Vào nội dung chính
HY LẠP - CHÍNH TRỊ

Hy Lạp : Khả năng lập được chính phủ liên hiệp mong manh

Hôm nay, 13/05/2012, các đảng phái trúng cử vào Quốc hội Hy Lạp họp lại dưới sự chủ tọa của tổng thống Carolos Papoulias, để tìm kiếm khả năng thành lập một chính phủ liên hiệp, nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi bế tắc chính trị hiện nay.

Đại diện ba đảng chính trị Hy Lạp gặp nhau ngày 13/05/2012, với hy vọng thành lập chính phủ
Đại diện ba đảng chính trị Hy Lạp gặp nhau ngày 13/05/2012, với hy vọng thành lập chính phủ REUTERS
Quảng cáo

AFP đưa tin, sau cuộc gặp sáng nay giữa ba đảng về đầu, đảng Tân Dân chủ, đảng cực tả Syriza và đảng Xã hội, lãnh đạo đảng Xã hội Evangelos Venizelos tuyên bố ít tin tưởng vào khả năng lập được chính phủ liên hiệp, trong khi đó, lãnh đạo đảng cực tả Syriza thì khẳng định là hai đảng Tân Dân chủ và Xã hội đã đạt được thỏa thuận với một đảng nhỏ.

Thủ lĩnh đảng Xã hội nói, cuộc họp sáng nay đã đi vào ngõ cụt. Hy vọng duy nhất giờ chỉ còn đặt vào đảng Cánh tả Dân chủ (Dimar) - một đảng nhỏ thân châu Âu - với 19 dân biểu trong Quốc hội mới. Về phần mình, ông Samaras, lãnh đạo đảng bảo thủ Tân Dân chủ, cho biết, đảng Syriza, một lần nữa, lại từ chối tham gia chính phủ liên hiệp, thậm chí còn không muốn ủng hộ một chính phủ như vậy, cho dù chính phủ đó cam kết sẽ « đàm phán lại » thỏa thuận với các chủ nợ là Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Theo tin giờ chót, lãnh đạo đảng Syriza Alexis Tsipras thông báo, hai đảng Tân Dân chủ và Xã hội cùng với một đảng nhỏ, đã nhất trí thành lập một chính phủ lâm thời tồn tại trong hai năm, nhằm thực thi thỏa thuận về nợ với EU và IMF. Lãnh đạo đảng Syriza nói, ba đảng này đã có được đa số cần thiết trong Quốc hội. Tuy nhiên, lãnh đạo hai đảng Tân Dân chủ và Xã hội đều không nói gì về một thỏa thuận như vậy.

Vài giờ trước cuộc họp giữa ba đảng lớn dưới sự chủ tọa của tổng thống Hy Lạp sáng nay, ông Kouvelis - lãnh đạo đảng Dimar - Cánh tả Dân chủ - khẳng định, Hy Lạp nên từ chối kế hoạch kinh tế khắc khổ do các chủ nợ áp đặt. Ông Kouvelis cũng nghi ngờ khả năng đạt được một thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp. Trong tuần, lãnh đạo đảng Dimar tuyên bố sẽ không tham gia vào chính phủ, nếu không có đảng Syriza.

Chính phủ liên hiệp chỉ có thể được thành lập với sự ủng hộ của tối thiểu là 168 dân biểu trong tổng số 300 nghị sĩ trong Quốc hội Hy Lạp. Không có đảng nào trong số ba đảng về đầu, đạt được đa số cần thiết để lập được chính phủ, và các nỗ lực của cả ba đảng trong việc thành lập các liên minh trong tuần qua đều thất bại.

Chiều nay, tổng thống Hy Lạp lần lượt gặp lãnh đạo của bốn đảng nhỏ. Nếu các đảng phái không đạt được đồng thuận, từ đây cho đến thứ Năm, tức là khi Quốc hội họp phiên đầu tiên, thì Hy Lạp sẽ bắt buộc phải tổ chức bầu cử lại vào giữa tháng Sáu. Việc bầu cử lại gây ra nguy cơ Hy Lạp rơi vào khủng hoảng chính trị, quốc gia có thể bị phá sản hay buộc phải ra khỏi khu vực đồng euro.

Theo kết quả của hai cuộc thăm dò dư luận, được công bố ngày hôm qua 12/05 và hôm nay 13/05, trong trường hợp bầu lại, đảng cực tả Syriza – chủ trương chống lại kế hoạch thắt lưng buộc bụng của các chủ nợ - sẽ nhận được sự ủng hộ của khoảng 20% cử tri, đứng đầu trong các đảng phái tranh cử. Bên cạnh đó, hơn 70% số người được hỏi hy vọng rằng các đảng phái trong Quốc hội sẽ hợp tác được với nhau. Gần 80% muốn chính phủ mới phải làm mọi cách để Hy Lạp vẫn ở lại trong khối euro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.