Vào nội dung chính
ĐAN MẠCH - CHÂU ÂU

Đan Mạch làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu

Ngày hôm nay, 01/01/2012, Đan Mạch chính thức thay thế Ba Lan, đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu trong vòng sáu tháng.

Thủ tướng Đan Mạch, bà Helle Thorning-Schmidt trong một cuộc họp báo tại Bruxelles.
Thủ tướng Đan Mạch, bà Helle Thorning-Schmidt trong một cuộc họp báo tại Bruxelles. REUTERS/Sebastien Pirlet
Quảng cáo

Vương quốc Đan Mạch, với 5,6 triệu dân, đặt ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ làm chủ tịch châu Âu là giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, vai trò của Copenhagen trong hồ sơ này sẽ hạn chế bởi vì Đan Mạch, cùng với 9 thành viên Liên Hiệp Châu Âu khác, trong đó có Anh Quốc, không dùng đồng euro.

Khi thừa nhận rằng 17 nước trong khu vực euro có nhu cầu thảo luận riêng với nhau để đưa ra một số quyết định, Thủ tướng Đan Mạch, bà Hell Thorning-Schimidt nhấn mạnh là Pháp – Đức, hai trụ cột trong Liên Hiệp Châu Âu cũng như trong khu vực euro, nên tham khảo ý kiến của toàn bộ 27 thành viên, khi các quyết định nói trên có liên quan đến toàn khối và điều này sẽ có lợi cho Paris và Berlin.

Thủ tướng Đan Mạch tuyên bố sẽ cố gắng làm cầu nối giữa khu vực euro 17 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu 27 thành viên, để ngăn cản hố ngăn cách giữa hai nhóm nước.

Nhiệm vụ này không hề đơn giản đối Đan Mạch trên cương vị chủ tịch luân phiên, vì từ sau Hiệp định Lisboa, châu Âu có một chủ tịch thường trực. Thêm vào đó là việc Anh Quốc lại không tham gia các cuộc thương lượng sửa đổi hiệp định châu Âu.

Một công việc khác cũng gai góc: Đan Mạch sẽ phải dàn xếp rất nhiều bất đồng nẩy sinh trong quá trình đàm phán về ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu giai đoạn 2014 – 2020.

Ngoài hồ sơ khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro và đàm phán ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu, chính quyền Copenhagen cho biết các ưu tiên khác của Đan Mạch trong nhiệm kỳ làm chủ tịch là tạo việc làm, tăng trưởng, đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đàm phán với một số quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Tunisia, Canada để giúp các doanh nghiệp châu Âu phát triển thương mại.

Phần còn lại, chương trình hành động của Đan Mạnh về cơ bản là tiếp tục các công việc mà Ba Lan đã tiến hành, như thúc đẩy tiến trình hội nhập thị trường duy nhất, phát triển các cơ sở trong lĩnh vực giao thông của các nước châu Âu, thành lập một thị trường chung về công nghệ tin học, cải thiện các biện pháp kiểm soát biên giới chung và vấn đề nhập cư.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.