Vào nội dung chính
Ý

Mất đa số tại Quốc hội, Thủ tướng Ý tuyên bố từ chức

Ngày 08/11/2011, Hạ Viện Ý bỏ phiếu về bản quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 của chính phủ Berlusconi. Văn kiện này đã được thông qua, thế nhưng kết quả bầu cho thấy Thủ tướng Ý không còn đa số tuyệt đối ở Quốc hội. Sau cuộc bỏ phiếu, ông Berlusconi cho biết ông sẽ từ chức.

Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi tuyên bố sẽ từ chức (REUTERS)
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi tuyên bố sẽ từ chức (REUTERS)
Quảng cáo

11:41

Thông tín viên Huê Đăng từ Roma

Từ Roma, Thông tín viên Huê Đăng phân tích rõ thêm về kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện Ý khiến cho Thủ tướng Berlusconi phải chấp nhận rời khỏi chức vụ, cho dù trước đó ít lâu, ông vẫn khăng khăng bám lấy quyền hành. 

Huê Đăng : Trưa ngày 08/11 vừa qua Hạ viện Ý đã bỏ phiếu để thông qua “bản kết toán tài chính ngân sách nhà nước năm 2010”. Kết quả là bản kết toán được thông qua dù chỉ có được 308 phiếu thuận và 1 phiếu trắng, bởi vì tất cả các lực lượng đối lập gồm 321 dân biểu đã không tham gia bỏ phiếu. 

Quyết định không tham gia bỏ phiếu của phe đối lập vừa để cho phép bản kết toán được thông qua nhưng đồng thời cũng để minh chứng trước công luận rằng chính phủ Berlusconi đã không còn có đa số: thật vậy, con số phiếu cần có để có đa số phải là 316, trong khi với kết quả 308 phiếu thuận hôm qua đã cho thấy là Hội đồng chính phủ của Berlusconi đã không còn đa số. 

Thủ tướng Berlusconi được 308 phiếu thuận trong lúc đa số quy định là phải được 316. Như vậy là dân biểu của đảng của Berlusconi bỏ rơi ông. Vì sao mà có tình trạng bỏ rơi như thế ? 

Huê Đăng : Trong thời gian gần đây, trước khủng hoảng kinh tế tài chánh ngày càng thêm trầm trọng, chính phủ Ý hiện tại đã không còn có uy tín trong cũng như ngoài nước để đối đầu với cảnh “dầu sôi lửa bỏng”, thì không phải chỉ có lực lượng đối lập kêu gọi Thủ tướng Berlusconi từ chức, mà thậm chí ngay đến cả nội bộ đảng của Berlusconi cũng đã có nhiều tiếng nói không đồng thuận với chính phủ. 

Đã có những nhóm dân biểu viết “tâm thư” kêu gọi chính phủ phải “thay đổi”, đã có những dân biểu đã chính thức tuyên bố rời bỏ đảng của Berlusconi. Nhưng trước mắt của Thủ tướng Berlusconi đơn thuần đấy chỉ là những tên “bội phản”. Chả thế mà ngay khi Hạ viện công bố kết quả số phiếu thuận là 308, Berlusconi đã ghi chú lên giấy hàng chữ “8 tên phản bội”. Hàng chữ này đã được các phóng viên nhiếp ảnh có mặt trong Hạ viện chụp và đưa lên báo chí. 8 tên phản bội tức là 8 phiếu thiếu để đạt được 316 phiếu, con số để đảm bảo đa số. 

Có rất nhiều lý do vì sao mà có hiện tượng “ly khai” trong nội bộ đảng của Berlusconi. Một trong những lý do chính là hiện nay công luận đều thấy rằng “hiện tượng Berlusconi” đã không còn “ăn khách” trên chính trường và sớm muộn gì thì tình hình chính trị Ý cũng sẽ phải “sang trang”, và đa số trong hàng ngũ đảng của Berlusconi chẳng ai muốn “chết chìm” theo con tàu Titanic này cả. Do đó trong thời gian gần đây đã xuất hiện những tiếng nói “ly khai”, những “tâm thư”, những lời “thỉnh nguyện”..., nội dung thực ra là để tìm đường tháo thân chính trị trước khi quá trễ. 

Nhưng dù với lý do nào đi nữa, hiện tượng “ly khai” trong nội bộ của đảng của Berlusconi cũng là một yếu tố tạo thuận lợi để chính trường Ý có thể sớm sang trang và để có thể có một Hội đồng chính phủ có đủ uy tín để đối đầu với tình hình kinh tế tài chính khó khăn hiện nay. 

