Vào nội dung chính
VĂN HỌC - Ý - THẾ GIỚI TỘI PHẠM

Văn sĩ Ý Roberto Saviano viết về Mafia, nhận được giải Pen/Pinter cho “nhà văn can đảm”

Ngày 10/10/2011, giải thưởng "Nhà văn can đảm trong năm" năm 2011 - Pen/Pinter của Tổ chức các nhà văn English Pen, đã trao cho tác giả cuốn Gomarra, về nạn Mafia tại miền Nam nước Ý. Vì sao văn sĩ Roberto Saviano được giải này, và tác phẩm Gomarra có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến chống Mafia ? 

Roberto Saviano
Roberto Saviano Wikimédia/Piero Grandesso
Quảng cáo

Thông tín viên Huê Đăng tường trình từ Roma.

08:21

Thông tín viên Huê Đăng (Roma)

1 – Tại sao nhà văn Roberto Saviano được trao giải thưởng này ?

Ngày 10/10/2011 vừa qua tại Luân Đôn, Tổ chức quốc tế của các nhà văn “English Pen” đã chính thức trao giải thưởng “Pen/Pinter” cho nhà văn của Ý, Roberto Saviano, 32 tuổi, tác giả của quyển sách “Gomorra”, mô tả vấn nạn băng đảng xã hội đen ở vùng Campagna, nơi có phủ thủ là thành phố nổi tiếng Napoli ở miền Nam nước Ý, và quyển sách đã gây chấn động công luận khắp thế giới. Roberto Saviano đã được bình chọn là “nhà văn can đảm trong năm” (International Writer of Courage Prize), bên cạnh nhà biên soạn kịch nghệ David Hare được bình chọn là “nhà văn Anh hay nhất trong năm”.

Được biết là giải thưởng “Pinter” được thiết lập từ năm 2009 để tưởng niệm nhà biên soạn kịch nghệ người Anh Harold Pinter (1930-2008), người đã trúng giải Nobel về văn chương năm 2005. Theo thông lệ hàng năm, Tổ chức “English Pen” bình chọn một nhà văn người Anh hay nhất bên cạnh một nhà văn được coi như “can đảm nhất trong năm”, vì đã có can đảm đeo đuổi những ý tưởng của mình dù trong hoàn cảnh bị trù dập hay thậm chí cả đến sinh mạng bị đe dọa.

Nói về quyển sách “Gomorra” và hiện tượng băng đảng xã hội đen ở Ý, thì thông thường trên thế giới người ta hay tóm gọn các tổ chức băng đảng xã hội đen chuyên hoạt động về buôn lậu, ma phiến, trấn lột, cờ bạc, đỉ điếm, buôn người ... ở Ý cùng chung một danh từ là “mafia”. Thực ra, các tổ chức băng đảng này cũng cắt cứ ở từng vùng ở miền nam Ý, và không phải lúc nào cũng có tên là “mafia”. “Mafia” chỉ được dùng để chỉ các băng đảng xã hội đen ở đảo Sicilia, trong khi đó các băng đảng hoạt động ở vùng Campagna, địa danh nói đến trong quyển “Gomorra”, thì có tên là “Camorra”, trong khi còn một nhóm băng đảng khác hoạt động ở vùng Calabria thì lại được gọi là “Ndrangheta”. Và giữa các nhóm băng đảng này cũng có những xung đột để gìn giữ ảnh hưởng và kiểm soát khu vực lẫn nhau.

Khi ra đời, quyển sách “Gomorra” đã nhanh chóng trở thành “best-seller”, và lập tức được dịch ra ở 52 quốc gia trên thế giới, và đến nay có hơn 4 triệu ấn bản bán được.

2 – Phản ứng của nhà văn Roberto Saviano sau khi nhận giải

Như ta đã biết là nhà văn Roberto Saviano, sau khi cho ra đời quyển sách nổi tiếng “Gomorra”, năm 2006, tố cáo tỉ mỉ về các tổ chức băng đảng xã hội đen “camorra” ở vùng Campagna miền nam nước Ý, thì ông ta đã phải sống ngày đêm với cận vệ của cảnh sát vì tính mạng bị hăm dọa liên tục. Đến cả khi cuốn phim “Gomorra”, được dàn dựng theo quyển sách của ông, trúng giải Grand Prix Special (giải “đặc biệt hạng nhất”) ở Festival điện ảnh ở Cannes năm 2008, ông cũng không thể có mặt trong buổi trao giải thưởng vì lý do an ninh.

Lần này, trong buổi lễ trao giải thưởng “Pen/Pinter”, Roberto Saviano cũng không thể đến dự, và ông đã gởi đến ban tổ chức thư cám ơn trong đó ông nhấn mạnh rằng “những câu văn chữ viết tố cáo của ông đã trở nên quá nguy hiểm cho những thế lực lúc nào cũng muốn ẩn trốn trong bóng tối”.

