Vào nội dung chính
SYRIA - LIÊN HIỆP QUỐC

Kofi Annan từ chức sứ giả hòa giải trên hồ sơ Syria

“Tôi đã làm hết khả năng của mình, những đã gặp phải quá nhiều khó khăn và trở ngại, trong lúc lại có quá ít hậu thuẫn”. Ông Kofi Annan đã giải thích như trên vào ngày 02/08/2012, khi loan báo ý định từ chức đặc sứ Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập phụ trách Syria.

Kofi Annan thông báo từ chức.
Kofi Annan thông báo từ chức. REUTERS/Denis Balibouse
Quảng cáo

Sau năm tháng nỗ lực đứng ra làm trung gian hòa giải giữa các phe ở Syria, ông Annan sẽ chính thức rời nhiệm sở vào ngày 31/08/2012. Trước các nhà báo tại Genève, nhà ngoại giao kỳ cựu đã vạch trần sự bất lực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong việc nhất trí được với nhau. Theo thông tín viên Karim Lebhour tại New York, Kofi Annan đã nói về thất bại của sứ mệnh ông được giao phó. Ông đã không áp đặt được kế hoạch hòa bình của mình, cho dù đã đạt được một vài bước tiến nhỏ.

Nhiệm vụ hòa giải của Liên Hiệp Quốc rõ ràng là một thất bại, do đó khó mà tìm ra những bước tiến. Khi nhận sứ mệnh này, Kofi Annan đã đề ra hai mục tiêu : thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Syria và cho mở đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập Syria. Cả hai mục tiêu này đều không đạt. Kofi Annan đã phải thừa nhận rằng ông đã được giao cho một nhiệm vụ « bất khả ».

Không những phải đối mặt với một Hội đồng Bảo an bị chia rẽ, ông còn vấp phải lập trường cứng rắn của cả chính phủ Syria lẫn phe đối lập, không muốn mở đối thoại chính trị với nhau.

Đúng là việc các quan sát viên Liên Hiệp Quốc được triển khai tại Syria đã giúp có được các thông tin đáng tin cậy hơn. Thế nhưng nhiệm vụ của họ chắc chắn chỉ còn kéo dài một vài tuần nữa thôi và Liên Hiệp Quốc có lẽ sẽ tự giới hạn mình trong một vai trò chính trị hơn là nhân đạo tại Syria.

Kofi Annan đã lấy làm tiếc về việc không được Hội đồng Bảo an hỗ trợ. Vào hôm nay, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết do nhóm các nước Ả Rập đệ trình.

Nghị quyết này lấy lại các nội dung trong dự thảo đã được trình bày trước Hội đồng Bảo an, vốn đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết. Văn kiện nêu lên các đe dọa trừng phạt đối với Syria, tiến trình chuyển đổi chính trị và thậm chí cả một điều khoản liên quan đến vũ khí hóa học và cảnh cáo chế độ Damas về việc sử dụng loại vũ khí này.

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không mang tính chất ràng buộc, nhưng là một thông điệp cho thấy là Liên Hiệp Quốc vẫn tích cực trên vấn đề Syria. Có điều là nếu nghị quyết lần trước của Đại hội đồng về Syria đã được thông qua bởi một đa số áp đảo 137 phiếu, lần này, kết quả có thể sẽ thấp hơn. Lý do là các cuộc vận động quá đáng của Ả Rập Xê Út, Qatar và phương Tây về vấn đề Syria đã khiến nhiều nước bực bội, và họ có thể vắng mặt để tránh khỏi phải bỏ phiếu tán đồng nghị quyết này.

Phản ứng quốc tế

Nhiều quốc gia như Canada, Đức ngay từ hôm qua đã lên tiếng lấy làm tiếc về việc ông Annan từ nhiệm. Trung Quốccũng có phản ứng tương tự và nhấn mạnh trên vai trò cần thiết của Liên Hiệp Quốc trong hồ sơ Syria. Hoa Kỳ quy trách nhiệm thất bại trong nhiệm vụ của ông Annan cho Trung Quốc và Nga, vốn luôn luôn chống lại việc trừng phạt Syria.

Ngay sau thông báo của ông Annan, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton, đã thúc giục Liên Hiệp Quốc và Liên Đoàn Ả Rập nhanh chóng đề cử một người thay thế ông Annnan làm trung gian hoà giải ở Syria. Matxcơva cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

Riêng Ngoại trưởng Anh kêu gọi phải tăng cường trợ giúp phe nổi dậy ở Syria sau thất bại ngoại giao này. Luân Đôn chủ trương trợ giúp mọi loại thiết bị, ngoại trừ vũ khí. Hoa Kỳ khẳng định trở lại quan điểm chống việc giúp đõ vũ khí cho phe nổi dậy.

Tại chỗ tình hình giao tranh vẫn ác liệt, đặc biệt tại Alep. Quân đội tiếp tục sử dụng trọng pháo và chiến xa tấn công vào một số vực của thành phố này, nhất là vào khu Salaheddine. Trong lúc đó, phe nổi dậy tìm cách củng cố những khu vực khác mà họ chiếm đươc trong thành phố.

Hôm qua thì lực lượng nổi dậy đã bắn pháo vào khu phi trường quân sự Managh phiá Bắc Alep. Theo phe nổi dậy, nếu phi trường này rơi thì kể như toàn thành phố Alep nằm trong tay của họ.

Bất chấp tình hình nguy hiểm, nhiều cuộc biểu tình vẫn được huy động sau buổi lễ cầu nguyện lớn ngày thứ Sáu tại nhiều nơi khắp Syria. Trong lúc đó, một phái đoàn chính phủ Syria gồm các bộ trưởng kinh tế, tài chính, thương mại, dầu khí và giao thông đến Maxtcơva vào hôm nay.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.