Thủ tướng Berlusconi đưa điều kiện ông chỉ từ chức sau khi đề luật về ngân sách mới của Ý được thông qua, ông cũng đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Phải nhiểu như thế nào về những sự kiện này ? Tính toán của Berlusconi ra sao ? 

Huê Đăng : Thực ra thì trong trường hợp bình thường, bất cứ một Thủ tướng nào đứng trước con số phiếu thấp hơn con số cần có để minh chứng là mình có trong tay đa số ở Quốc hội, cũng sẽ phải tự động từ chức để Quốc hội tìm ra một đa số khác để đưa ra một Hội đồng chính phủ mới. Và theo Hiến pháp hiện hành của Ý, thì chỉ khi nào Quốc hội không tìm ra một đa số mới thì lúc đó Tổng thống Ý mới phải giải tán Quốc hội và cử tri sẽ phải đi bầu trước lúc mãn nhiệm kỳ Quốc hội. Đó là nói về Hiến pháp. Đó là “ví von” theo những “nghi thức” chính trị bình thường. 

Nhưng với một “quái kiệt” như đương kim Thủ tướng Silvio Berlusconi thì tất cả những nghi thức chính trị theo các điều khoản Hiến pháp hiện hành... đều chỉ là những kịch bản vô bổ của sân khấu chính trị. Nói “vô bổ” có nghĩa là nó không có ích lợi gì để giải quyết những mâu thuẫn quyền lợi của riêng cá nhân ông Berlusconi : vừa là một đại gia giàu có, với nhiều nợ nần công lý trước pháp luật (những vụ án xét xử về hối lộ, tham nhũng, gian lận sổ sách kế toán, thậm chí đến những nghi vấn về mãi dâm với gái vị thành niên như trường hợp vụ Rubygate nổi tiếng) vừa là Thủ tướng, tức là “vừa đánh trống vừa thổi kèn”. 

Quyết định chỉ từ chức sau khi Quốc hội thông qua gói luật về những chính sách kinh tế tài chánh để đối phó với khủng hoảng kinh tế tài chánh, gói luật mà chính Thủ tướng Berlusconi đã phải “nặn bút” viết ra dưới áp lực trực tiếp của Ủy Ban Châu Âu và của Ngân hàng trung ương Châu Âu (BCE), cũng có nghĩa là sớm lắm thì cũng phải đợi đến trung tuần tháng 11 này Berlusconi mới phải từ chức. 

Đó là nói sớm lắm. Chứ còn từ đây đến khi Quốc hội thông qua gói luật nói trên, thì không ai biết những “bất trắc” gì có thể xẩy ra ở Quốc hội. Trong quá khứ công luận đã phải nhiều lần chứng kiến những màn “mua bán dân biểu” nhờ đó mà một đại gia giàu có như ông Berlusoni, đã 11 lần được cứu vớt trong những lần bầu cử tín nhiệm (vote of confidence) ở Quốc hội. 

Trong thời gian sắp tới, tình hình chính trị Ý liệu sẽ có những biến chuyển như thế nào ? 

Huê Đăng : Một trong những câu “tụng niệm” mà Bersluconi ra rả hiện nay là .. nếu chính phủ bị đổ thì phải đi bầu lại Quốc hội trước nhiệm kỳ. Berlusconi tuyên bố rằng ông sẽ không chấp nhận bất cứ một Hội đồng chính phủ nào khác... ngoài hội đồng chính phủ Berlusconi. Nhưng đó là những lập luận vô căn cứ và không tuân thủ theo Hiến pháp hiện hành của Ý: khi một chính phủ ngã thì Quốc hội có nhiệm vụ phải tìm ra một đa số mới và nếu có đa số mới thì sẽ có Hội đồng chính phủ mới. Chỉ khi nào Quốc hội không tìm ra được đa số mới, thì cử tri mới phải đi bầu trước lúc mãn nhiệm kỳ. Lập luận của Berlusconi cũng chỉ là một cung cách hăm dọa chính trị kiểu như “ăn không được thì đạp đổ”. 