Trong các băng nhóm xã hội đen, thường có một bộ phận triệt hạ những người lên tiếng tố cáo.

3 – Phản ứng của dư luận Ý

Khi quyển sách “Gomorra” ra đời, cũng đã có nhiều ý kiến công luận ở Ý bàn tán sôi nổi. Không ai phủ nhận sự can đảm và hy sinh của nhà văn Roberto Saviano khi ông cho ra quyển sách như là một bản cáo trạng phơi bày ra trước công chúng cả một thế giới đen tối và nguy hiểm của băng đảng xã hội đen cùng với những đồng lõa của chúng. Cũng có một số ý kiến nhắc nhở rằng thực ra trước khi quyển “Gomorra” ra đời cũng đã có rất nhiều văn sĩ cũng như các ký giả đã phanh phui vấn nạn băng đảng, thậm chí cũng có người đã bị ám sát.

Nhưng có lẽ chính vì “hiện tượng Gomorra” đã được các mạng truyền thông “thổi phồng lên”, thí dụ như sau khi quyển “Gomorra” được dịch ra nước ngoài thì hằng loạt các du khách quốc tế khi đến Napoli đã cặp nách quyển “Gomorra” và đi tìm đến những địa danh đã được nhắc đến trong quyển sách để mong “mắt thấy tai nghe” các băng đảng ... cho nên công luận cứ ngỡ rằng Roberto Saviano là nhà văn đầu tiên tố cáo vấn nạn xã hội này.

4 – Sự ra đời của tác phẩm Gomorra có ảnh hưởng tích cực đến cuộc chiến chống Mafia - Mafia hiểu theo nghĩa rộng - không ?

Mặc dù trước “Gomorra” cũng đã có nhiều người, nhiều tác phẩm nói về các băng nhóm xã hội đen – Mafia. Nhưng phải công nhận rằng, chưa có một quyển sách nào dưới dạng tiểu thuyết, nói một cách rành rọt, cụ thể, tỉ mỉ, về các hoạt động của các băng đảng xã hội đen. Khi quyển sách ra đời, cùng cuốn phim cùng tên, khiến công luận lần đầu tiên thấy được một cách rõ ràng, tỉ mỉ, các hoạt động của các nhóm băng đảng xã hội đen.

Trước hết, nó giúp được cho quần chúng công luận ở Ý hiểu được, thế nào là phi pháp, thế nào là các hoạt động bất hợp pháp. Các băng đảng này, trong thời gian mấy thập niên gần đây, bắt đầu có những hoạt động rửa tiền, hay thâm nhập vào các tổ chức nhà nước rất sâu rộng. Bằng cớ là, hiện nay ở Ý có những luật phòng chống Mafia. Thí dụ như, một doanh nghiệp nào đó muốn mở một cơ sở hoạt động kinh tế ở một vùng miền Nam nước Ý, hay tham gia các đấu thầu của các công ty quốc gia, đều phải minh chứng với Nhà nước rằng, không có các dính líu gì đến các băng đảng xã hội đen – Mafia.

5 – Các hoạt động hiện nay của nhà văn Saviano

Hiện nay nhà văn Roberto Saviano vẫn tiếp tục hoạt động với những tố cáo về các vấn nạn xã hội đen, như thảm họa của các thuyền nhân từ Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp vào nước Ý xuyên qua các tuyến tổ chức vượt biển do các băng đảng xã hội đen kiểm soát với sự đồng lỏa của các chính phủ ở các khu vực Bắc Phi, như những tệ nạn về môi trường mà các tập đoàn kinh tế sản xuất công nghệ ở khu vực Bắc Ý vẫn hay lén lút, xuyên qua các băng đảng xã hội đen, để tống thải phi pháp các hóa chất độc hại trong những hầm hố bất hợp pháp ở miền Nam nước Ý, biến miền Nam nước Ý thành một bãi rác khổng lồ với những hệ lụy về môi trường, sức khỏe và kinh tế.

Các văn sĩ được nhận giải Pen/Pinter của Hội nhà văn English Pen

Năm 2010 : Nữ phóng viên Mêhicô, nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Lydia Cacho Ribeiro. Bà là tác giả một cuốn sách xuất bản năm 2005, viết về đường dây lạm dụng tình dục trẻ em tại Cancun (Mêhicô). Cuốn sách đụng chạm đến nhiều nhân vật đầy uy lực, khiến bà bị đe dọa ám sát.

Năm 2009 : Nghệ sĩ hài và đạo diễn Miến Điện Maung Thura (biệt danh ''Zargana''), được coi là nổi tiếng nhất Miến Điện. Năm 2008, ông bị chính quyền Miến Điện kết án 59 năm tù, vì đã nói với báo giới quốc tế về tình trạng hàng triệu người không có nhà ở sau trận bão Nargis và chỉ trích sự phản ứng chậm chạp của chính quyền. Trong đợt thả tù nhân chính trị ngày 12/10 vừa qua, ông đã được trả tự do.
 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.