Vào nội dung chính
PHỎNG VẤN

Ngân hàng Vatican : sẽ còn nhiều người từ chức

 Như tin đã loan hôm qua, hai nhân vật lãnh đạo cao cấp của “Viện Giáo Vụ” (IOR), trên thực tế là Ngân Hàng của Tòa Thánh Vatican, đã từ chức: đó là Tổng Giám đốc Paolo Cipriani và Phó Tổng Giám đốc Massimo Tulli.Tạm thời thì Chủ tịch Ngân hàng Vatican là ông Ernst von Freyberg sẽ kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc. Báo chí Ý tin rằng sẽ còn nhiều vụ từ chức khác.

Đúc Giáo Hoàng Phanxico. Ảnh Chụp ngày 26/06/2013 tại thánh đường Thánh Phêrô.
Đúc Giáo Hoàng Phanxico. Ảnh Chụp ngày 26/06/2013 tại thánh đường Thánh Phêrô. Reuters
Quảng cáo

Các quyết định từ nhiệm vừa qua phải được hiểu như thế nào ? Nhất là khi vụ việc xẩy ra trong bối cảnh khá phức tạp của Ngân hàng Vatican : thí dụ như quyết định bãi nhiệm ông Chủ tịch ngân hàng Ettore Gotti Tedeschi hồi năm ngoái, như việc gần đây Đức Giáo Hoàng Phanxico đã quyết định thành lập Thượng Hội đồng Giám sát đứng đầu toàn bộ cấu trúc lãnh đạo của ngân hàng với mục tiêu giám sát và cải tổ chính Ngân hàng. Và nhất là quyết định của Tòa án Ý trong mấy ngày qua cho bắt giam Đức ông Nunzio Scarano, phụ trách kế toán cho Viện quản lý tài sản của Tòa thánh, bị nghi chuyển tiền lậu vào nước Ý thông qua chính Ngân hàng của Vatican.

Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng phân tích :

07:07

thông tín viên Huê Đăng

'' Báo chí trong khi đưa tin về việc từ nhiệm nói trên cũng đã “mắm muối” coi như đây là “những quyết định từ nhiệm đầu tiên” trong giới lãnh đạo của Ngân hàng Vatican, với hàm ý như để “tiết lộ” trước rằng trong những ngày tháng sắp tới sẽ còn tiếp tục những quyết định từ nhiệm khác.

Thực ra đối với giới am tường về hậu cung của Tòa thánh thì quyết định từ nhiệm ngày hôm qua không có chi gọi là bất ngờ. Chỉ cần chịu khó ngồi xem lại “lý lịch” của các ông Tổng Giám Đốc và Phó Tổng Giám Đốc, rồi đối chiếu với những sự kiện đã xẩy ra ở Ngân hàng Vatican trong một vài năm trở lại đây, cộng thêm những “trăn trở” trước đây của cựu Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI trước khi lấy quyết định từ nhiệm và những “bóng gió” gần đây của Đức Giáo Hoàng Phanxico, thí dụ như khi Đức Giáo Hoàng phê phán về những cám dỗ của mãnh lực đồng tiền đã “bóng gió” rằng … “Thánh Phaolồ ngày xưa cũng đâu có … tài khoản nào trong ngân hàng đâu …”

Lý lịch các nhân vật nặng ký

Thí dụ như xem “lý lịch” của ông Paolo Cipriani : Vốn là một chuyên gia cao cấp ngành ngân hàng đã từng làm việc cho một số ngân hàng của Ý. Ngày 19/06/2007 Paolo Cipriani được Hồng Y Angelo Sodano, cựu Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh, đưa vào ghế Tổng Giám Đốc điều hành của Ủy Ban Giám sát của Ngân hàng Vatican, Ủy Ban mà chính Hồng Y Angelo Sodano làm Chủ Tịch.

Một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng : trong Ủy ban Giám sát nói trên lúc đó cũng có Hồng Y Tarcisio Bertone, người đã thay thế Sodano trong ghế Quốc vụ khanh và cũng là người nắm đầu Ủy ban Hồng Y Giám sát của Ngân hàng Vatican. Đến ngày 01/10/2007 Paolo Cipriani trở thành Tổng Giám đốc Ngân hàng Vatican khi người tiền nhiệm là ông Lelio Scaletti về hưu.

Khoảng hai năm sau, tức là vào tháng 09/2009 thì ông Ettore Gotti Tedeschi, một chuyên gia cao cấp về tài chánh quốc tế, được chính Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh của Tòa thánh tiến cử vào chức vụ Chủ Tịch Ngân Hàng Vatican. Và quan hệ giữa ông Chủ Tịch Tedeschi và ông Tổng Giám Đốc Cipriani đã không bao giờ tốt đẹp. Báo chí thời đó gọi đấy là giai đoạn mà ông Tedeschi và ông Cipriani đã phải bắt buộc “chung sống hòa bình” với nhau.

