Vào nội dung chính
BỒ ĐÀO NHA

Khủng hoảng chính trị Bồ Đào Nha kéo dài

Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva đòi ba đảng lớn trong liên minh cầm quyền nhanh chóng thành lập một liên minh « cứu nguy dân tộc » hòng chấm dứt khủng hoảng chính trị đã kéo dài từ hai tuần qua. Đây là nhiệm vụ khó hoàn hành.

Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva - REUTERS /R. Marchante
Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva - REUTERS /R. Marchante
Quảng cáo

Từ 15 ngày qua, toàn cảnh chính trị tại Bồ Đào Nha hoàn toàn lâm vào bế tắc. Thủ tướng Pedro Passos Coelho đã cải tổ nội các với hy vọng xoa dịu tình hình. Thế nhưng, Tổng thống Bồ Đào Nha lại đòi ba đảng phái chính trị là đảng Xã hội cánh tả, đảng Dân chủ Xã hội cánh trung và đảng bảo thủ CDS PP phải nhanh chóng tìm ra đồng thuận khai thông bế tắc chính trị.

Cả ba đảng này đã chấp nhận gói hỗ trợ 78 tỷ euro của quốc tế vào thàng 5/2011. Để nhận được khoản trợ cấp này của Liên Hiệp Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Lisboa cam kết áp dụng các chính sách khắc khổ, hòng giải quyết nợ công và giảm bội chi ngân sách nhà nước. 

Theo các nhà quan sát việc tổng thống Cavaco Silva can thiệp lại càng khiến tình hình chính trị Bồ Đào Nha thêm rối rắm. Đặc biệt là ông chủ trương tổ chức bầu lại Quốc hội trước thời hạn vào tháng 6/2014. Đó đúng là dịp kế hoạch hỗ trợ của quốc tế cho Bồ Đào Nha chấm dứt. Bình thường ra, Quốc hội hiện nay sẽ chỉ mãn nhiệm vào năm 2015. 

Giới phân tích cho rằng, đòi hỏi ba đảng phái chính trị quan trọng nhất ở Bồ Đào Nha phải tìm ra đồng thuận vào lúc này là điều bất khả thi do lợi ích của mỗi đảng quá khác biệt với nhau. Đảng cánh trung và phe bảo thủ cho rằng họ sẽ thua đậm trong trường hợp tổ chức bầu lại Quốc hội trước hạn kỳ.

Do vậy, bằng mọi cách hai đảng này sẽ gây áp lực để thủ tướng Coelho cải tổ nội các, cố gắng cầm cự cho đến đợt bầu cử lập pháp kỳ tới trong 2 năm nữa. Về phần mình, đảng Xã hội không muốn buộc mình vào liên minh cầm quyền vì không muốn chịu trách nhiệm trước những hậu quả tai hại của chính sách khắc khổ liên tục được áp dụng từ hai năm nay. 

Trong bối cảnh nói trên, tất cả các nhà quan sát đều cho rằng, ngoài miệng đảng nào cũng tuyên bố sẵn sàng thảo luận với 2 đối tác chính trị còn lại, nhưng trong thâm tâm thì không một ai muốn tham gia « liên minh cứu nguy dân tộc » mà tổng thống Bồ Đào Nha đã đề ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.