không nhanh chóng « hội nhập », sẽ bị đào thải.

Một nhà xã hội học nhận xét, các giá trị xã hội Trung Quốc đã bị đảo lộn, tiền bạc trở thành một nhân tố ngày càng quan trọng đối với phụ nữ trong việc chọn bạn đời. Phụ nữ chấp nhận người chồng lớn tuổi hơn đôi chục năm, nhưng phải có tài sản.

Năm 2010, tại Trung Quốc có đến 2,7 triệu vụ ly dị. Có tin đồn cho rằng, mấy năm nay, nhiều phụ nữ lấy chồng giàu với dự tính trước là sau một thời gian sẽ ly dị để được chia tài sản. Hiện tượng này kéo theo một hệ lụy đáng bận tâm đó là tình trạng làm vợ bé cho đại gia. Nhiều cô gái đã chọn con đường này để được cuộc sống vật chất sung túc. Người đàn ông không chịu ly dị vợ lớn để kết hôn, mà chỉ chấp nhận sống cảnh không hôn thú, do ngại kết hôn rồi khi ly dị lại phải chia tài sản.

Bên cạnh đó, số phụ nữ chọn con đường mại dâm ngày càng nhiều. Theo thống kê, năm 2005, tại Bắc Kinh có đến 200 000 gái mại dâm. Hiện tượng này do sự bất công và bất bình đẳng ngày càng lớn trong xã hội Trung Quốc: Một bên là các triệu phú còn một bên là những cô gái nghèo khổ đến từ miền quê.

Để tóm lược thực trạng này, tờ báo dẫn lại lời một nhà xã hội học cho biết : « Đến tận những năm 1940, tại Trung Quốc, hiện tượng đa thê được xem là bình thường. Hiện tượng này đang trở lại. Có một thực tế là ngày nay, nhiều phụ nữ lại muốn ở nhà chăm sóc con cái và lo nội trợ, trong khi tâm lý phổ biến cho rằng nhiệm vụ đàn ông là ra ngoài làm việc kiếm tiền ».

Châu Á sẽ thống lĩnh thị trường vận tải hàng không trong 20 năm nữa

Các hãng vận tải hàng không lớn nhất sẽ ở Châu Á Thái Bình Dương, các máy bay trong tương lai sẽ mang nhãn hiệu Trung Quốc, đó là dự báo của tờ Le Monde trong bài viết : « Từ đây đến năm 2030, châu Á sẽ chiếm vị trí thống lĩnh trong ngành vận tải hàng không ».

Hôm thứ hai, ngày 19/9, hãng Airbus đã đưa ra dự báo cho tương lai ngành hàng không thế giới, theo đó, trong vòng 20 năm nữa, lượng máy bay sẽ tăng lên gấp đôi, tăng từ 15 000 trong hiện tại lên 31 500 chiếc vào năm 2030.

Dự báo cũng nhấn mạnh, lĩnh vực vận tải hàng không sẽ di chuyển về châu Á. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của ngành hàng không sẽ là 4,8% với sự chênh lệch cao giữa các khu vực. Dẫn đầu là vùng Trung Đông với 7,4%, khu vực châu Á Thái Bình Dương là 5,7%. Đặc biệt, châu Á Thái Bình Dương sẽ trở thành khu vực địa lý quan trọng nhất về lượng hành khách. Cụ thể là Ấn Độ và Trung Quốc sẽ chiếm tỷ lệ tăng trưởng cao nhất. Tại Ấn Độ, chuyên chở hành khách nội địa tăng 9,8%/năm, còn ở Trung Quốc là 7,2%/năm.

Nói về chủng loại máy bay, Airbus cho rằng, trong tương lai, đắc dụng nhất sẽ lại máy bay vận tải hành khách tầm trung (tức bay không quá 2000 cây số), từ 100 đến 200 chỗ.

Theo Le Monde, vào năm 2016, hai hãng Airbus và Boeing sẽ mất thế độc tôn với việc đưa vào vận hành máy bay C919 của Trung Quốc. Đây là loại máy bay do Trung Qu ốc sản xuất theo công nghệ hiện đại của phương Tây. Được biết, loại máy bay này sẽ ưu tiên phục vụ thị trường nội địa, mà theo đánh giá nhu cầu trong 20 nữa có thể lên đến 2 000 chiếc.

