Vào nội dung chính
AI CẬP - CHÍNH TRỊ

Quân đội Ai Cập bị tố cáo củng cố quyền lực trước cuộc bầu cử tổng thống

Hai ngày trước khi có cuộc bỏ phiếu vòng hai bầu tổng thống, quyết định tương lai của Ai Cập, hôm qua, 14/06/2012, Tòa Bảo Hiến nước này đã ra phán quyết không công nhận tính hợp pháp của Quốc hội. Quân đội Ai Cập, lãnh đạo đất nước từ hơn một năm nay, đã bị tố cáo tìm cách củng cố quyền lực, được che đậy bằng các phán quyết của tư pháp.

Binh lính Ai Cập đứng gác trước một phòng phiếu ngày 24/05 ở Cairo.
Binh lính Ai Cập đứng gác trước một phòng phiếu ngày 24/05 ở Cairo. Reuters
Quảng cáo

Một quan chức cao cấp của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, ông Mohammed Beltagui, đã coi quyết định của tư pháp Ai Cập không công nhận Quốc hội, nơi mà đại diện của tổ chức này chiếm gần một nửa tổng số dân biểu, là một « cuộc đảo chính ».

Theo ông, chính Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang – CSFA, thâu tóm mọi quyền hành sau sự sụp đổ của chế độ Moubarak, tháng 02/2011, muốn « xóa bỏ giai đoạn vinh quang nhất trong lịch sử » Ai Cập.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Hossam Baghat, một trong những nhà tranh đấu cho nhân quyền có tên tuổi tại Ai Cập đã nhận định : « Chúng ta đang chứng kiến một cuộc đảo chính nhẹ nhàng. Chúng ta sẽ phải nổi dậy nếu như chúng ta đã không quá kiệt sức bởi gần một năm rưỡi quá độ chính trị đầy xáo trộn ».

Trong khi đó, một nhân vật Hồi giáo được biết đến nhiều là Ibrahim al Houdaiby khẳng định : « Đó là một quyết định chính trị khi nhìn vào thời điểm được lựa chọn », tức là ngay trước vòng hai cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào hai ngày cuối tuần này, 16 và 17/06, với hai ứng viên, ông Ahmad Chafiq, cựu thủ tướng của chế độ Moubarak, xuất thân từ quân đội và ông Mohammed Morsi, thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

Theo giới quan sát, quyết định của Tòa Bảo Hiến không công nhận Quốc hội có thể cho phép Hội đồng Tối cao các lượng vũ trang – CSFA nắm lại quyền lập pháp, giống như trong giai đoạn từ sau khi cựu tổng thống Moubarak bị lật đổ cho đến khi có cuộc bầu cử Quốc hội.

Phán quyết ngày hôm qua của Tòa Bảo Hiến nằm trong số các biện pháp được đưa ra trong thời gian qua, thể hiện quyết tâm của quân đội muốn tiếp tục lãnh đạo đất nước cho đến khi nào Ai Cập có được một bộ máy quyền lực bảo đảm các quyền lợi của quân đội.

Theo chiều hướng này, hôm thứ Tư, 13/06, chính quyền Ai Cập lại cho phép cảnh sát vũ trang và tình báo quân đội có quyền bắt giữ thường dân, chỉ hơn một chục ngày sau khi bãi bỏ đặc quyền này.

17 tổ chức phi chính phủ Ai Cập đấu tranh bảo vệ nhân quyền đã tố cáo là biện pháp này « không có cơ sở pháp lý » và « có thể dẫn đến việc thiết lập các hạn chế, cấm đoán còn tồi tệ hơn trong lúc có tình trạng khẩn cấp ».

Từ sau sự sụp đổ của chế độ quân chủ, năm 1952 đến nay, quân đội Ai Cập giữ vai trò trụ cột của quyền lực, nắm trong tay nhiều lợi ích kinh tế mờ ám. Tất cả các tổng thống Ai Cập đều xuất thân từ quân đội : Naguib, Nasser, Sadate, rồi Moubarak.

Lãnh đạo đất nước từ hơn một năm nay, quân đội đã hứa trao trả quyền lực cho một chính phủ dân sự vào cuối tháng Sáu này, sau khi Ai Cập có được một tổng thống dân cử. Tuy nhiên, giới phân tích và nhiều chính trị gia Ai Cập cho rằng quân đội sẽ vẫn tiếp tục có một vai trò quan trọng ở hậu trường.

Do vậy, thắng lợi của ông Chafiq trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ không làm cho quân đội phải lo lắng và vẫn bảo toàn được các lợi ích chính trị và kinh tế. Tình hình sẽ khác nếu ông Morsi trở thành tổng thống bởi vì phong trào Huynh đệ Hồi giáo có một sự kình địch lâu đời với quân đội.

Ngày hôm qua, sau khi Tòa Bảo Hiến Ai Cập tuyên bố Quốc hội bất hợp pháp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã kêu gọi Ai Cập « không nên từ bỏ nền dân chủ ». Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang nghiên cứu quyết định của Tòa Bảo Hiến Ai Cập và hy vọng là người dân Ai Cập sẽ đạt được những gì mà họ đã tranh đấu trong cuộc nổi dậy vào năm ngoái, dẫn đến sự sụp đổ chế độ độc tài Hosni Moubarak.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.