Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Dân Ý cắn răng nuốt viên thuốc đắng để vực dậy kinh tế

Ngày 04/12 tân Thủ tướng Ý, ông Mario Monti, thông báo đề luật thắt lưng buộc bụng 30 tỉ euro cho năm 2012. Bộ trưởng Lao động khóc trong buổi họp báo khi thông báo cắt giảm lương hưu, trợ cấp cho người già. Ban hành những biện pháp không được lòng dân nhưng ông Monti vững tin ở tương lai nước Ý.

Thủ tướng Ý Mario Monti họp báo ngày 05/12/2011
Thủ tướng Ý Mario Monti họp báo ngày 05/12/2011 REUTERS/Tony Gentile
Quảng cáo

08:41

Thông tín viên Huê Đăng- Roma

Tiết kiệm 20 tỷ euro cho tài khóa 2012

Ngày 04/12/2011 tân Thủ tướng Ý, Mario Monti họp Hội đồng chính phủ để đưa ra đề luật thắt lưng buộc bụng với mệnh giá là 30 tỉ euro cho năm 2012. Trong đó 20,2 tỉ gồm giảm chi nhà nước và phần còn lại 9,8 tỉ là tăng thuế. Hai ngày sau, đề luật trên đã được đưa ra Quốc hội và theo dự tính là Hạ viện sẽ phê chuẩn trước ngày Giáng sinh.

So với gói đề luật trước đây của Hội đồng chính phủ Berlusconi với mệnh giá là 45 tỉ euro nhưng kéo dài cho đến năm 2013, trong khi 30 tỉ thắt lưng buộc bụng của ông Mario Monti chỉ “gói gém” trong năm 2012, như thế thì gói thắt lưng buộc bụng của tân Thủ tướng Mario Monti tính ra nhiều “mồ hôi nước mắt” hơn.

Tăng thuế và giảm trợ cấp xã hội

Gói đề luật lần này một mặt tăng thuế, nhất là thuế bất động sản mà trước đây trong mùa tranh cử năm 2008 Berlusconi, với mục tiêu câu phiếu, đã tuyên bố hủy bỏ dù rằng chính phủ Berlusconi không hề nghiên cứu trước sẽ phải đối đầu với nguồn thất thu thuế bất động sản bằng cách nào. Thuế bất động sản, một thứ thuế mà hầu như đại bộ phận gia đình ở Ý đều sẽ phải đóng vì nhà cửa, nhất là nhà để ở là một trong những mục tiêu hàng đầu của mỗi gia đình Ý.

Bên cạnh đó, nhà nước sẽ tăng thuế tiêu dùng, nhất là thuế lên xăng dầu, thuế lên các phiên giao dịch tài chánh, thuế lên các mặt hàng cao cấp như xe hơi phân khối lớn, hay thuyền bè ...

Song song đó là những biện pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước : những chi tiêu ở Quốc hội, những chi tiêu trong các cơ chế nhà nước trung ương cũng như địa phương, và nhất là cắt giảm các chi tiêu trong các hoạt động phúc lợi xã hội.

Nhìn phản ứng của công luận Ý, và của các lực lượng chính trị, thì phải nói là phần tăng thuế gần như có được sự đồng thuận toàn vẹn. Vì thật tâm mà nói, thí dụ như thuế bất động sản, không phải là thuế mà chính phủ Mario Monti nặn ra lần này, mà thực ra là thuế đã có từ năm 1992, tức là mấy chục năm trước đây người dân Ý đều chấp nhận đóng thuế bất động sản. Nhưng chỉ đến năm 2008, với mục tiêu câu phiếu, Berlusconi đã ngang nhiên tuyên bố hủy bỏ thuế bất động sản nếu ông đắc cử. 2008 Berlusconi đắc cử, thế là thuế bất động sản bị hủy bỏ.

Nói là Berlusconi đã “ngang nhiên” hủy bỏ thuế bất động sản bởi vì khi tuyên bố hủy bỏ thuế này, vốn là một trong những khoản thu lớn của ngân sách nhà nước, Berlusconi không hề có một phương án nào để đối phó thất thu ngân sách. Hậu quả là trong mấy năm nay là nhà nước đã phải cắt bỏ rất nhiều phúc lợi xã hội vì không có đủ ngân sách. Do đó, chuyện tăng thuế hay đóng thuế bất động sản trở lại, đối với những người có hiểu biết thì người ta có thể có sự “cắn răng” đồng thuận.