Dẫn chứng là hồi tháng 5 năm ngoái, khi ông Ettore Gotti Tedeschi bị Ban điều hành của Ngân hàng bãi nhiệm, với sự đồng thuận của chính Hồng Y Tarcisio Bertone trong cương vị Chủ tịch của Ủy ban Hồng Y Giám sát, thì ông Cipriani đã lập tức có những tuyên bố rất phê phán về “khả năng” của ông Tedeschi.

Ngược lại, sau khi bị bãi nhiệm, ông Ettore Gotti Tedeschi cũng đã có viết một “hồi ký” trong đó ông ta đã nêu tên một số nhân vật trong Vatican bị ông ta xem như “kẻ thù không đội trời chung” … trong đó có tên Paolo Cipriani, nhất là khi trong hồi ký viết về vụ Tòa án Ý hồi tháng 09/2010 đã phong tỏa 23 triệu Euro được chuyển khoảng từ Ngân hàng Vatican sang Đức … nhưng không rõ nguồn gốc của số tiền … thì ông Ettore Gotti Tedeschi kể rằng lúc đó ông ta có quan điểm muốn cộng tác với Tòa án Ý để làm sáng tỏ vụ việc … trong khi chính ông Paolo Cipriani đã luôn luôn chống lại tất cả những quyết định muốn làm sáng tỏ câu chuyện.

Nhiều nhân vật khác sẽ ra đi

Theo các giới am tường về Vatican thì hiện nay Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone đang bị phê phán và bị tấn công trong hàng giáo phẩm. Và rất có thể là Bertone đã nhận thức rằng để tránh bị công kích cần phải có nhiều thay đổi trong Tòa Thánh … và điều này có nghĩa là, theo một vài tin đồn trong nội thành Vatican, thì trong tương lai sẽ có rất nhiều tay chân thân cận của Quốc vụ khanh sẽ bị hất ra ngoài như con vật hy sinh … để chính Tarcisio Bertone vẫn còn có thể tiếp tục giữ ghế Quốc vụ khanh.

Thực ra thì những sự kiện xẩy ra ở Ngân hàng Vatican đang xoay chung quanh hai câu hỏi lớn.

Câu hỏi thứ nhất là …. sau quyết định từ nhiệm của Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc .. thì tay người Đức Ernst von Freyberg sẽ còn giữ được ghế Chủ tịch Ngân hàng trong bao lâu nữa ? Cần nên nhớ là hồi năm ngoái khi ông Ettore Gotti Tedeschi bị bãi nhiệm thì chính Quốc Vụ Khanh Hồng Y Tarcisio Bertone đã “tranh thủ” đưa Ernst von Freyberg vào thay Tedeschi … vào những ngày cuối cùng của Giáo triều của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI.

Một số nguồn tin cho rằng Vatican đang tìm một phương án “êm dịu” để đưa Ernst von Freyberg sang những chức vụ khác ngoài Ngân hàng Vatican.

Câu hỏi thứ hai dính đến một Hồng y đang được xem như có quyền lực ngày càng lớn trong Tòa thánh và nhất là vai trò kép trong hàng giáo phẩm: Hồng y Jean Louis Tauran, đương kim Chủ tịch của Hội đồng Giáo triều đặc trách về đối thoại liên tôn giáo, cựu Ngoại trưởng Tòa thánh … và nhất là hiện vừa có chân trong Hội đồng Hồng Y Giám sát Ngân hàng Vatican (trong đó có Quốc vụ Khanh Hồng y Tarcisio Bertone) vừa là thành viên của Thượng Hội đồng Giám sát, do chính Đức Giáo Hoàng Phanxico quyết định thành lập, đứng đầu toàn bộ cấu trúc lãnh đạo của Ngân hàng Vatican.

Điều này có nghĩa là Hồng Y Tauran có khả năng “giám sát” luôn cả Quốc vụ khanh. Một vị trí khá hy hữu, và cũng cực kỳ uy thế. Giới am tường Vatican nhận xét rằng hiện nay chính Hồng y Tauran là người thực sự nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Vatican. Và cũng chính vì Tauran được xem như là nhân vật tín cẩn của Đức Giáo Hoàng Phanxico.

Điều này có nghĩa là dù muốn dù không, Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone phải “đối thoại” với Hồng y Tauran nếu muốn tiếp tục giữ ghế Quốc vụ khanh và tiếp tục nằm trong Ủy ban Hồng Y Giám sát ngân hàng. Và chính quá trình “đối thoại” này sẽ là thước đo để công luận có thể đánh giá được Ngân hàng Vatican trong tương lai sẽ được cải tổ đến đâu.

Khó có thể dự đoán được kết quả sẽ như thế nào. Nhưng chắc chắn là những cải tổ sẽ được tiến hành một cách “mềm dẻo” và “cẩn trọng” để tránh tối đa những “phản ứng phụ bất ngờ”. Và nhất là để làm giảm tối đa những “đàm tiếu” không tốt có thể dấy lên trong dư luận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.