IMF hạ mức tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế thế giới

Cũng trong lĩnh vực kinh tế, Les Echos có bài cảnh báo về những nguy cơ mới của nền kinh tế thế giới.

Hôm qua, trong một bản báo cáo, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã hạ tỷ lệ tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế thế giới, cụ thể là xuống mức 4% cho năm 2011 và năm 2012, trong khi dự kiến trước đó là 4,3% cho năm nay và 4,5% cho năm tới. Năm 2010, mức tăng trưởng thế giới đạt đến 5%.

Quyết định trên đến từ tình hình ngày càng bất ổn của nền tài chính thế giới. Tại Mỹ và châu Âu tình hình đều u ám.

IMF cảnh báo, nếu khủng hoảng tiếp tục tấn công các nước chủ chốt của khu vực đồng euro, thì nền tài chính quốc tế sẽ bị xáo trộn nghiêm trọng. Khó khăn của một nước châu Âu có thể nhanh chóng lan rộng ra cả khối và có thể đến nước Mỹ và cả thế giới. IMF cũng phê phán sự chia rẽ chính trị ở Mỹ đã kéo theo những bất ổn trong nền kinh tế nước này.

IMF nhận định, sự bất ổn ngày càng nghiêm trọng và nền kinh tế thế giới đang đi vào giai đoạn nguy hiểm mới. Thế nhưng, Quỹ này cũng không nghiêng về một kịch bản xấu nhất khi dự báo các nước phương Tây sẽ thoát khỏi suy thoái. Theo IMF, nếu tình hình khu vực đồng euro và Mỹ không được cải thiện, thì tăng trưởng ở các nước giàu như Mỹ, châu Âu và Nhật sẽ chỉ đạt 1,6% năm nay, còn năm 2010 là 3,1%, năm 2012 mức tăng trưởng chỉ nhích nhẹ lên 1,9%, trong khi hồi đầu mùa thu này, con số dự phóng là 2,2% cho năm 2011 và 2,6% cho năm 2012. Một chuyên gia kinh tế IMF cho biết, sự bất ổn ngân sách không thể biến mất trong ngày một ngày hai, tăng trưởng ở các nước giàu vì thế còn sẽ ở mức thấp trong một thời gian dài.

Liên quan đến các nước mới phát triển, IMF hạ 0,5 điểm đối với dự báo tăng trưởng của các nước này, và cảnh báo, nếu tình hình phương Tây tiếp tục xấu đi, các nước nước này sẽ không thể không bị ảnh hưởng nặng nề. IMF cũng đã hạ mức tăng trưởng cho năm 2012 của Trung Qu ốc xuống còn 9%, tức giảm 0,5 điểm so với dự kiến hồi tháng 6.

Hoa K ỳ : Trả 5 đô la để được ăn tối với tổng thống

Cuối cùng, Le Figaro thông tin về một chiến thuật tranh cử khá đặc biệt của đương kiêm tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tờ báo cho biết, dù ông Obama rất giỏi ăn nói trước đám đông, nhưng ông luôn bị chỉ trích là « xa cách » và « kiêu ngạo ». Vì thế, để thu hút cử tri, tổng thống Obama đã quyết định bổ sung vào các bài diễn văn lôi cuốn của mình một biện pháp gần gũi hơn, đó là đề nghị ăn tối với người ủng hộ.

Phương cách này do cựu tổng thống Bill Clin khai mào hồi năm rồi để giải quyết các khoảng nợ còn đọng lại sau chiến dịch tranh cử tổng thống của vợ ông năm 2008. Còn cách cuộc bầu cử mới 13 tháng, ông Obama đã học theo cách này.

Mỗi bữa ăn tối với tổng thống dự kiến dành cho bốn người cùng với tổng thống, không kể những nhân viên an ninh bảo vệ ông. Tuy nhiên, để lọt vào danh sách cử tuyển, người muốn ăn tối cùng tổng thống phải đóng 5 đô la.

Theo Le Figaro, sau ba năm ông Obama bước vào Nhà Trắng, hiện tại nhiều người Mỹ vẫn thắc mắc về con người thật sự của ông : Ông thật sự là ai ? Người theo chủ nghĩa xã hội, thân tư sản, chống đối Israel, người ngây thơ, người sáng suốt, hay người hèn nhát ? Vì thế các buổi ăn tối sẽ là cơ hội tốt để mọi người hiểu rõ ông hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.