Vào nội dung chính
Ý - KINH TẾ

Hạ viện Ý biểu quyết dự luật ổn định tài chính

Một ngày sau Thượng viện, hôm nay, 12/11/2011, đến lượt Hạ viện Ý biểu quyết thông qua các kế hoạch cắt giảm chi tiêu, thúc đẩy tiến trình cải tổ đem lại tăng trưởng cho kinh tế quốc gia. Liền sau đó, thủ tướng Berlusconi triệu tập nội các và chính thức tuyên bố từ chức.

Quốc hội Ý thảo luận kế hoạch cải cách kinh tế, 12/11/2011
Quốc hội Ý thảo luận kế hoạch cải cách kinh tế, 12/11/2011 REUTERS
Quảng cáo

Theo dự kiến, vào 12 giờ 30 trưa nay, giờ địa phương, Quốc hội Ý bắt đầu thảo luận về các biện pháp thắt lưng buộc bụng để giới hạn bội chi ngân sách nhà nước cho tài khóa 2012. Đến 3 giờ chiều, Hạ viện bắt đầu biểu quyết. Hai giờ sau, thủ tướng Berlusconi chủ trì cuộc họp của Hội đồng chính phủ cuối cùng trước khi trình lên tổng thống Giorgio Napolitano đơn xin từ chức.

Silvio Berlusconi, 75 tuổi, từ năm 1994 tới nay đã ba lần giữ chức thủ tướng. Có nhiều khả năng ông Mario Monti, 68 tuổi sẽ được chỉ định đứng đầu nội các. Tân thủ tướng Ý sẽ phải hoàn tất việc thành lập nội các vào tối ngày 13/11/11. Theo giới quan sát, Roma đang chạy nước rút trong việc thành lập chính phủ mới nhằm trấn an các nhà đầu tư trong bối cảnh giới đầu tư quốc tế ngày càng mất tin tưởng vào chính quyền Berlusconi và nước Ý khó có thể cầm cự được lâu dài khi phải đi vay tín dụng dài hạn 10 năm với lãi suất cao kỷ lục là 7 %.

Ông Mario Monti nguyên là Ủy viên châu Âu. Trong 10 năm liền ông đã đặc trách các hồ sơ kinh tế, thương mại của toàn khối euro và được xem là một chính trị gia có uy tín đối với giới đầu tư. Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế bà Lagarde tán đồng việc tổng thống Napolitano chỉ định ông Monti vào chức vụ thủ tướng.

Nhiệm vụ trước mắt của nội các sắp tới là phải hoàn tất kết hoạch tăng trưởng của nước Ý, bắt đầu áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu như đã cam kết. Các khoản chi tiêu công cộng của Ý, và ngân sách nhà nước bị đặt dưới sự giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và châu Âu.

Cụ thể hơn, tân chính phủ Ý sẽ phải tiến hành hàng loạt các biện pháp cải tổ đã cam kết như là :

- mở cửa thị trường để kích thích cạnh tranh,

- hỗ trợ sản xuất và đầu tư nhờ giảm thuế doanh nghiệp,

- kéo dài thời gian lao động của giới làm công ăn lương, cải tổ thị trường lao động,

- giảm bớt khối lượng công nhân viên chức nhà nước,

- giảm nợ công hiện lên tới 1900 tỷ euro, tương đương với 120 % tổng sản phẩm nội địa. Chính khoản nợ công khổng lồ của Ý gây lo ngại cho các nhà đầu tư quốc tế và các định chế đa quốc gia như IMF hay Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.