Các lực lượng phe đối lập thì đang có dự tính đề nghị bầu bất tín nhiêm chính phủ ở Quốc hội. Nhưng nếu bầu bất tín nhiệm thì Quốc hội cũng cần có ít nhất là từ 3 đến 5 ngày để lên lịch hoạt động Quốc hội. Do đó cũng không biết chắc là phe đối lập sẽ đợi Berlusconi “tự động” từ chức sau khi thông qua luật gói luật kinh tế tài chánh, hay sẽ tổ chức bầu bất tín nhiệm chính phủ. Điều chắc chắn là gói luật sẽ được thông qua vì trước nguy cơ khủng hoảng vỡ nợ nhà nước và dưới áp lực của Châu Âu, phe đối lập cũng sẽ không thể nào không cho thông qua gói luật (để tránh bị mang tiếng là thiếu trách nhiệm với đất nước). 

Cũng rất có thể là phe đối lập sẽ chấp nhận quyết định Berlusconi từ chức sau khi thông qua gói luật, vì như thế thì áp lực Châu Âu sẽ giảm đi, bằng ngược lại, nếu ngã Chính phủ ngay bây giờ, khi mà gói luật chưa được thông qua, thì trong suốt quá trình đi tìm đa số mới (không biết sẽ kéo dài bao lâu) thì kinh tế Ý lại phải đứng trước những nguy cơ khủng hoảng vỡ nợ với những tấn công trên thị trường chứng khoán. 

Quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước mãn nhiệm kỳ có lẽ là quyết định xấu nhất cho nước Ý. Xấu vì nhiều lẽ. 

Thứ nhất là nếu phải đi bầu lại Quốc hội, thì sớm lắm cũng phải đợi đến tháng giêng năm 2012, thậm chí còn có thể đến mùa Xuân. Điều đó có nghĩa là từ đây cho đến đó, nước Ý sẽ vừa phải sống trong bầu không khí tranh cử với nền kinh tế tài chánh đang bị khủng hoảng với nguy cơ vỡ nợ ... và chắc chắn là thị trường chứng khoán thế giới sẽ có những màn “tấn công ngoạn mục” vào nền kinh tế tài chánh của Ý trong mùa tranh cử. Đấy là cái giá mà cả nước Ý sẽ phải hứng chịu dù với kết quả bầu cử như thế nào. 

Thứ hai là với luật bầu cử hiện hành, một luật bầu cử tồi tệ do chính phe liên minh của Berlusconi nặn ra trước đây, theo đó thì cử tri không còn có quyền đích thân chọn dân biểu mà chỉ bỏ phiếu cho các đảng chính trị, và dựa trên kết quả bầu cử, mỗi đảng sẽ tự đề ra số lượng dân biểu đưa vào Quốc hội, và dĩ nhiên là lãnh đạo của các đảng chỉ chọn dân biểu dựa trên mức độ “trung thành” đối với ban lãnh đạo đảng.

Luật bầu cử như thế đã tạo ra một tầng lớp dân biểu Quốc hội chỉ biết vâng dạ theo mệnh lệnh của tổ chức đảng và xa rời hoàn toàn với cử tri. Đấy chính là hệ lụy mà hiện nay xã hội Ý đang phải gánh chịu với một đẳng cấp dân biểu chỉ biết xôi thịt cho chính mình và cho quyền lợi của đảng. 

Thứ ba là hiện nay con số dân biểu Quốc hội của Ý quá cao, có đến 630 dân biểu hạ viện và 315 nghị sĩ thượng viện, tức là con số dân biểu Quốc hội lên đến gần 1 ngàn người. Trong khi đó, lấy một ví dụ như nước Mỹ, cử tri đông hơn ở Ý, thế mà Quốc hội Mỹ hiện nay chỉ có khoảng 500 dân biểu, tức là chỉ bằng phân nữa số dân biểu ở Ý. Đã nhiều năm nay, rất nhiều tiếng nói đề nghị “cắt giảm biên chế Quốc hội”, nhưng gần như chỉ là “nước đổ lá môn”, thực ra đảng nào cũng muốn giữ cao con số dân biểu để hy vọng khi thắng cử sẽ có thừa lực lượng áp đảo các đối thủ chính trị. Muốn thay đổi con số dân biểu là cần phải thay đổi một số luật Hiến pháp, và điều này cần đòi hỏi thời gian vì thông thường muốn thay đổi luật trong hiến pháp cần phải có đến 6 tháng “bàn thảo” trong Quốc hội mới có thể thay đổi được. 

