Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Liên Hiệp Quốc đưa sáng kiến bảo vệ đại dương

Hôm nay 12/08/2012, trong bài phát biểu tại Yeosu, Hàn Quốc nhân buổi hội thảo kỷ niệm 30 năm mở ra tiến trình ký kết Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki Moon kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ các đại dương.

Bờ biển ở Mahahual, Mehico trước trận bão Ernesto. Ảnh chụp ngày 07/08/2012.
Bờ biển ở Mahahual, Mehico trước trận bão Ernesto. Ảnh chụp ngày 07/08/2012. REUTERS/Victor Ruiz
Quảng cáo

Ông đề xuất một lộ trình, mang tên “Oceans Compact” kêu gọi nỗ lực hợp tác nhằm bảo tồn các đại dương đang trong “tình trạng mong manh”. Tổng thư ký cảnh báo hiện tượng ô nhiễm, đại dương ấm dần lên, đánh bắt quá mức và mực nước biển dâng cao đang đe dọa cuộc sống của các loài sinh vật biển cũng như là hàng trăm triệu người dân.

Theo ông Ban Ki Moon, Liên Hiệp Quốc nên thành lập một ủy ban cấp cao để vạch ra kế hoạch hành động. Ủy ban sẽ bao gồm các nhà chính trị, khoa học gia và các nhà đại dương học, đại diện của lãnh vực tư nhân và đoàn thể dân sự cũng như là các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc.

Từ đây cho đến năm 2025, các quốc gia nên ấn định các mục tiêu giảm các chất thải gây ô nhiễm và ít nhất là 10% các vùng ven bờ và lãnh hải cần được bảo vệ.

Bản lộ trình cũng kêu gọi tăng cường cuộc chiến chống lại việc đánh bắt trái phép, để cho các loài thủy sản có thời gian tái sinh sản. Ngoài ra, nước biển bị a-xít hóa do hấp thụ quá nhiều lượng khí CO2 làm giảm độ pH trong nước và kéo theo sự kết hợp của những thay đổi hóa học.

Theo dự đoán của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ, do khí hậu ấm dần lên, mực nước biển sẽ dâng cao từ 8 đến 23cm từ đây cho đến năm 2030, so với mức nước biển đo được vào năm 2000, từ 18 đến 40cm từ đây cho đến năm 2050 và từ 50cm cho đến 1,40 từ đây cho đến năm 2100. Mục tiêu hiện nay của cộng đồng quốc tế là hạn chế mức tăng nhiệt độ không vượt quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Đối với Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki Moon, lộ trình công bố tại Yeosu hỗ trợ cho các cam kết của công ước về Luật Biển, có hiệu lực từ năm 1994. Ông cho rằng “lộ trình này góp phần ổn định hòa bình và an ninh quốc tế, giúp cho việc khai thác nguồn hải sản được công bằng và hiệu quả, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và thực hiện một trật tự kinh tế công bằng và thích đáng”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.