Vào nội dung chính
HY LẠP - KINH TẾ

Châu Âu chi 8 tỷ euro để cho Hy Lạp tránh vỡ nợ

Bộ trưởng tài chính các nước khu vực sử dụng đồng euro họp lại tại Bruxelles hôm qua 29/11/2011, đã chấp nhận tháo khoán 8 tỷ euro cho Hy Lạp, để quốc gia này không lâm vào cảnh mất khả năng chi trả vào 15/12 tới đây. Đây là khoản tiền chưa giải ngân nằm trong kế hoạch cấp cứu đầu tiên, đưa ra vào tháng 7/2010.

Đương kim thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos (Getty Images)
Đương kim thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos (Getty Images)
Quảng cáo

Với quyết định hôm qua, Hy Lạp sẽ nhận được 5,8 tỷ của Châu Âu, phần còn lại trên số 8 tỷ còn phải đợi chấp thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI, dĩ nhiên là FMI cũng sẽ đồng ý. 

17 quốc gia vùng đồng euro đã chấp thuận trên nguyên tắc việc tháo khoán nói trên trước khi cựu thủ tướng Hy Lạp Papandreou từ chức. Nhưng họ đã thông báo là chỉ đưa ra quyết định cuối cùng khi nhận được văn bản cam kết của 3 đảng lớn ủng hộ chính quyền đoàn kết dân tộc hiện nay là sẽ thực hiện các cải tổ mà thủ tướng từ nhiệm đã hứa. Sau một thời gain chần chừ, cuối cùng 3 đảng Hy lạp đã phải chấp nhận đáp ứng yêu cầu trên. 

Việc tín dụng được tháo khoán đã mang lại ngụm dưỡng khí cho Athens, nhưng Châu Âu cho biết vẫn duy trì sức ép để Hy Lạp tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng. Hy Lạp sẽ thảo luận thêm về lộ trình khắc khổ mới với 3 nhà tài trợ chính Liên Hiệp Châu Âu, FMI và Ngân hàng Châu Âu sau cuộc họp thượng đỉnh châu Âu vào tuần tới. 

Hôm nay bộ Tài chính Hy Lạp cho biết đã ‘chính thức’ thương lượng với các chủ nợ tư - các ngân hàng - của Hy Lạp hầu giảm nợ. Đàm phán diễn ra giữa Hy Lạp và tổ chức ngân hàng quốc tế IIF, nhưng cũng có sự tham gia của nhóm nước dùng đồng euro, Eurogroup, Ủy ban Châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, BCE, và Quỹ Bình ổn Châu Âu. 

Cũng trong cuộc họp hôm qua tại Bruxelles, chủ tịch Nhóm dùng đồng euro là thủ tướng Luxembourg, Jean - Claude Junker thông báo là các bộ trưởng Tài chính của vùng sẽ xem xét việc gia tăng nguồn tài chính cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Theo nguồn tin Châu Âu, FMI có thể được sử dụng để Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể gián tiếp giúp đỡ các quốc gia Châu Âu trong vùng đồng euro đang bị khó khăn như Ý, Tây Ban Nha. 

Xin nhắc lại việc Ngân hàng Châu Âu can thiệp trợ giúp hiện nay vẫn không được Đức chấp nhận, mặc dù Pháp lên tiếng thúc giục.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.