Nhưng điều đáng chú ý là đây là lần đầu tiên chính phủ Ý đã thực sự đụng đến chuyện “nhậy cảm” nhất của xã hội Ý: trong đề luật lần này, chính phủ Ý đã đưa ra chi tiết về dự án cải tổ lại hệ thống hưu trí ở Ý. Nếu trước đây con số năm lao động đóng góp tối thiểu để có thể về hưu “trọn vẹn” là 35 năm thì với đề luật mới này con số năm đóng góp sẽ tăng lên thành 42 năm (41 năm cho phụ nữ), và tuổi về hưu sẽ tăng từ 65 thành 66 năm cho đàn ông và từ 60 năm thành 62 năm cho phụ nữ. Điều này đã gây ra tranh cải sôi nổi hiên nay trong công luận, và các lực lượng chính trị, dù rằng phần lớn hiện nay đều nằm trong phe đa số của chính phủ, nhưng cũng đã có nhiều tiếng nói chỉ trích và hăm dọa sẽ không bỏ phiếu thông qua gói luật.

Những giọt nước mắt của bộ trưởng Lao động

Thậm chí, để có thể diễn tả vấn đề hưu trí nhậy cảm đến độ nào, thì chỉ cần nhớ lại là hôm 04/12/2011trong buổi họp báo để Hội đồng chính phủ ra mắt báo chí gói đề luật, bà Bộ trưởng lao động, Elsa Fornero, vốn là một nhà nghiên cứu kỳ cựu về các hệ thống tổ chức phúc lợi xã hội, đã không cầm được nước mắt khi trình bày những nét chánh về cải tổ hưu trí trong đó bà phải nhắc đến những “khắc khổ” và “hy sinh” mà giới lao động sẽ phải gánh chịu trong những năm sắp tới để cứu vãn tình hình khủng hoảng của Ý.

Dĩ nhiên là sau đó những giọt lệ của Bà Bộ trưởng lao động cũng đã “được” toàn bộ giới truyền thông “mổ xẻ” với nhiều ý kiến chia xẻ và thông cảm nhưng cũng không thiếu những phê phán với những luận điệu cho rằng đấy chỉ là những “giọt nước mắt cá sấu”. Nhưng bỏ qua một bên ý kiến tán ra hay tán vào trước những giọt lệ, điều đáng chú ý là vấn đề hưu trí là điểm nóng nhất trong gói đề luật thắt lưng buộc bụng. Nóng nhất bởi vì cải tổ này sẽ tác động lên đến hàng loạt mấy triệu lao động trong những năm tới sẽ vào tuổi hưu trí, và sẽ ảnh hưởng lên đến hàng mấy thế hệ sắp tới. Và cũng đồng thời là cải tổ có tính cách cấu trúc của ngân sách nhà nước.

Nên nhớ là hiện nay, theo thống kê nhà nước đến năm 2010 thì Ý đã có đến hơn 16 triệu người hưu trí, ngân sách cho hưu trí lên đến hơn 165 tỉ Euro, và tính ra hiện nay thì cứ 100 người lao động đã phải “nuôi” đến 70 người già hưu trí, và theo ước tính thống kê thì tuổi thọ sẽ càng cao và mô hình dân số càng ngày sẽ càng phình to trong khu vựci thuộc tuổi hưu trí.

Kêu gọi toàn dân hy sinh

Trong buổi họp báo, Thủ tướng Mario Monti đã nhấn mạnh rằng khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay rất trầm trọng và nước Ý đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nguy cơ hôm nay, theo nhận xét của Thủ tướng Mario Monti, chính vì trong quá khứ các lực lượng chính trị chỉ thấy được các mục tiêu ngắn hạn trong các cuộc chạy đua tranh cử mà không hề có được một cái nhìn mang tầm vóc lâu dài trong đó có sự chuyển đổi giữa các thế hệ.

