Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Chống khủng hoảng nợ : khối euro đạt đồng thuận tối thiểu

Liên Hiệp Châu Âu thực hiện được một bước tiến ít oi so với quy mô của khủng hoảng nợ sau 10 tiếng đồng hồ thương lượng từ chiều ngày 08 đến sáng ngày 09/12/2011. Hai nguyên nhân chính : Đức dứt khoát không đóng góp thêm còn Anh Quốc từ chối tham gia. 

Thủ tướng Anh, Cameron tại thượng đỉnh Châu Âu 08/12/2011
Thủ tướng Anh, Cameron tại thượng đỉnh Châu Âu 08/12/2011 Reuters
Quảng cáo

Kết quả duy nhất mà hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu đạt được vào đêm qua 08/12/11 tại Bruxelles là đồng ý « tăng cường kỷ luật ngân sách ». Trong trường hợp vi phạm sẽ bị trừng phạt « gần như là tự động ».

Dưới sức ép của Đức và Pháp, thỏa thuận này thật sự chỉ có 23 nước chấp thuận gồm 17 thành viên vùng euro và 6 nước ngoài euro. Hai quốc gia xin chờ một thời gian trước khi trả lời là Cộng Hòa Séc và Thụy Điển nhưng có hai nước không tham gia là Hungary và Anh Quốc.

Để xoa dịu phe « hoài nghi châu Âu » trong nội bộ, Thủ tướng Anh yêu cầu đặt thị trường tài chính Luân Đôn ra khỏi khuôn khổ kiểm soát, nói cách khác là Luân Đôn muốn được miễn trừ các biện pháp trói buộc tài chính. Đức và Pháp không chấp nhận điều kiện này.

Hậu quả là Anh Quốc đứng ngoài thỏa thuận « kỷ luật ngân sách ».

Tuy nhiên, thành phần cốt lõi còn lại cũng không có giải pháp chữa cháy dập tắt khủng hoảng nợ công trong ngắn hạn.Nhiều giải pháp đã bị dẹp qua vì thái độ khăng khăng chống đối của Đức.

Hai biện pháp thỏa hiệp đêm qua là thành lập « Cơ chế ổn định châu Âu MES», tiến hành sớm hơn một năm, kể từ tháng 7 năm 2012. Thứ hai là « Quỹ Bình Ổn Tài Chính Châu Âu » FESF được gia hạn đến giữa năm 2013.

Vấn đề là phải mất nhiều tháng nữa thì Cơ chế Ổn định MES mới đi vào hoạt động trong khi đó thì khủng hoảng mỗi ngày mỗi nghiêm trọng và chịu áp lực thường trực của thị trường tài chính. Cụ thể là Moody’s vừa hạ điểm tín nhiệm của 3 ngân hàng Pháp ngay trong ngày.

Mặc khác, khả năng cho vay của cơ chế MES cũng là một vấn đề gây tranh luận. Trên lý thuyết, MES có 500 tỷ euro nhưng vì Đức sợ phải chi thêm nên giải thích là 500 tỷ là tính chung cả hai quỹ MES và FESF.

Một phương án khác cũng bị Đức từ chối là cho phép Cơ chế Ổn định vay tiền của Ngân hàng trung ương châu Âu vô giới hạn.

Thủ tướng Merkel cũng không chấp thuận đưa vào bản tuyên bố chung khả năng sử dụng euro- công trái phiếu để trợ giúp nhau. Thế mà, giải pháp này được nhiều nhà kinh tế xem là liều thuốc trấn an giới đầu tư chứng khoán. Hậu quả là các sàn giao dịch từ Á Châu đến châu Âu đều mất điểm.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đề nghị thảo luận lại đề tài công trái phiếu này một khi « biển lặng sóng yên ».

Trong khi chờ đợi , các quốc gia vùng euro chỉ còn trông cậy vào Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc tế để vay tiền khi hết đường tiến thủ.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.