Vào nội dung chính
SYRIA - LIÊN HIỆP QUỐC

Người dân Syria bị bỏ rơi vì cộng đồng quốc tế thiếu cương quyết

50 nhân vật tiếng tăm trên thế giới kêu gọi quốc tế « rút giấy phép sát nhân » của Tổng thống Syria. Tại Hội Đồng Bảo An, ngoại trưởng Pháp lên án « các chính phủ ương ngạnh » đồng lõa với tội ác và cảnh báo lãnh đạo Syria sẽ đền tội trước Tòa án hình sự quốc tế. Tuy nhiên, khác với trường hợp Libya, không một ai ngăn chận thảm sát tại Syria.

Ngoại trưởng Mỹ  Hillary Clinton (T) Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, và Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, ngày  12/03/ 2012.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (T) Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, và Ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, ngày 12/03/ 2012. REUTERS/Lucas Jackson
Quảng cáo

Hội Đồng Bảo An nhóm họp vào hôm nay để thảo luận về « bài học Mùa Xuân Ả Rập » và hồ sơ Syria, tiếp theo hai dự thảo nghị quyết bị Matxcơva và Bắc Kinh phủ quyết.

Trên báo Financial Times, 50 nhân vật có tiếng tăm từ 27 nước trên thế giới ký chung một lời nhận định « tình trạng chia rẽ trong cộng đồng quốc tế đã cho phép Al Assad tờ giấy phép giết người ».

Bức thư do cựu tổng thống Nam Phi Frederick de Klerk, cựu bộ trưởng tư pháp Pháp Robert Badinter, giải Nobel hòa bình người Iran Shirin Ebadi, và Leymah Gbowee, người Liberia kêu gọi Hội Đồng Bảo An phải ra nghị quyết chấm dứt tình trạng này.

Cùng lúc đó, tại Hội Đồng Bảo An, tuy không gọi đích danh Nga và Trung Quốc, ngoại trưởng Pháp Alain Jupé lên án thái độ của một số chính phủ là ông gọi là « lạc hậu và ương ngạnh » trong tội ác. Al Assad bị cảnh báo là sẽ bị truy tố về tội ác chiến tranh.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton kêu gọi Nga và Trung Quốc hãy ủng hộ kế hoạch của Liên Đoàn Ả Rập nhưng đến nay Tây phương vẫn gặp thái độ gần như không khoan nhượng của Matxcơva và Bắc Kinh.

Tại chỗ, quân chính phủ tiếp tục tấn công vào thường dân và lực lượng nổi dậy làm hơn 8.500 người thiệt mạng kể từ khi phong trào đòi dân chủ trỗi dậy tại Syria hồi tháng ba năm ngoái trong xu thế Mùa Xuân Ả Rập.

Quân đội Damas cũng bị thiệt hại nặng với những trận phản kích của Quân đội Tự do Syria mà nòng cốt là quân nhân đào ngũ trong số này có ít nhất là 6 chuẩn tướng.

Nếu Hội Đồng Bảo An không bị tê liệt thì làm sao chế độ Damas có thể tồn tại và tiếp tục đàn áp ?

Theo bài nhận định của AFP hôm nay thì khác với trường hợp Libya, lần này cộng đồng quốc tế bị chia rẽ và mất uy tín đối với người dân Syria.

Quan điểm khác biệt về « tính chính đáng của một cuộc can thiệp quốc tế » đã không ngăn cản 5 thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an hợp tác với nhau trong quá khứ mà điển hình là đưa quân vào Kosovo trong cuộc khủng hoảng diệt chủng năm 1999.

Liên Hiệp Quốc cũng có một văn kiện về « trách nhiệm của cộng đồng quốc tế » nhất là của Hội đồng Bảo an khi một Nhà nước tỏ ra bất lực hoặc không có thiện chí bảo vệ dân mình. Điều khoản này đã được áp dụng hoàn toàn trong trường hợp Libya nhờ thái độ ngầm chấp thuận của Nga và Trung Quốc.

Trong trường hợp Libya, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh « lên tuyến đầu » thuyết phục Hoa Kỳ và nhiều nước khác.

Phải chăng là cộng đồng quốc tế xem nhẹ Syria hơn Libya ?

Giới lãnh đạo Tây phương viện lẽ bên trong Syria có nhiều hệ phái hồi giáo chống đối nhau, bên ngoài thì có Iran hậu thuẫn Damas với nguy cơ gây chiến tranh toàn diện.

Theo AFP, nhiều nhà phân tích không tin vào cách giải thích này vì chế độ Damas sụp đổ sẽ là một công đôi việc, vừa cứu dân Syria, vừa làm suy yếu Iran cùng với mối đe dọa hạt nhân.

Trước thái độ bất hợp tác của Nga và Trung Quốc, Tây phương cũng chỉ phản ứng thụ động và núp sau « sáng kiến ngập ngừng » của Liên Đoàn Ả Rập, từ chối lãnh nhiệm vụ can thiệp như đối lập Syria thúc giục hôm thứ hai 12/03/2012.

Từ Hoa Kỳ cho dến Châu Âu cũng không có một nhân vật nào dứt khoát phát động một phong trào phản kháng trên toàn thế giới.

Lời kêu gọi của 50 nhân vật lãnh đạo về hưu trên Finantial Times đặt cộng đồng quốc tế trước phần trách nhiệm của chính họ trước tội ác diệt chủng của một chế độ độc tài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.