Gói đề luật thắt lưng buột bụng, vẫn theo nhận xét của Mario Monti, là nhắm vào mục tiêu đưa nước Ý qua cơn khủng hoảng hiện nay, gây lại uy tín cho nước Ý trên sân khấu quốc tế và khôi phục lại vị trí của Ý trong cơ cấu hệ thống Châu Âu.

Thủ tướng Mario Monti cũng bày tỏ tin tưởng rằng, với sự cố gắng của toàn thể nước Ý, nước Ý có khả năng sẽ tránh nguy cơ vỡ nợ.

Các biện pháp trong gói luật đều dựa vào 3 nền tảng cơ bản lớn: kỷ cương ngân sách, phát triển kinh tế, và công bằng xã hội. Về yêu cầu kỷ cương ngân sách thì công luận hoàn toàn nhất trí, nhưng về mặt phát triển kinh tế thì vẫn còn có nhiều điểm mà các lực lượng chính trị cho rằng các biện pháp chưa tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là chưa chủ động tạo công ăn việc làm nhầm giảm nạn thất nghiệp. Nhưng chính điểm công bằng xã hội là điểm đang bị công luận và các lực lượng chính trị cánh tả cùng với công đoàn nghiêm khắc lên án, bởi vì theo các lực lượng này, các biện pháp vẫn còn mang đậm nét hy sinh chính trong giới lao động, nhất là ở tầng lớp nghèo khó thấp kém trong xã hội.

Trong một buổi phỏng vấn truyền hình, khi người phỏng vấn thông báo rằng trước chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ kỹ trị, các thống kê thăm dò ý kiến cho thấy là Thủ tướng Mario Monti đã mất đi 9 điểm trong mức độ đồng thuận của người dân, Thủ tướng Mario Monti đã không hề nao núng và phản ứng rằng: “Nếu chỉ mất có 9 điểm ... có nghĩa là gói thắt lưng buột bụng còn có thể gắt gao hơn nữa ...”. Điều này chứng tỏ rằng tân chính phủ kỹ trị thừa biết rằng những biện pháp đưa ra sẽ là những biện pháp không hạp lòng dân, nhưng cũng chính là những biện pháp không tránh khỏi. Như thuốc đắng cần thiết để cứu con bệnh. Và cũng chính vì những biện pháp không hạp lòng dân này mà không có một liên minh chính trị nào đã có đủ can đảm đứng ra thành lập chính phủ ... Và ông Mario Monti thừa biết chuyện đó, và ông cũng thừa biết chính nước Ý đã đi tìm thầy thuốc chứ không phải thầy thuốc đi cầu lụy bệnh nhân.

Mấy hôm nay trong bầu không khí sôi động của công luận trước những biện pháp thắt lưng buộc bụng thì lại nổ ra tranh cải về chuyện miễn thuế bất động sản và thuế lợi tức thương mãi cho các cơ sở của Tòa thánh. Công luận đã lớn tiếng phê phán về tình trạng miễn thuế này, nhiều lực lượng chính trị cánh tả cũng bắt đầu đề cập đến chuyện "bất công" này.

Theo ước tính thì cho đến nay, con số thuế mà nhà nước miễn cho Tòa thánh hàng năm lên đến khoảng 700 triệu Euro. Từ khoảng đầu thập niên 2000, chính Ủy Ban Châu Âu cũng đã "vặn hỏi" chính phủ Ý về chuyện miễn thuế cho Tòa thánh, vì chuyện miễn thuế này, nhất là đối với những cơ sở hoạt động kinh tài cho Tòa thánh như trường tư, bệnh viện tư, nhà trọ cho giáo dân và du khách ... mang màu sắc cạnh tranh thương mãi không lành mạnh trên thị trường. Lần đó, chính phủ Ý trung tả của Romano Prodi đã phải đưa ra luật là chỉ miễn thuế cho những cơ sở nào không hoàn toàn hoạt động thương mãi. Nhưng chính cái từ vựng "hoàn toàn" lại là vùng tranh tối tranh sáng ... vì không ai biết đánh giá "hoàn toàn" có nghĩa là phải căn cứ vào những thông số nào ... Do đó, tình trạng miễn thuế cho Tòa thánh vẫn ... y như cũ.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.