Do đó, nếu muốn có một đổi mới trong đời sống chính trị Ý, thì Quốc hội cần phải có thời gian để chuẩn bị luật lệ bầu cử. Nếu phải đi bầu ngay lập tức thì nước Ý lại cũng đưa ra một đẳng cấp dân biểu Quốc hội xa rời với đời sống thực sự của cử tri. 

Như vậy là chỉ còn lại có giải pháp đưa ra một đa số mới ở Quốc hội để thành lập một chính phủ mới. Đây là giải pháp mà các lực lượng đối lập đã nêu lên từ mấy tuần nay với từ vựng “Chính phủ cứu quốc” (Governo di salvezza nazionale). Nhưng giải pháp này có một yêu cầu cốt lỏi mà chưa ai biết sẽ giải quyết như thế nào.

 Về mặt tổ chức, đúng theo nghĩa “cứu quốc”, thì đây sẽ là một chính phủ mở rộng với tất cả các lực lượng chính trị yêu nước, không phân biệt màu sắc chính trị, với mục tiêu là lèo lái con thuyền nước Ý vượt cạn trong cơn nguy khốn hiện nay. Dĩ nhiên đây là một chính phủ kiểu “lâm thời”, có thể chỉ kéo dài tối đa cho đến năm 2013, tức là khi Quốc hội mãn nhiệm kỳ. Tất cả các lực lượng chính trị cũng đều ý thức rằng sau khi “vượt cạn”, mỗi lực lượng rồi sẽ đường ai nấy đi, trở lại đời sống tranh đấu chính trị bình thường . 

Nhưng khi “không phân biệt màu sắc chính trị” thì cũng có nghĩa là hai đảng lớn nhất hiện nay là Đảng Tự Do của Berlusconi và Đảng Dân Chủ (đối lập) sẽ phải ngồi chung với nhau trong một chính phủ. Điều này cũng gần như là điều kiện tối cần để Chính phủ có được ổn định chính trị để có thể đưa nước Ý “vượt cạn”. Chỉ cần một trong hai đảng này làm đối lập thì coi như nước Ý lại mất ổn định chính trị. Và điều này cũng có nghĩa là tạm thời mô hình “lưỡng đảng” phải bị “đông lạnh”. 

Thật ra thì mô hình lưỡng đảng ở Ý cũng chưa bao giờ thật sự hoạt động, bởi vì trong bất cứ nhiệm kỳ Quốc hội nào, con số phiếu của hai đảng lớn vẫn ngang ngửa ... và do đó, để có thể lập chính phủ, các đảng lớn rồi cũng phải dựa vào số phiếu ít ỏi của một vài đảng “trung dung – ôn hòa” (kiểu “lực lượng thứ ba”) để có đa số, rốt cuộc rồi lúc nào vận mạng của nước Ý cũng chỉ nằm trong tay của các lực lượng chính trị bé nhỏ, cộng lại có khi chưa đến 15% số phiếu, và chỉ cần một vài “vòi vĩnh” nào đó của các đảng bé nhỏ này là chính phủ Ý lại đứng trước nguy cơ mất ổn định. 

Do đó đứng trước giải pháp “Chính phủ cứu quốc”, hai câu hỏi đặt ra. Một là liệu một đảng như đảng Tự Do của Berlusconi, do chính bàn tay của Berlusconi đào nặn và mang đậm dấu ấn “chủ nhân ông” như một cơ sở kinh tế thuần túy, có chủ có thợ, có thể một sớm một chiều hóa thân thành một đảng chính trị theo đúng nghĩa của nó để có thể có một đời sống chính trị bình thường ? Thí dụ nên nhớ là cho đến nay, Đảng Tự do của Berlusconi, sau gần hai thập niên hoạt động chưa hề có một đại hội đảng, và các nhân sự đảng đều do “trên chỉ định” chứ không do cơ sở bầu ra. Câu trả lời .... rất khó (e là không). 

Hai là trong một chính phủ cứu quốc mà lại có mặt của chính những lực lượng chính trị đã có trách nhiệm gây ra tình trạng ách tắc hiện nay. Chẳng khác nào người gây ra tai nạn... lại cũng là người cứu nạn ? Trên lý thuyết thì cũng rất có thể xẩy ra như thế, nhưng với điều kiện là người gây ra tai nạn phải ý thức được những tai ách do mình gây ra ... và thay đổi tư duy. Liệu Berlusconi có để cho Đảng Tự Do thay đổi tư duy hay không ? 

Đó là những nghi vấn mà trong nay mai cần phải có đáp số để biết số phận nước Ý rồi sẽ đi về đâu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.